Nên hay không nên đốt gốc đào trước khi cắm, chưa chắc bạn đã biết điều này

Để cành hoa đào tươi lâu trong những ngày tết nhiều người đã truyền tai nhau mẹo đốt gốc đào trước khi cắm. Các chuyên gia lại cho rằng, đốt gốc đào là việc làm sai lầm.

Nhiều người tin rằng, mỗi khi cưa cành đào ra khỏi cây, phần nhựa cây sẽ chảy ra tại vết chặt (cưa/cắt), gặp không khí sẽ dễ đông kết lại thành như nút chặn lại không cho nhựa cây tiếp tục chảy ra nữa. Không những thế, vi khuẩn, nấm mốc sẽ dễ dàng xâm nhập vào phần cắt này ở gốc đào.

Vì thế, trước khi cắm cành vào lọ nước, cần đốt gốc để diệt khuẩn, nấm cũng như để các cục nhựa cây nóng chảy ra, làm thông mạch cây, giúp cành cây tiếp tục hút nước từ bình lên để nuôi hoa, như vậy nụ hoa mới tiếp tục nở và hoa mới tươi được.

Dot goc dao
Các chuyên gia khuyên không nên đốt gốc đào mà chỉ nên hơ qua lửa để cho đào tươi lâu

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì đây là việc làm sai lầm thậm chí là phản tác dụng. TS Đặng Văn Đông - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hoa và cây cảnh - Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư cho rằng: “Theo kinh nghiệm dân gian, đốt cành đào trước hết là để diệt khuẩn, diệt nấm xâm nhập vào các bó mạch dẫn của cành đào, làm cành đào hạn chế chảy nhựa, mất dinh dưỡng của cành và làm sạch nước cắm đào... Nhưng việc đốt gốc cành đào cũng sẽ gây tắc các mạch, không cho nước và dinh dưỡng đi lên nuôi cành”.

Theo TS Đông, nếu áp dụng biện pháp đốt cành thì chỉ đốt vừa phải. Nếu đốt quá lâu, quá nhiều sẽ gây tổn thương mạch, tắc mạch, sẽ lại làm cành đào chóng tàn.

Dao chau
Đào chậu phải tưới bằng nước sạch, không cần tưới nhiều nước quá

Anh Nguyễn Văn Minh - nông dân đang sở hữu 3 sào đào với gần 300 gốc ở bãi sông Hồng, thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội, với 10 năm kinh nghiệm chăm sóc đào cho rằng: “Khi đốt bằng lửa, gốc cành đào sẽ cháy, không thể hút được nước, chất dinh dưỡng để nuôi cành, làm cho cành đào nhanh héo, hoa chóng tàn. Việc đốt gốc cành đào để giữ hoa tươi là phản khoa học”.

Bà Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch Hội Nông dân phường Nhật Tân, có gia đình nhiều đời trồng, chăm sóc và bán đào cũng cho rằng, việc đốt gốc cành đào là không khoa học, phản tác dụng trong việc bảo vệ đào. Hiện đa số nông dân Nhật Tân không áp dụng biện pháp này.

Đào đẹp
Cành đào đẹp ngày Tết

Như vậy, theo các chuyên gia thì để giữ được cành đào tươi lâu trong những ngày Tết bạn nên áp dụng một số mẹo vặt sau:

- Chỉ hơ nhanh cành đào qua lửa để mặt cắt khô se lại.

- Đặt đào trong nhà, nơi khuất gió, tránh ánh nắng mặt trời.

- Thay nước cắm cành đào thường xuyên.

- Bổ sung vài viên vitamin B1 trong bình cắm.

Theo đó, để đào luôn tươi, trước hết phải rửa sạch lọ cắm cành đào và dùng nước sạch để cắm hoa. Đây là bí quyết quan trọng nhất để có cành hoa đào luôn tươi rói, bạn cần đảm bảo cành đào luôn được cắm trong nước sạch, để ở nơi khuất gió và giữ ấm, hoa sẽ bền và tươi lâu.

Đào đẹp
Thường xuyên thay nước để đào được tươi lâu

Có thể thay nước trong bình cắm hoa 2-3 ngày một lần, mỗi lần thay nước bạn có thể rửa lại phần cành đào nằm trong nước để sạch phần nước cũ.

Đối với đào cây trồng chậu thì nên tưới thường xuyên bằng nước sạch nhưng không cần ẩm ướt quá, đào ưa khô nên nếu bạn tưới nhiều gốc đào sẽ úng và thối rễ, cây nhanh hỏng.

Bạn có thể thả vào lọ hoa vài viên B1 để có thêm dinh dưỡng nuôi hoa. Bạn có thể dùng ngay loại dành cho người uống hoặc mua loại B1 chống sốc cho cây có đủ dinh dưỡng hơn. Kali cũng là thành phần bổ sung giúp cung cấp thêm dưỡng chất cho cành đào tươi khỏe.

B1
Bạn có thể thêm 1 vài viên thuốc B1 để có thêm dinh dưỡng cho hoa

Nếu cành đào bạn mua nụ bé và sát tết vẫn chưa nở, mẹo đơn giản để hoa nở nhanh là bạn chỉ cần thay nước ấm cắm hoa, với đào cây thúc hoa nở nhanh bằng cách đắp vôi xung quanh gốc, chỉ sau một ngày là hoa sẽ nở. Bạn cũng cần bổ sung đủ nước cho đào và giữ đào trong phòng kín, nhiệt độ ấm.

Nếu hoa đào nở sớm và quá nhanh, chúng ta có thể dùng dao cứa một vòng quanh thân cách gốc 1 gang tay. Cách này hạn chế được cành đào lấy dinh dưỡng từ gốc để nuôi hoa làm chậm quá trình nở hoa. Bạn cũng có thể kết hợp với việc cho sỏi vào trong bình và dùng nước lạnh để cắm hoặc tưới để đạt hiệu quả tốt hơn.

Nếu hoa đào nở muộn, bạn hãy đắp quanh gốc đào một nắm vôi. Đối với đào cành, có thể cắm trong nước nóng ấm, đổi nước liên tục khi nguội. Chỉ sau một đêm, hoa đào sẽ nở tưng bừng đón Tết cùng gia đình bạn.

Nguyên Vỵ (TH)