Lợi nhuận cao nhất lịch sử, nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành
Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (Ngân hàng HDBank, mã cổ phiếu HDB - sàn HoSE) vừa tổ chức Hội nghị Nhà đầu tư, cập nhật kết quả kinh doanh năm 2023 và thông tin một số định hướng, triển vọng năm 2024.
Trong năm 2023, vượt qua các khó khăn chung của ngành ngân hàng và các thách thức kinh tế, Ngân hàng HDBank tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, toàn diện về cả quy mô và chất lượng.
Cụ thể, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận hợp nhất đạt 13.017 tỷ đồng, tăng 26,8% so với năm 2022 - thuộc nhóm ngân hàng niêm yết có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay đối với ngân hàng này.
Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 2,0% và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 24,2%. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Ngân hàng HDBank đã vượt 602.000 tỷ đồng, tăng 44,7% so với hồi đầu năm. Huy động vốn đã tăng 46,5%, đạt 537.000 tỷ đồng; và dư nợ cho vay khách hàng tăng 30%, đạt trên 343.400 tỷ đồng.
Đáng chú ý, về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ của Ngân hàng HDBank chỉ ở mức 1,5% và hợp nhất là 1,79% - vùng thấp nhất trong ngành. Với các kết quả trên, Ngân hàng HDBank đã hoàn thành 100% kế hoạch năm đã được giao tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Chia sẻ thêm tại Hội nghị, ông Phạm Quốc Thanh - Tổng giám đốc Ngân hàng HDBank cho biết, hoạt động số hóa giúp HDBank tăng trưởng vượt bậc về số lượng khách hàng mới và số lượng giao dịch, với mức tăng lần lượt đạt 107% và 88% so với cùng kỳ. Trong đó, 94% giao dịch của khách hàng cá nhân được thực hiện trên kênh số, cao hơn con số 77% trong năm 2022.
Dự kiến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao trong năm 2024
Về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới, lãnh đạo Ngân hàng HDBank đánh giá, nền kinh tế có tín hiệu phục hồi tích cực từ quý 4/2023, các ngành xuất khẩu, nông nghiệp, tiêu dùng, du lịch và bất động sản… có tín hiệu tăng trưởng khả quan. Trong bối cảnh này, Ngân hàng HDBank đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp và sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh tăng trưởng trong thời gian tới.
Cụ thể, đến cuối 2023, hệ số an toàn vốn của HDBank tiếp tục tăng lên mức 12,6%, thuộc nhóm đầu ngành; tỷ lệ dư nợ/tiền gửi ở mức 66,2% (giới hạn quy định 85%) tạo không gian tăng trưởng tín dụng lớn thời gian tới mà không áp lực về nguồn vốn; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn chỉ 22,5% (giới hạn quy định 30%) tạo điều kiện xem xét tăng dư nợ trung - dài hạn để nâng cao tỷ lệ lãi biên (NIM).
Với những lợi thế và các điều kiện chủ động trên, Ngân hàng HDBank dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới chỉ tiêu tăng trưởng tài sản, doanh thu, dư nợ, lợi nhuận năm 2024 ở mức trên 20%, ông Phạm Quốc Thanh chia sẻ.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, với các kết quả kinh doanh đạt được trong năm 2023 và cơ cấu tài chính lành mạnh, Ngân hàng HDBank được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao trong năm nay khi các hoạt động kinh tế phục hồi.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay đã thấp hơn đáng kể sẽ tác động tích cực lên nhu cầu tín dụng, đặc biệt khi Ngân hàng HDBank có thế mạnh ở mảng cho vay cá nhân và cho vay tiêu dùng nhiều năm qua. Đặc biệt là Ngân hàng HDBank nói chung, HD Saigon - công ty con phụ trách mảng cho vay tiêu dùng dùng có chất lượng tài sản tốt hơn so với các ngân hàng - công ty tài chính tiêu dùng cùng phân khúc.
Ngoài ra, ngân hàng này còn có lợi thế khi nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng khác như phương án đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.