Từ ngày 13 - 15/9/2023 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.
Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được những xu hướng tiêu dùng và thu mua của các kênh phân phối, nhà nhập khẩu quốc tế từ đó có giải pháp kết nối hiệu quả hơn tại chuỗi sự kiện Viet Nam International Sourcing 2023, ngày 11/8 Bộ Công Thương đã tổ chức buổi Tọa đàm, trao đổi cùng các chuyên gia quốc tế và đại diện đến từ Thương vụ Việt Nam tại một số nước tổ chức đưa đoàn thu mua về Việt Nam.
Tọa đàm có sự tham dự của Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương; đại diện Thương vụ Việt Nam tại một số địa bàn châu Âu - châu Mỹ; đại diện Lãnh đạo Hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, nông sản và thực phẩm chế biến; đại diện các Tập đoàn thu mua và phân phối quốc tế; các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực dệt may, nông sản và thực phẩm chế biến.
Những ý kiến trao đổi tại Tọa đàm tập trung cập nhật những xu hướng tiêu dùng tại các thị trường lớn và nhu cầu thu mua của các hệ thống phân phối, các nhà nhập khẩu nước ngoài.
Nhiều chuỗi thu mua có nhu cầu tìm kiếm sản phẩm Việt Nam
Trao đổi trực tuyến từ Tây Ban Nha, ông Christian Merizalde Aguilar, Phụ trách chiến lược kinh doanh Công ty Grupo Merica Foods - một doanh nghiệp mới tham gia nhập khẩu và kinh doanh hàng hóa Việt Nam tại EU cho biết, năm 2022 Công ty đã nhập khẩu khoảng 70 container các sản phẩm khác nhau từ Việt Nam và năm 2033 dự kiến sẽ tăng số lượng sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam lên khoảng 110 container, chủ yếu là các sản phẩm nước trái cây, nước dừa, sản phẩm có nguồn gốc từ cây nha đam…
Hiện nay, Grupo Merica Foods đang dịch chuyển kinh doanh từ Thái Lan sang Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế ưu đãi từ Hiệp định EVFTA và hàng hóa Việt Nam có giá cạnh tranh so với hàng Thái Lan, chất lượng đáp ứng sự hài lòng.
“Hiện nay người tiêu dùng đã biết đến sản phẩm nguồn gốc xuất xứ Việt Nam nhiều hơn. Chúng tôi tham gia Viet Nam International Sourcing 2023 với mong muốn tìm kiếm thêm nhiều nhà cung cấp tại Việt Nam”, ông Christian Merizalde Aguilar chia sẻ và cho rằng, để tăng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU, tận dụng được Hiệp định EVFTA, thuận lợi là chất lượng sản phẩm đã tăng lên nhiều và được đối tác tin tưởng. Tuy nhiên nhiều nhà thu mua, nhập khẩu thường có mong muốn cần tham quan, khảo sát thực tế sản xuất tại Việt Nam để nắm được quy trình sản xuất sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu, yêu cầu của nhà mua hàng, quy định của thị trường và làm việc trực tiếp với nhà cung cấp.
Tương tự, công ty đã có một số hợp tác kinh doanh thành công với doanh nghiệp Việt Nam, Công ty Takko (Đức) hiện cũng đang có mong muốn mở rộng kinh doanh, dịch chuyển hoạt động từ Trung Quốc về Việt Nam nhằm tìm kiếm thêm nhiều nhà cung cấp Việt Nam và kỳ vọng sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhiều hơn trong tương lai.
Đại diện một chuỗi phân phối đã có kinh nghiệm thu mua và kinh doanh hàng hóa Việt Nam nhiều năm, ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng cấp cao - Phát triển nhà cung ứng khu vực Châu Á của Tập đoàn Walmart (Hoa Kỳ) cho biết, Walmart có một chiến lược lâu dài đối với thị trường Việt Nam, trong đó xác định Việt Nam là một trong những điểm sourcing (thu mua) chính tại thị trường Đông Nam Á và cả châu Á. Mục tiêu đến năm 2027 thị phần sourcing của Walmart ở thị trường Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều, không chỉ các mặt hàng chủ lực như giày dép, quần áo hay các sản phẩm điện tử mà còn tất cả các lĩnh vực khác có nguồn gốc từ Việt Nam.
“Chiến lược của Tập đoàn không chỉ tập trung vào những công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà cả những công ty thuần Việt cũng là những đối tác chiến lược của Tập đoàn. Điều này sẽ được các lãnh đạo của Tập đoàn chia sẻ cụ thể trong sự kiện của Viet Nam International Sourcing 2023”, ông Trọng thông tin.
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng và thu mua mới để tận dụng cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng
Theo đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), sau đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn do các bất ổn về địa chính trị, xu hướng tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu và xu hướng thu mua của các kênh phân phối quốc tế có nhiều thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thích ứng với những thay đổi đó.
Như tại Châu Âu đang có sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân đối với nhóm hàng hóa nông sản, thực phẩm chế biến và dệt may…, ảnh hưởng đến xu hướng thu mua của các nhà phân phối tại Châu Âu.
Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, các dòng thực phẩm, hàng hóa xanh, sạch, bền vững ngày càng được ưa chuộng tại Liên minh châu Âu với giá trị ngày càng tăng. Đối với sản phẩm dệt may, da giày, các sản phẩm khác cũng ngày càng hướng đến tiêu chuẩn về môi trường, thân thiện.
Chính từ xu hướng tiêu dùng này mà Liên minh Châu Âu đã luật hóa thành các văn bản quy định gần đây như các chương trình trong Thỏa thuận xanh châu Âu hay kinh tế tuần hoàn. Với các quy định này, các doanh nghiệp sẽ ngày càng phải chịu áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường bền vững, trách nhiệm về xã hội, trách nhiệm đối với lao động... Từ đó cho thấy rằng các sản phẩm được sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường, bền vững ngày càng có vị trí trên thị trường Liên minh châu Âu.
