Văn phòng Chính phủ ngày 16/7/2024 đã phát đi Văn bản số 5030/VPCP-TH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc khai thác các cảng biển Việt Nam.
Thời gian qua, các phương tiện truyền thông liên tục cập nhật thông tin diễn biến về tình trạng tắc nghẽn một số cảng biển lớn trong khu vực.
Thông tin cho biết, sau đại dịch Covid-19 và do ảnh hưởng của tình hình căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ, các hãng tàu đã phải thay đổi lộ trình nhiều tuyến vận tải. Giá dịch vụ vận tải container từ châu Á đi châu Âu, châu Mỹ liên tục tăng cao. Tình hình căng thẳng đến mức, các hãng tàu lớn hiện chỉ báo giá theo tuần, giá cước thậm chí có thể thay đổi từng ngày, thay vì báo giá từ 15 ngày đến 1 tháng như trước đây.
Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn cảng toàn cầu và châu Á đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều hãng tàu phải mở tuyến mới ra các cảng khác trong khu vực. Giới quan sát nhận định, việc tắc nghẽn tại cảng Singapore đã khiến một số hãng tàu cơ cấu lại tuyến dịch vụ, chuyển trung tâm trung chuyển hàng hóa từ Singapore sang một số nơi khác trong khu vực Đông Nam Á.
Trước tình trạng này, các đơn vị cảng biển Việt Nam cần nhìn nhận đây cũng là cơ hội thu hút nguồn hàng trung chuyển về Việt Nam. nhiệm vụ trước mặt là phải tăng cường duy tu nạo vét, bảo dưỡng các tuyến luồng trọng điểm quốc gia khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu, sẵn sàng tiệp nhận tàu lớn ra vào. Đây là cơ hội hiếm có để các cảng biển Việt Nam hút thêm hãng tàu vào làm hàng, đón nguồn hàng có khả năng dịch chuyển mạnh mẽ về Việt Nam.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Ngoại giao, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh và các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan chủ động rà soát, nắm bắt thông tin báo chí phản ánh, tình hình thực tế khai thác cảng biển Việt Nam, khu vực, khẩn trương có giải pháp phù hợp theo thẩm quyền hoặc đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền để tận dụng cơ hội, phát huy lợi thế, tiềm lực đất nước, thu hút tối đa hàng trung chuyển khu vực qua Việt Nam, nâng cao năng lực cảng biển Việt Nam.
Trước đó, ngày 12/7/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Thư gửi ông Turgut Erkeskin - Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận Quốc tế (FIATA) trao đổi, đề xuất 05 nhóm giải pháp hợp tác liên quan đến tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc tại một số cảng châu Á cũng như những vấn đề về xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam.
Trong đó, Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch FIATA và FIATA với vai trò cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy hợp tác về logistics, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa các quốc gia hỗ trợ, có những biện pháp thiết thực hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong chiến lược định vị Việt Nam là trung tâm sản xuất hàng hóa, địa điểm trung chuyển quốc tế mới của châu Á trong cộng đồng các doanh nghiệp logistics toàn cầu...
Tại Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 22/5/2024 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã sửa đổi, bổ sung mục tiêu về năng lực và kết cấu hạ tầng của hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030.
Theo đó, về năng lực, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế. Hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.249 đến 1.494 triệu tấn (trong đó hàng container từ 46,3 đến 54,3 triệu TEU, chưa bao gồm hàng trung chuyển quốc tế); hành khách từ 17,4 đến 18,8 triệu lượt khách. (Trước đó, Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 đặt mục tiêu hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua 1.140 đến 1.423 triệu tấn hàng hóa; 10,1 đến 10,3 triệu lượt khách).
Về kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), xây dựng khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh). Nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa) để khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý. Quy hoạch định hướng phát triển bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) phục vụ đồng bằng sông Cửu Long để có thể triển khai đầu tư khi có đủ điều kiện; các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp; các bến cảng tại các huyện đảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển đảo.
Đến năm 2050, năng lực hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,2 đến 4,8%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,2 đến 1,3 %/năm...