Nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật đối với tội đánh bạc

Bài báo Nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật đối với tội đánh bạc do Hoàng Anh Tú (Học viên Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện.

TÓM TẮT:

Trong những năm gần đây, công tác phòng chống tội phạm nói chung cũng như tội đánh bạc nói riêng đã được chú trọng. Các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 để xử lý đối với các hành vi đánh bạc hiện nay cơ bản đáp ứng được yêu cầu đấu tranh và phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định pháp luật trong thực tiễn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, do quan điểm nhận thức và áp dụng các quy định của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với tội đánh bạc hiện còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Để góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng ngừa tội đánh bạc, cần đưa ra những giải pháp cụ thể, nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật đối với tội đánh bạc, kịp thời xử lý nghiêm minh hành vi phạm tội, xử lý đúng người, đúng tội danh, đúng pháp luật.

Từ khóa: tội đánh bạc, Bộ luật Hình sự 2015, áp dụng pháp luật.

1. Đặt vấn đề

Vài năm trở lại đây, tệ nạn cờ bạc nổi lên ngày càng nhiều đến mức đáng báo động ở các địa phương. Đánh bạc xuất phát từ các trò chơi, ban đầu chỉ mang tính giải trí vui chơi thư giãn của con người trong đời sống của xã hội và thường diễn ra trong những dịp lễ hội, dịp nghỉ lễ, sự kiện tập trung đông người... Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, đánh bạc đã dần biến tướng và không còn mang mục đích như ban đầu. Đánh bạc là một trong những tệ nạn xã hội thường dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, là nguyên nhân tan vỡ của nhiều gia đình và cũng là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm khác như trộm cắp, cướp của giết người, gây mật trật tự trị an và an toàn xã hội. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều quan điểm, chủ trương chỉ đạo đấu tranh kiên quyết đối với loại tội phạm này. Trong quá trình xây dựng pháp luật, tùy theo từng giai đoạn phát triển của đất nước, các nhà lập pháp cũng nghiên cứu để có những quy định và chính sách hình sự phù hợp nhằm đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với loại tội phạm này trong xã hội. Có thể khẳng định những quy định về tội đánh bạc tại Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 đã có nhiều tiến bộ, minh bạch và dễ hiểu, dễ áp dụng hơn so với quy định tại BLHS năm 1999 và sửa đổi năm 2009 (sau đây viết tắt là BLHS 1999) về tội danh này. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật để xử lý các hành vi đánh bạc hiện nay cũng còn rất nhiều vướng mắc và nhiều quan điểm khác nhau, không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.

2. Một số hạn chế vướng mắc trong áp dụng quy định pháp luật xử lý hành vi đánh bạc

Thứ nhất, vướng mắc trong việc xác định số tiền hoặc hiện vật dùng vào việc đánh bạc để định tội danh.

Hiện nay, Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của HĐTP Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 BLHS năm 1999 không còn giá trị hướng dẫn đối với BLHS năm 2015 [1], tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn của quan có thẩm quyền về vấn đề này. Do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn vận dụng tinh thần Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP trong giải quyết các vụ án đánh bạc. Tuy nhiên, việc vận dụng này vẫn còn có những vướng mắc nhất định, như: khó khăn khi xác định số tiền trong người các con bạc là số tiền “đã dùng” để đánh bạc hoặc “sẽ dùng” để đánh bạc.

Theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP thì tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc được xác định từ 3 nguồn. Quy định tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc là phù hợp và dễ áp dụng. Tuy nhiên, tại quy định, tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc hoặc thu giữ ở những nơi khác mà “có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc” [2], còn gặp khó khăn, vướng mắc.

Với quy định trên, việc chứng minh tội phạm của cơ quan, người tiến hành tố tụng là không dễ dàng. Thực tế rất khó chứng minh được số tiền thu giữ trong người các con bạc và thu giữ ở các nơi khác là đã được hoặc sẽ được dùng để đánh bạc mà chỉ căn cứ vào lời khai của người đánh bạc để kết luận số tiền đó đã được hoặc sẽ được dùng để đánh bạc. Nếu người đánh bạc thừa nhận thì số tiền đó sẽ được dùng để tính định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS). Nếu người đánh bạc không thừa nhận, cũng không được dùng để tính là định lượng truy cứu TNHS. Như vậy sẽ không phù hợp với quy định tại Điều 98 của BLTTHS năm 2015 là “Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội” nếu không có các tài liệu, chứng cứ khác để chứng minh. Từ đó, dễ dẫn đến tình trạng oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm trong tố tụng hình sự.

Thứ hai, vướng mắc việc xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ, chủ đề, chủ cá độ dùng để đánh bạc.

