Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt: Khi khoa học công nghệ là bệ đỡ

Trong 3 ngày 20-22/5, một số sản phẩm KHCN tiêu biểu của ngành Công Thương đã tham gia Triển lãm 10 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày Khoa học Công nghệ (KHCN) Việt Nam 18/5, ngày 20-22/5, một số sản phẩm KHCN tiêu biểu của ngành Công Thương đã tham gia Triển lãm10 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với chủ đề “Phát triển KHCN ngành Công Thương nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt”.

Trong khuôn khổ của cuộc Triển lãm, hai lĩnh vực được lựa chọn trưng bày sản phẩm thuộc Đề án “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020” và Chương trình “Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao” với 05 gian hàng.

Các đơn vị mang sản phẩm tiêu biểu góp mặt trong kỳ Triển lãm lần này có sự tham gia của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylo, Viện Công nghệ mới, Học viện Quân y 103, Trường Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội, Viện Công nghiệp Thực phẩm và Công ty TNHH Thương mại Trúc Anh.

Các sản phẩm trưng bày tại Triển lãm đã để lại ấn tượng tốt cho người tham quan, cũng như khẳng định vai trò của nghiên cứu KHCN trong sự phát triển của ngành Công Thương, với nhiều sản phẩm “Made in Vietnam”, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Đầu tiên phải kể đến là Hệ thống hội chẩn y tế tuyến với cái tên đầy đủ của Dự án là "Hoàn thiện công nghệ chế tạo thiết bị hệ thống thu thập, lưu trữ hình ảnh DICOM hệ thống hội chẩn y tế trực tuyến Video và phần mềm bảo mật, khai thác cơ sở dữ liệu hình ảnh DICOM phục vụ chuẩn đoán bệnh" do Công ty CP công nghệ thông minh Ưu Việt chủ trì thực hiện. Sản phẩm hệ thống thiết bị của dự án đã được triển khai ứng dụng thực tế tại 03 Bệnh viện tham gia Chương trình (Bệnh viện Quận Thủ Đức, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Medic Hòa Hảo). Theo đánh giá của các đơn vị này, sản phẩm của dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hỗ trợ đắc lực người dùng trong công tác thu thập, lưu trữ, khai thác hình ảnh phục vụ hội chẩn trực tuyến, chẩn đoán bệnh. Hiệu quả về mặt kinh tế của dự án là rất tốt, với việc huy động nguồn lực xã hội tham gia Chương trình (khoảng 20 tỷ đồng ngoài ngân sách nhà nước) nhưng đã tiết kiệm chi phí nhiều lần so với việc đầu tư một hệ thống chuyên dụng theo báo giá từ các hãng nước ngoài… Người tham dự triển lãm cảm thấy rất thích thú khi được tìm hiểu về hệ thống này và hầu hết ai cũng tấm tắc khen: “Không ngờ Việt Nam mình giỏi thế!”

Trong gian trưng bày các sản phẩm công nghệ cao còn có sự góp mặt của chiếc "Tay máy robot công nghiệp 6 bậc tự do" của Viện Cơ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam chủ trì nghiên cứu, là một trong những Dự án chuẩn bị cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành xu hướng toàn cầu.

Đời thường, dễ hiểu hơn cả là gian trưng bày thành tựu của những nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học. Khách tham quan nhìn thấy các thực phẩm chức năng, các chế phẩm sinh học như các loại nước uống nha đam, thanh long, tinh dầu đậu nành, dừa, olive, viên nang CoQ10, nước uống CoQ10, chế phẩm xử lý nước thải, ủ phân bón, phân bón vi sinh, nấm, chế phẩm chitin… Hoặc Viện nghiên cứu Hải sản thì có nước mắm, nước hàu, bột ngao, mực nhồi lên men, bạch tuộc lên men, bộ cá nóc, siro cá nóc, surimi mực… Khi được giới thiệu, giải thích về công dụng của những chế phẩm này trong việc sẽ làm phong phú, đa dạng và chất lượng hóa đời sống thực phẩm của con người hơn nữa, khiến khách tham quan đặc biệt thích thú.

Tại gian hàng của Viện Công nghiệp Thực phẩm, khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến thăm quan, ông đã rất quan tâm đến từng sản phẩm, xem nó được sản xuất như thế nào, công dụng ra sao. Phó Thủ tướng cũng khen ngợi và khích lệ các nhà khoa học tích cực nghiên cứu các sản phẩm thương hiệu Việt phục vụ người Việt đảm bảo an toàn và chất lượng.

Chia sẻ của ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh, một doanh nghiệp tư nhân tham gia Đề án “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020” cho thấy, công nghệ sinh học đang là một hướng nghiên cứu rất thực tiễn, đem lại hiệu quả thực sự. Đặc biệt là với Trúc Anh, ông Tuấn đánh giá, sản xuất vi sinh chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thủy sản, sản xuất vi sinh chế phẩm sinh học là một lĩnh vực kinh doanh mới và thực sự rất nhiều tiềm năng.

Trong quá trình Trúc Anh chinh phục bà con nông dân, tư vấn nuôi tôm sạch, định hướng bà con sử dụng các chế phẩm sinh học để thay đổi tập tục nuôi tôm truyền thống, đem lại nguồn lợi lớn hơn cho bà con, Công ty đã nhìn thấy bà con thực sự rất vui sướng khi hiểu ra giá trị mang lại của những ứng dụng KHCN đối với đời sống của họ. Cần phải quảng bá nhiều hơn cho bà con tiếp cận với chế phẩm sinh học nhiều hơn, nuôi tôm “sạch” hơn, xây dựng hình ảnh cộng đồng người nông dân nuôi tôm Việt Nam hiện đại, hiểu biết – đó là tâm nguyện của Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh khi tham dự triển lãm thành tựu 10 năm Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam!

Khép lại 3 ngày Triển lãm, những sản phẩm KHCN của ngành Công Thương thực sự đã để lại ấn tượng sâu sắc cho khách tham quan, cũng như nhận được sự đánh giá cao và sự động viên khích lệ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đây cũng chính là động lực để hoạt động KHCN ngành Công Thương ngày càng cố gắng gắn nghiên cứu với thực tiễn sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt, vươn tầm thế giới.

gian hàng KHCN
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ rất quan tâm đến từng sản phẩm của Viện Công nghiệp Thực phẩm, xem nó được sản xuất như thế nào, công dụng ra sao

 

gian hàng KHCN
Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh giới thiệu với Phó Thủ tướng chế phẩm sinh học  nuôi tôm “sạch” 

 

gian hàng KHCN
Chiếc "Tay máy robot công nghiệp 6 bậc tự do" của Viện Cơ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam chủ trì nghiên cứu, là một trong những sản phẩm thu hút sự quan tâm của khách tham quan Triển lãm. 

 

gian hàng KHCN

Tác giả của các nghiên cứu được trưng bày tại gian hàng thuộc Đề án “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020”

gian hàng KHCN

Gian hàng trưng bày các sản phẩm thuộc Đề án “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020”

 

Minh Thủy – Hồ Nga