Washington đã làm mọi cách để thuyết phục các nước châu Âu, trước hết là Đức, từ bỏ dự án này nhưng không thành công. Theo Gazeta, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thừa nhận điều này trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 10/4.
Tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga Gazprom khẳng định dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2019 "dù cho có bất cứ chuyện gì xảy ra".
"Trên thực tế, chúng tôi đã làm tất cả mọi thứ có thể để thuyết phục người châu Âu, trước hết là Đức, không xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2, nhưng đến thời điểm hiện tại chúng tôi chưa làm được điều này", ông Pompeo cho biết.
Theo ông, rõ ràng Đức vẫn tiếp tục xây dựng đường ống dần khí này. "Chúng tôi đang làm việc với họ (Đức) để xem liệu có cách nào có thể đảm bảo cung cấp một phần năng lượng qua Ukraine hay không", ông nói thêm.
Trước đó, tại hội nghị CERAWeek ở Houston, Texas, Mỹ, ông Pompeo nói rằng Mỹ không muốn các đồng minh của mình ở châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga thông qua việc xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2. Hơn nữa, theo ông, Mỹ đang lên kế hoạch giúp đỡ các nước đảm bảo đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.
Dòng chảy phương Bắc 2 là một đường ống dẫn khí mới để cung cấp khí đốt từ Nga đến Đức xuyên qua đáy biển Baltic.Đường ống này sau khi hoàn thành có sức chứa 55 tỷ mét khối khí mỗi năm.
"Việc xây dựng đường ống Nord Stream 2 sẽ hoàn thành vào năm 2019", Giám đốc điều hành Gazprom Alexee Miller nói trong chương trình truyền hình "Moscow. Điện Kremlin. Putin." vào cuối tháng 3. Theo ông, không có trở ngại pháp lý nào cho việc hoàn tất xây dựng đường ống dẫn khí.
Phần Lan, Thụy Điển và Đức đã cấp giấy phép xây dựng đường ống dẫn khí đốt trên lãnh thổ của các quốc gia này. Quốc gia duy nhất chưa cấp giấy phép xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 là Đan Mạch.
Cuối tháng 2, EU đã phê chuẩn một phương án thỏa hiệp sửa đổi "Chỉ thị Gas". Tài liệu sửa đổi cho phép nới lỏng các quy định về năng lượng của EU đối với tất cả các đường ống dẫn khí từ các nước thứ 3 đi qua lãnh thổ EU, bao gồm cả ngoài biển.
Theo các chuyên gia, Mỹ đã cực lực phản đối việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 xuất phát từ tham vọng nghiêm túc trong việc cung cấp LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) cho EU. Washington đang tích cực xây dựng các cơ sở hóa lỏng mới, phát triển các mỏ đá phiến, cũng như công nghệ mới. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, khí đốt từ Nga vẫn rẻ hơn nguồn cung cấp LNG từ Mỹ.