Theo quy định Tại điểm a, b mục 5.1 và điểm a, b mục 5.2 khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP, hướng dẫn xác định tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc của người chơi đề, cá độ và của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc thì việc xác định tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc trong trường hợp này không chỉ dựa vào hành vi đã thực hiện, mà còn dựa vào thời điểm phát hiện hành vi vi phạm (trước hoặc sau khi có kết quả). Tuy nhiên, cách tính số tiền đánh bạc trong trường hợp này chưa phù hợp, chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi mà người đánh bạc đã thực hiện. Tội đánh bạc được quy định Điều 321 của BLHS năm 2015 đều được nhà làm luật xây dựng dưới dạng CTTP hình thức, phạm tội đã hoàn thành từ thời điểm hai bên thỏa thuận xong số tiền đánh bạc và tỷ lệ thắng thua. Tuy nhiên, theo khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP, việc truy cứu TNHS lại người đánh bạc lại dựa vào thời điểm phát hiện tội phạm, trong khi hành vi đánh bạc đã thực hiện xong chưa hợp lý. Không thể cho rằng hành vi đánh bạc sau khi có kết quả có tính chất, mức độ nguy hiểm hơn trường hợp đánh bạc trước khi có kết quả thắng thua được. Hơn nữa, quy định việc xác định số tiền đánh bạc dựa vào thời điểm phát hiện tội phạm còn gây vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

Thứ ba, vướng mắc trong áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 322 BLHS.

Mạng máy tính, mạng viễn thông là những khái niệm mới lạ, mang tính đặc thù. Khái niệm mạng máy tính, mạng viễn thông chỉ được quy định tại Luật Viễn thông năm 2009 và Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10 tháng 09 năm 2012 như sau: mạng viễn thông là tập hợp thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông [3]. Mạng máy tính là tập hợp nhiều máy tính kết nối với nhau, có thể chia sẻ dữ liệu cho nhau [4]. Trên thực tế, việc xác định thế nào là sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội "đánh bạc" hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như trường hợp: Nguyễn Văn A nhắn tin qua điện thoại, zalo… để mua số đề do B bán (ghi số đề), với số tiền hơn 5.000.000 đồng. Vậy trường hợp này, A và B có phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự hay không?

Để hướng dẫn áp dụng trường hợp này đối với ngành Tòa án, Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 04/9/2018 về việc áp dụng điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của BLHS như sau: “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến (như hình thành nên các chiếu bạc online hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc, gá bạc). Việc người phạm tội sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác như là phương tiện để liên lạc với nhau (ví dụ: nhắn tin qua điện thoại, qua email, zalo, viber... để ghi số đề, lô tô, cá độ đua ngựa...) mà không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến thì không thuộc trường hợp “sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự”.

Với nội dung hướng dẫn này, tác giả nhận thấy vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, bởi hình thức đánh bạc trực tiếp khác với hình thức đánh bạc thông qua mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và phương tiện điện tử, việc sử dụng các loại mạng và phương tiện điện tử thể hiện tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội cao hơn với đánh bạc bằng hình thức trực tiếp, truyền thống. Hơn nữa, đây chỉ là hướng dẫn xét xử nội bộ của ngành Tòa án, không phải là văn bản quy phạm pháp luật mang tính chất bắt buộc, vì vậy sẽ dẫn đến cách hiểu và áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Thứ tư, vướng mắc trong xem xét trách nhiệm hình sự của các con bạc trong vụ án đánh bạc dựa trên số tiền đánh bạc.

Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về nội dung này, tuy nhiên căn cứ theo Tiểu mục 13 Mục I Công văn 89/TANDTC-PC năm 2020 được đính chính bởi Công văn 136/TANDTC-PC năm 2020 hướng dẫn như sau: “Số tiền mỗi bị cáo dùng vào việc đánh bạc là một trong những căn cứ để Tòa án xem xét, đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm khi quyết định hình phạt đối với mỗi bị cáo”.

Tham khảo các bản án về tội đánh bạc của các tòa án có thể thấy rất nhiều vụ án các tòa án chỉ căn cứ vào số tiền từng bị bị cáo khai mang đi để đánh bạc để quyết định mức hình phạt đối với bị cáo đó. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào số tiền mỗi bị cáo dùng vào việc đánh bạc thì không phản ánh được đúng tính chất và mức độ hành vi phạm tội của bị cáo trong vụ án. Vì trong nhiều trường hợp, trong một chiếu bạc có đối tượng chơi từ đầu, vào một thời gian dài. Tuy nhiên, số tiền mỗi ván chơi bỏ ra ít còn có đối tượng mới vào chơi, thậm chí chưa biết kết quả thắng thua ván đó thì đã bị bắt quả tang hoặc có đối tượng chỉ chơi 1 đến 2 ván, sau đó ra về không chơi nữa, tuy nhiên số tiền đánh bạc nhiều hơn lại phải chịu TNHS cao hơn đối tượng đã chơi từ đầu.

3. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về tội “đánh bạc”

Thứ nhất, về sửa đổi tên gọi, cấu trúc của điều luật. Để đảm bảo chính xác, tạo điều kiện dễ dàng cho việc nghiên cứu, áp dụng sửa đổi tên Điều 321 từ tội “Đánh bạc” thành tội “Đánh bạc trái phép” để đảm bảo chính xác.

Thứ hai, về nội dung điều luật. Cần đưa dấu hiệu hành vi khách quan của tội “Đánh bạc trái phép” vào trong nội dung của điều luật. Dưới góc độ khoa học pháp lý, khái niệm tội “Đánh bạc trái phép” đã được làm rõ. Tuy nhiên, quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành cũng như văn bản hướng dẫn còn chưa nêu được đầy đủ dấu hiệu khách quan của tội phạm, chưa đưa đầy đủ khái niệm tội “Đánh bạc trái phép” vào quy định của điều luật, dẫn tới việc nhận thức cũng như áp dụng còn chưa thống nhất và chính xác.

Ngoài ra, theo Điều 321 BLHS năm 2015, tài sản dùng vào việc đánh bạc được điều luật xác định là “tiền hoặc hiện vật”. Đây là vấn đề bất cập, vướng mắc, quy định này không bao quát hết nếu trong trường hợp con bạc sử dụng cả những tài sản là các loại giấy tờ có giá trị khác nhằm vào mục đích đánh bạc. Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi, cụm từ “tiền hoặc hiện vật” cần sửa đổi thành “tiền, hiện vật hoặc các tài sản khác” để làm cơ sở cho việc xác định về định lượng được chính xác.

Thứ ba, Tòa án Nhân dân tối cao cần ban hành Nghị quyết mới để hướng dẫn áp dụng Điều 321 BLHS năm 2015.

Cần đẩy mạnh công tác giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật, sớm ban hành các văn bản giải thích, hướng dẫn áp dụng các quy định của BLHS về tội phạm nói chung. Những quy phạm pháp luật có mâu thuẫn hoặc việc diễn đạt trong văn bản quy phạm pháp luật không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau hoặc trong văn bản có sử dụng những từ ngữ khác nhau, nhưng không được giải thích kịp thời, gây ra nhiều khó khăn cho người áp dụng pháp luật.

Về nguyên tắc, Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng BLHS năm 1999 đã hết hiệu lực thi hành kể từ khi BLHS năm 1999 hết hiệu lực pháp luật, nhưng do chưa có văn bản thay thế nên trong quá trình xét xử, Tòa án vẫn phải vận dụng tinh thần của Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP. Tuy nhiên, nghị quyết này cũng có những quy định còn bất cập. Chúng tôi kiến nghị trong thời gian tới các cơ quan thẩm quyền cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn thay thế cho Nghị quyết 01/2010, theo đó sửa đổi những nội dung sau để bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng pháp luật như:

Khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết số 01 cần hướng dẫn theo hướng “a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc và trên người các con bạc; b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc”.

Thông thường các con bạc đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều để tiền trong người, tùy theo mức độ sát phạt mà họ bỏ ra để đánh, nếu thắng thì họ cũng cất vào trong người, nên khi bị bắt thì số tiền trên chiếu bạc bao giờ cũng ít hơn số tiền thực tế mà các con bạc đã sát phạt nhau và chưa thể hiện hết quy mô đánh bạc. Nếu chỉ căn cứ vào số tiền thu trên chiếu bạc, đôi khi sẽ không chính xác và khó áp dụng các quy định của pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự. Về việc thu giữ tiền ở các nơi khác, cũng cần làm rõ bởi lẽ: đối với hình thức đánh bạc thông qua hình thức bắn cá, người tổ chức sẽ phải bỏ ra một khoản tiền để cho người quản lý máy thanh toán được thua với người chơi mà số tiền đó thường là không để trong người họ hoặc có những trường hợp các con bạc sau khi thắng bạc thường có hành vi cất giấu, do đó việc thu giữ cũng cần phải làm rõ [5]

Thứ tư, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong giải quyết các vụ án về tội đánh bạc. Theo quy định của pháp luật, hệ thống bộ máy nhà nước Việt Nam được tổ chức trên cơ sở nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Các cơ quan tiến hành tố tụng có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, có những quyền hạn độc lập với nhau, ràng buộc nhau. Bên cạnh việc phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của mình; các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp chặt chẽ với nhau có ý nghĩa phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan này, hạn chế tình trạng thực thi chức năng nhiệm vụ “pháp lý đơn thuần” hoặc tình trạng “quyền anh, quyền tôi” giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Quan hệ phối hợp giữa TAND với các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát là một đòi hỏi khách quan từ thực tiễn, bởi lẽ tuy Nhà nước đã có hệ thống pháp luật khá đầy đủ nhưng trong bản thân mỗi đạo luật, trong các chế định hay ngay trong các quy định của pháp luật, các hướng dẫn vẫn còn có những vướng mắc, những nhận thức khác nhau, dẫn đến việc áp dụng pháp luật còn khác nhau, chưa thống nhất trong thực tiễn. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực của đội ngũ các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán cũng khác nhau, do vậy việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc, góp phần đảm bảo tính thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật để hoàn thành nhiệm vụ chính trị đề ra.

Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tội đánh bạc thông qua công tác đấu tranh, xử lý các vụ án đánh bạc. Trong  các ngày lễ lớn, ngày tết, đám cưới... thường diễn ra các hoạt động chơi bài, chơi cờ bạc. Để tuyên truyền vận động nhân dân từ bỏ hoạt động đánh bạc trái pháp luật là công việc của cả hệ thống chính trị, của chính quyền các cấp.

Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là TAND cần thông qua việc xét xử các vụ phạm tội đánh bạc để giải thích rộng rãi đến mọi tầng lớp cán bộ, quần chúng nhân dân về những quy định của pháp luật hình sự về tội đánh bạc, giúp mọi người hiểu và biết được việc đánh bạc trái pháp luật có thể bị phạt tù. Trên cơ sở đó, tác động răn đe, giáo dục, động viên, khuyến khích quần chúng nhân dân không tham gia các trò chơi bất hợp pháp, không có sự sát phạt nhau về kinh tế thông qua các trò chơi cờ bạc.

Thứ sáu, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm trong việc áp dụng pháp luật để xử lý không khách quan, không đúng quy định của pháp luật.

Việc xét xử vụ án khách quan, đúng người, đúng tội, áp dụng đúng pháp luật giúp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng và chống tội phạm, đây là trách nhiệm của các thành viên Hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng khác.

Nếu Hội đồng xét xử ra các bản án, quyết định không đúng pháp luật không những làm giảm hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm mà còn ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan tư pháp. Trường hợp người cầm cân, nảy mực mà có hành vi vi phạm pháp luật khi xét xử dẫn đến việc xét xử không khách quan, bản án quyết định trái pháp luật, cần phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, tránh nể nang, bao che cho người vi phạm, tránh việc "giơ cao, đánh khẽ" không để xảy ra những hậu quả xấu trong quá trình tố tụng. Đây cũng chính là một trong các giải pháp quan trọng để bảo đảm hiệu quả xét xử nói chung và xét xử các vụ án về tội đánh bạc nói riêng.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (2015), khoản 4, Điều 154. Văn bản quy phạm hết hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.

[2] Khoản 3 điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của HĐTP TANDTC hướng dẫn một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 BLHS năm 1999.

[3] Khoản 14, Điều 3, Luật Viễn thông 2024.

[4] Khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.

[5] Phạm Minh Tuyên (2020), Tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc theo BLHS 2015-Những vướng mắc và kiến nghị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2017). Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

2. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2009). Luật Viễn thông năm 2009.

3. Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao (2010). Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22 tháng 10 năm 2010 V/v Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

4. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao (2012). Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông

5. Phạm Minh Tuyên (2020). Tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc theo Bộ luật Hình sự 2015 - Những vướng mắc và kiến nghị. Tạp chí Tòa án. Truy cập tại https://tapchitoaan.vn/public/toi-danh-bac-to-chuc-danh-bac-theo-blhs-2015-nhung-vuong-mac-va-kien-nghi

6. Ngô Anh Dũng (2022). Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về tội đánh bạc. Tạp chí Tòa án. Truy cập tại https://tapchitoaan.vn/public/mot-so-kien-nghi-nham-hoan-thien-cac-quy-dinh-ve-toi-danh-bac6753.html

Enhancing law enforcement against gambling crimes

Hoang Anh Tu

Graduate student, Graduate Academy of Social Sciences, Vietnam Academy of Social Sciences

Abstract:

In recent years, the prevalence of gambling activities has necessitated increased efforts to combat this issue. While the 2015 Penal Code, as amended in 2017, provides a legal framework to address contemporary gambling offenses, challenges persist in its practical application. Divergent interpretations of the law among law enforcement agencies and judicial officials hinder effective prosecution and adjudication of gambling-related crimes. This study identified specific solutions to enhance law enforcement efficacy in combating gambling crimes. By addressing ambiguities in the legal framework and promoting consistent interpretation, this study seeks to ensure that perpetrators of gambling offenses are held accountable, thereby contributing to a more effective crime prevention strategy.

Keywords: gambling crime, the Penal Code 2015, application of law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21 tháng 10 năm 2024]

Tạp chí Công Thương