Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận và tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu
quả của công tác phối hợp giữa cơ quan thực thi và doanh nghiệp, đề cao vai trò
của doanh nghiệp trong việc nâng cao ý thức tự bảo vệ hàng hoá, tài sản trí tuệ
của mình, tăng cường hiệu quả của cuộc đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền
sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.
xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường nội địa
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết: Hiện nay, lực lượng quản lý thị trường có gần 6.000 người, được tổ chức từ Trung ương đến các cấp quận, huyện đã trở thành lực lượng chủ công trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên thị trường nội địa. Mỗi năm, Cục Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý gần 90.000 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến hàng giả, thu được khoảng 400 tỷ đồng, nhiều hàng hóa thu giữ với chất lượng lớn như: rượu bia giả, quần áo may sẵn, thuốc lá…Chỉ tính riêng quý I/2014, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra gần 40.000 vụ, xử lý trên 25.000 vụ, với tổng số tiền phạt lên đến 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với thực tế đang diễn ra. Số vụ vi phạm ngày càng gia tăng và tinh vi.
Lý giải nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên, ông Đỗ Thanh Lam cho biết là do công tác chống hàng giả vẫn còn nhiều bất cập, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong đó có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi; Cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ; sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ; Trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế; Nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao… có thể kể đến nguyên nhân về sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ với việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, thậm chí thiếu hợp tác với lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái...
Đại diện Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách về bảo vệ quyền SHTT hoặc có đại diện SHTT của doanh nghiệp mình; cần xây dựng chiến lược về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chủ động phối hợp, hỗ trợ các cơ quan thực thi trong công tác chống hàng giả…
Tham luận tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng để đấu tranh trong công tác phòng và chống hàng giả, doanh nghiệp có vị trí quan trọng. Công tác chống hàng giả không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự tham một cách chủ động, tích cực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp một mặt không tham gia vào việc sản xuất, buôn bán hàng giả mà còn chủ động phòng và chống làm giả các loại sản phẩm của mình một cách tích cực.