Ngày 31/10/2022, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức chương trình trực tuyến chuyên sâu về xuất xứ hàng hoá triển khai Hiệp định UKVFTA. Chương trình nhằm trao đổi với các doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức cấp C/O về những quy định xuất xứ cập nhật đối với hàng hóa xuất khẩu đi Vương quốc Anh và Bắc Ailen.
Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả công cụ xuất xứ hàng hóa theo UKVFTA
Phát biểu khai mạc Chương trình, bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Đây là chương trình thiết thực giúp khai thác hiệu quả công cụ xuất xứ hàng hóa để tận dụng ưu đãi thuế quan trong các FTA, thúc đẩy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn thời kỳ hậu Covid và thương mại quốc tế diễn biến phức tạp.
Đối với thương mại, lợi ích của việc nắm bắt thông tin và hiểu đúng quy định xuất xứ hàng hóa sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kế hoạch sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế đối với bạn hàng quốc tế.
"Thông qua việc thực hiện tốt quy định về xuất xứ hàng hóa, doanh nghiệp khẳng định uy tín đối với cơ quan, tổ chức nhà nước liên quan trong việc thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu và thuận lợi hơn trong các lĩnh vực khác", bà Hương nhấn mạnh.
Đối với các cơ quan, tổ chức cấp C/O, thông tin, tài liệu triển khai về xuất xứ hàng hóa theo UKVFTA sẽ được cập nhật từ công tác đàm phán thực tế cấp C/O và dữ liệu mới nhất nhằm áp dụng Hiệp định một cách có hiệu quả.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - thành viên Đoàn đàm phán Chính phủ về Kinh tế và Thương mại quốc tế cho biết, trong chuỗi chương trình triển khai các hiệp định FTA thế hệ mới như EVFTA, UKVFTA và CPTPP, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ có một số chương trình trực tuyến hoặc trực tiếp để cập nhật cũng như cung cấp các thông tin liên quan đến thực tế triển khai quy tắc xuất xứ trong các hiệp định tương ứng.
Thông tin tại Chương trình, bà Trịnh Thị Thu Hiền và các chuyên gia, cán bộ của Phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TP.HCM đã chia sẻ về các vấn đề trong triển khai quy định về xuất xứ UKVFTA như: Cộng gộp vải Hàn Quốc; Cơ chế chứng nhận xuất xứ khi GSP của Vương quốc Anh (UK) chấm dứt (01/01/2023); Một số điểm khác biệt tại UKVFTA so với FTA Việt Nam tham gia; Phương án cấp C/O cho lô hàng chia nhỏ tại EU rồi đưa sang UK; Một số điểm sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2018/NĐ-CP; Giải đáp vướng mắc triển khai Thông báo 257/TB-BCT về việc in C/O; Cập nhật chuyển đổi PSR tại AJCEP, RCEP...
Đặc biệt, bà Hiền nhấn mạnh vấn đề liên quan đến việc cộng gộp xuất xứ mở rộng, trong đó UKVFTA cho phép áp dụng cộng gộp đối với nguồn gốc nguyên liệu có xuất xứ từ EU và vấn đề cộng gộp nguyên liệu vải có xuất xứ Hàn Quốc.
Theo bà Hiền, tại Hiệp định EVFTA đã triển khai thực hiện từ ngày 01/3/2021 áp dụng cộng gộp xuất xứ vải của Hàn Quốc được sử dụng và coi như vải có xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA để sau đó sản xuất xuất khẩu hàng dệt may với chương 61, 62 xuất khẩu đi EU thì hàng hóa được coi có xuất xứ theo các quy tắc xuất xứ tương ứng của sản phẩm.
"Đối với UKVFTA, hiện nay Bộ Công Thương Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục và phía Việt Nam đã hoàn thiện thủ tục trong nước để thông báo với phía Hàn Quốc. Chúng tôi rất hy vọng rằng trong thời gian tới khi mà Hàn Quốc cũng thông báo việc hoàn tất thủ tục, hai bên có thể ký kết công hàm trao đổi liên quan đến việc áp dụng cộng vụ vải nguyên liệu xuất xứ Hàn Quốc thì vấn đề này sẽ được triển khai trong khuôn khổ UKVFTA", bà Hiền chia sẻ.
Cũng tại Chương trình, các chuyên gia - thành viên đàm phán xuất xứ hàng hóa tại các FTA và các thành viên, tổ soạn thảo Thông tư hướng dẫn thực thi Quy tắc xuất xứ, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã lắng nghe, trao đổi và giải đáp những vướng mắc của các cơ quan, tổ chức cấp C/O, các doanh nghiệp gặp phải trong thực tế quá trình thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sang Vương quốc Anh và Bắc Ailen theo Hiệp định UKVFTA.
Ban Tổ chức hy vọng, sau chương trình này, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cấp C/O kịp thời nắm bắt thông tin, cập nhật, nâng cao năng lực thực hiện về xuất xứ hàng hóa, triển khai Hiệp định UKVFTA và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế quan một cách có hiệu quả hơn.