Việc thay đổi xu hướng tiêu dùng dẫn đến sự thay đổi nhất định trong xu hướng thu mua các sản phẩm ở Việt Nam. Hiện nay các doanh nghiệp thu mua EU không chỉ tìm các nhà xuất khẩu đơn thuần để nhập các mặt hàng mà họ cũng đã triển khai hình thức đồng hành cùng các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, nghĩa là họ sẽ tìm đến các nhà sản xuất xuất khẩu ở Việt Nam cùng nhau xây dựng định hướng cho sản phẩm và đi cùng chu trình từ giai đoạn sản xuất, thu mua, bảo quản đến xuất khẩu để đảm bảo các sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường cũng như tiêu chuẩn của EU.
Ông Trần Ngọc Quân dẫn chứng từ việc doanh nghiệp Bỉ ngày càng quan tâm thị trường Việt Nam bởi từ năm thứ 3 thực hiện EVFTA rất nhiều mặt hàng giảm thuế về 0%, tạo ra cơ hội tiếp cận thị trường rất lớn cho các doanh nghiệp.
Với dân số ít khoảng 12 triệu người, tiêu dùng tại Bỉ không quá lớn. Tuy nhiên, Bỉ có định hướng xuất khẩu với tốc độ xuất khẩu trong EU hiện vẫn gia tăng. Do đó, bên cạnh sản xuất trong nước để xuất khẩu thì Bỉ còn nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam để tiêu thụ, kinh doanh tại thị trường EU. Đặc biệt, doanh nghiệp Bỉ không chỉ tìm doanh nghiệp bán hàng đơn thuần mà còn muốn tìm đối tác cùng hợp tác sản xuất hàng hóa xuất khẩu theo chuỗi cung ứng bao gồm cả sản xuất, kho lạnh, xuất khẩu…
Ông Trần Minh Thắng - Trưởng Chi nhánh Thương vụ San Francisco (Hoa Kỳ) thông tin, xu hướng tiêu dùng và mua hàng của các chuỗi thu mua ở Hoa Kỳ tương đồng với EU. Tác động sau đại dịch Covid-19, cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ, sự thay đổi về cơ cấu dân số, kinh tế gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao, lãi suất cao… Tất cả các yếu tố này đều tác động đến hành vi của người tiêu dùng cũng như xu hướng sourcing tại Hoa Kỳ.
Theo ông Thắng, hiện các chuỗi phân phối Hoa Kỳ có xu hướng gia tăng số lượng nhà cung cấp đa dạng hơn; giảm nguồn cung từ Trung Quốc, tìm kiếm nguồn hàng từ nhiều quốc gia hơn, trong đó tăng tìm kiếm nguồn cung có vị trí địa lý gần với Hoa Kỳ như: Mexico, Canada, các nước Trung Mỹ…. Đặc biệt Hoa Kỳ đang chú trọng đầu tư các chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho một số ngành hàng như chuỗi cung ứng dệt may tại các nước Trung Mỹ và Dominica nhằm đưa sản xuất về gần Hoa Kỳ hơn.
Một xu hướng nữa tại Hoa Kỳ là người tiêu dùng và các công ty thu mua ngày càng quan tâm đến những yếu tố như: môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp. Đơn cử ngành công nghiệp thời trang, nhất là phân khúc thời trang nhanh có tác động rất lớn đối với biến đổi khí hậu. Dưới áp lực của người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ, các nhà đầu tư cũng như các tổ chức phi Chính phủ và các nhà sản xuất thời trang buộc phải sản xuất theo hướng bền vững.
Bên cạnh dệt may, nhóm hàng thực phẩm của Việt Nam cũng xuất hiện nhiều tại Hoa Kỳ không chỉ trong cộng đồng người dân gốc châu Á mà còn đối với những cộng đồng dân cư khác như: cá tra, tôm, hạt tiêu, hạt điều, bánh pía, nước dừa, nước mắm… ngày càng được phổ biến và tiêu thụ rộng rãi, đặc biệt thông qua các doanh nghiệp, doanh nhân Việt kiều. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua các doanh nhân Việt kiều thúc đẩy việc đưa hàng hóa vào các kênh phân phối tại Hoa Kỳ.
Ông Trần Minh Thắng cho biết thêm, hiện nay, nhóm người tiêu dùng gốc Mỹ Latin tại Hoa Kỳ đang tăng nhanh, chiếm vai trò quan trọng trong cơ cấu mua sắm của Hoa Kỳ. Yêu cầu chất lượng, mẫu mã sản phẩm… của cộng đồng người tiêu dùng này phù hợp với năng lực đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam Thương vụ tiếp tục làm việc với các phòng thương mại Hoa Kỳ gốc Mexico, các tổ chức xúc tiến thương mại tại Việt Nam… để tổ chức, kết nối đoàn doanh nghiệp của bạn đến Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng từ Việt Nam.
Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Vietnam International Sourcing Expo 2023) do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức từ ngày 13 - 15/9/2023 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh với kỳ vọng hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng như thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.
Chuỗi sự kiện là hoạt động nhằm tích cực triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022. Bộ Công Thương giao Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ làm đầu mối phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai công tác tổ chức.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện. Đồng thời, sau đại dịch COVID-19 và những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều Tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Chuỗi sự kiện bao gồm các hội nghị, hội thảo, hoạt động kết nối giao thương và Triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Vietnam International Sourcing Expo 2023. Triển lãm với quy mô 8.000 m2 dành cho 300 doanh nghiệp, đại diện cho các lĩnh vực khác nhau trong chuỗi cung ứng quốc tế.