Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 vừa công bố, HĐQT Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HoSE: BHN) trình cổ đông kế hoạch doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính đạt 4.238 tỷ đồng trong năm 2020, giảm 44% so với năm 2019. Tổng lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 313 tỷ đồng, giảm 49%.
Báo cáo trước Đại hội, Tổng giám đốc HABECO cho biết, năm 2019, HABECO đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu bia lớn trong và ngoài nước cũng như các sản phẩm bia địa phương đã tạo sức ép lớn đối với sản phẩm bia của HABECO. Đòi hỏi HABECO phải đưa ra bài toán duy trì đảm bảo chất lượng ổn định, đẩy mạnh công tác bán hàng, truyền thông xây dựng thương hiệu; nghiên cứu thành công và cho ra mắt sản phẩm Hanoi Bold và Hanoi Light…. HABECO cũng nhận định chính xác nhu cầu của từng đối tượng khách hàng để kịp thời thay đổi chiến lược bán hàng.
Kết quả kinh doanh năm 2019, HABECO ghi nhận sản lượng các sản phẩm chủ yếu đạt 401,1 triệu lít và mang về doanh thu 7.562 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 502 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ nhưng vẫn vượt 62% kế hoạch năm.
Với kết quả đó, Tổng giám đốc HABECO đề xuất mức chia cổ tức năm 2019 dự kiến là 12,6%. Tuy nhiên báo cáo của HĐQT cho biết cổ đông chi phối là Bộ Công Thương vẫn đang làm việc với Bộ Tài chính về phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, do đó HĐQT sẽ lấy ý kiến cổ đông về nội dung này sau khi Bộ Công thương có ý kiến.
Đánh giá về những khó khăn mà HABECO đang gặp phải, ông Trần Đình Thanh, Chủ tịch HABECO cho biết, đầu năm 2020, thị trường bia rượu chịu tác động lớn bởi Nghị định 100 và đợt bùng phát Covid-19 và HABECO cũng không ngoại lệ. Lợi nhuận 4 tháng đầu năm của HABECO chỉ đạt gần 16 tỷ đồng, giảm đến 93% so với cùng kỳ năm 2019. Các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách đều suy giảm, chỉ đạt từ 44 - 50% so với cùng kỳ và Nhiều đơn vị thành viên phải ngừng hoạt động, cắt giảm lao động, tiền lương, dòng tiền bị ảnh hưởng lớn, tình hình tài chính mất cân đối… Đây thực sự là áp lực lớn đối vói HABECO không chỉ trong những tháng đầu năm mà hệ lụy này kéo dài hết năm 2020 và năm tiếp theo.
Trước những khó khăn “kép”, năm 2020, HABECO đưa ra kế hoạch giảm 50% so với cùng kỳ, như: Tiêu thụ hơn 225 triệu lít, bằng 56,1% so với cùng kỳ, trong đó, bia các loại đạt hơn 223,1 triệu lít, nước uống đóng chai UniAqua đạt 1,9 triệu lít. Doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính dự kiến là 4.238,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 313 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 248 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu trên, HABECO đã đề ra những chiến lược mới về marketing, cơ cấu nhóm sản phẩm, củng cố thị trường, thoái vốn tại những công ty các đơn vị thành viên, các hoạt động ngoài ngành. Cụ thể:
Tháng 5/2020, HABECO đã đưa ra thị trường sản phẩm bia hơi Hà Nội 500ml (đóng lon) và bia hơi Hà Nội 1 lít (đóng chai PET). Trong các tháng còn lại, tổng công ty tiếp tục nghiên cứu và đưa và thị trường 3 sản phẩm mới, sản xuất một số bia Craft mới và nghiên cứu một số loại nước giải khát mới.
Về công tác thị trường, trong năm 2020 HABECO đã cơ cấu và phân khúc thị trường nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm ở từng khu vực, vùng, miền. Đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Trung HABECO đang chiếm giữ 41,6% thị phần. HABECO sẽ giao thêm khu vực thị trường miền Trung cho Công ty TNHH MTV thương mại bia Hà Nội Thanh Hóa với mục tiêu củng cố thị trường và lấy lại thị phần. Đối với thị trường miền Nam, HABECO sẽ hoàn thiện xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng đủ nhân sự, tìm kiếm đủ nhà phân phối tại khu vực Miền Nam để sẵn sàng khai thác thị trường từ năm 2020.
Về tình hình thoái vốn các đơn vị thành viên, HABECO cho biết công ty Cồn Rượu Hà Nội (Halico) đang kinh doanh thua lỗ và tình hình tài chính tiềm ẩn rủi ro cao nên đang tiến hành thoái toàn bộ vốn đầu tư và mong muốn chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư khác.
Ngoài ra, HABECO còn có góp vốn tại 5 công ty hoạt động ngoài ngành; trong đó có 3 công ty lĩnh vực bất động sản, 1 công ty giáo dục đào tạo và 1 công ty kinh doanh tổng hợp. Công tác thoái vốn đang gặp khó khăn do đây là những đơn vị chưa phải công ty đại chúng, kết quả kinh doanh kém hiệu quả và có lỗ lũy kế…
HABECO đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương đề nghị cho phép HABECO thuộc đối tượng loại trừ các điều kiện về chào bán chứng khoán ra công chúng khi thực hiện chào bán cổ phần sở hữu tại doanh nghiệp khác, ngay cả khi doanh nghiệp đang có lỗ lũy kế để đảm bảo tính công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước.