Nâng cao năng lực doanh nghiệp điện tử Việt Nam trong chuỗi cung ứng

Các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu xu hướng công nghệ mới và tích cực tham gia thị trường toàn cầu để mặt hàng điện tử Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng thế giới.
Hội thảo doanh nghiệp điện tử
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

Ngày 4/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) tổ chức Hội thảo “Tăng cường năng lực doanh nghiệp điện tử Việt Nam trong chuỗi cung ứng: Cập nhật các quy định xuất khẩu đối với hàng điện tử đi các thị trường Âu - Mỹ”.

Tham dự Hội thảo có Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Trịnh Thị Thu Hiền; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia; Tổng Thư ký Hiệp hội Brôm quốc tế Michael Hack; cùng với đại diện Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Văn phòng TBT Việt Nam), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Hiệp hội Brôm quốc tế (BSEF) và các doanh nghiệp xuất khẩu.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Trịnh Thị Thu Hiền
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Trịnh Thị Thu Hiền phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trịnh Thị Thu Hiền cho biết, công nghiệp điện tử là ngành sản xuất đóng vị trí then chốt trong nền kinh tế, là thước đo trình độ phát triển kinh tế - kỹ thuật của quốc gia và có tác động mạnh đến các ngành công nghiệp khác. Mặt hàng điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và ảnh hưởng rõ rệt đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước.

Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa, giúp các doanh nghiệp điện tử Việt Nam tận dụng hơn nữa các cơ hội xuất khẩu sang các thị trường mục tiêu, bên cạnh đó cung cấp thông tin thực tiễn và khuyến nghị hữu ích đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu mặt hàng điện tử, tạo tiền đề để mặt hàng điện tử Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng trên thế giới.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Trịnh Thị Thu Hiền
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khẳng định Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa, giúp các doanh nghiệp điện tử Việt Nam tận dụng hơn nữa các cơ hội xuất khẩu sang các thị trường mục tiêu

Trình bày về những cơ hội, thách thức và giải pháp đối với doanh nghiệp điện tử Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực đưa ra gợi ý cho các doanh nghiệp với Mô hình 6R (Respond, Recover, Re-invent, Restructure, Resilience, Risk management).

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh các doanh nghiệp điện tự Việt Nam cần liên tục cập nhật để nắm bắt các xu hướng thương mại và đầu tư toàn cầu và đối tác chính; tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất để đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn; tăng cường nguyên liệu sạch, nguyên liệu tại chỗ; cùng Chính phủ phát triển công nghiệp hỗ trợ; đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm – dịch vụ, nguồn vốn khả thi cho chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn, tín chỉ carbon.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tham dự thảo luận về các tác động của những quy định thị trường với doanh nghiệp Việt Nam, cũng như những biện pháp giúp ngành sản xuất điện tử Việt Nam hòa nhập tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hội thảo doanh nghiệp điện tử
Phiên thảo luận tại Hội thảo

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng điện tử, các đại biểu nhận định rằng doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý, tài chính, an ninh mạng, thông tin - dữ liệu, xuất xứ hàng hóa, yêu cầu xanh hóa…; chủ động tâm thế, đón đầu xu hướng công nghệ, nhất là các lĩnh vực công nghệ mới (AI, thực tế ảo, tự động hóa, đám mây, an ninh mạng…) và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu (gồm cả bán dẫn); phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 6 tháng đầu năm 2024 đạt 33,66 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt trên 32,8 tỷ USD, tăng 30,81% so với cùng kỳ năm 2023. Về thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn đều ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đứng thứ nhất đạt 8,9 tỷ USD, tiếp đó là Trung Quốc 4,75 USD, Hồng Kông 3 tỷ USD, EU 2,8 tỷ USD, Hàn Quốc 2,2 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Mỹ và EU đều có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có một số mặt hàng nổi bật như các loại bộ vi xử lý, bộ nhớ, module các loại, máy tính xách tay, máy tính bảng, màn hình các loại.

Tiến Thành