Trưởng Phòng Nội vụ quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Hoài Thu cho biết, quận đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt và đạt được nhiều kết quả về công tác chuyển đổi số như: các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số thúc đẩy phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới trong hoạt động của cơ quan nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Qua đó, đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn. Ngoài ra, quận đã tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức kỹ năng số cho 100% thành viên Tổ chuyển đổi số cộng đồng, thông qua lớp tập huấn, giúp Tổ chuyển đổi số cộng đồng và người dân nhận thức rõ hơn về chuyển đổi số, cũng như thụ hưởng các thành quả từ chuyển đổi số, góp phần xây dựng TP thông minh.
Quận cũng đã rà soát triển khai đồng bộ, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa của quận và các phường; duy trì các hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin dùng chung do TP triển khai; phục vụ chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; xây dựng tuyến phố không dùng tiền mặt; mô hình chợ 4.0; xây dựng Mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính một cửa hiện đại các cấp trên địa bàn quận.
Đặc biệt, quận đã có sáng kiến xây dựng và triển khai Đề án: “Chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện cải cách hành chính theo mô hình xã hội hóa trên địa bàn phường Phương Canh, giai đoạn 2023 - 2025”. Đầu năm 2024, mô hình chuyển đổi số trong cải cách hành chính cấp phường tại phường Phương Canh chính thức ra mắt. Mô hình ra đời khẳng định quyết tâm của quận trong thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, hướng tới sự hài lòng, phục vụ tốt nhất cho người dân, DN. Đây cũng là mô hình chuyển đổi số cấp phường đầu tiên của Hà Nội.
Đến nay, hệ thống camera giám sát đã hiện hữu ở rất nhiều trục đường chính của Phương Canh. Phường cũng tổ chức các cuộc họp trực tuyến, sử dụng nền tảng mạng xã hội để giao nhiệm vụ; đầu tư các trang thiết bị hiện đại tại bộ phận một cửa phường như: máy xếp hàng tự động, đánh giá sự hài lòng của người dân… Tất cả các chủ nhà trọ trên địa bàn đều được tập huấn, cài đặt phần mềm.
Việc triển khai hiệu quả, thành công nền tảng quản lý nhà trọ là một điểm sáng trong hoạt động chuyển đổi số. Đây được coi là mô hình kinh tế số gắn với xã hội số, chính quyền số từ cơ sở với những lợi thế mà nó mang lại có thể tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến người dân, các hộ gia đình, rộng hơn là các phường và có thể tiếp tục được nhân rộng ra trên địa bàn rộng lớn hơn, mang công nghệ thông tin đến gần hơn với cuộc sống Nhân dân, thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số….
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022.
Doanh nghiệp có thể tham gia tự đánh giá trực tuyến mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tại địa chỉ: https://hotrodoanhnghiep.cds.hanoi.gov.vn/KhaoSatCDS/...MucDoCDS