Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP.Hồ Chí Minh (Ngân hàng HDBank, mã cổ phiếu: HDB – sàn: HoSE) vừa công bố nghị quyết của Hội đồng Quản trị về việc thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022.
Mức cổ tức được ấn định tại tỷ lệ 15%, tương ứng mỗi cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu HDB sẽ được nhận cổ tức là 15 cổ phiếu mới. Nguồn vốn để phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2022 theo báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán và trích lập đầy đủ các quỹ theo quy định. Ngày chốt danh sách cổ đông để hưởng quyền nhận cổ tức sẽ là ngày 20/07/2023; ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ là 19/07/2023.
Như vậy, với tổng số cổ phiếu đang lưu hành là hơn 2,51 tỷ cổ phiếu. Ngân hàng HDBank sẽ cần phát hành thêm hơn 377,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức đợt này. Sau khi hoàn tất phương án chia cổ tức, vốn điều lệ của Ngân hàng HDBank sẽ tăng từ 25.303 tỷ đồng lên trên 29.076 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến dành khoảng 3.000 tỷ đồng trong phần vốn tăng thêm để bổ sung nguồn vốn cho vay trung dài hạn, phần còn lại sẽ bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động khác.
Trước đó, ngày 12/6, cổ đông nhà băng này đã nhận được cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10%.
Trong một động thái có liên quan, Ngân hàng HDBank vừa qua đã quyết định thoái một phần vốn khỏi hãng Hàng không VietJet với việc bán ra 8 triệu cổ phiếu của hãng hàng không này từ ngày 28/06 đến 25/07/2023. Xem thêm tại đây.
Về kết quả hoạt động kinh doanh, kết thúc quý 1/2023, Ngân hàng HDBank ghi nhận thu nhập lãi thuần hợp nhất hơn 4.840 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 2.193 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,7% và tăng 8,5% so với mức thực hiện cùng kỳ năm ngoái.
So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra thì sau 3 tháng đầu năm, ngân hàng này đã hoàn thành gần 21% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay. Trong năm nay, Ngân hàng HDBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ròng lên tới 29% so với năm ngoái.
Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của Ngân hàng HDBank có xu hướng đi ngang trong quý 1/203, đạt 4,9%. Theo VNDIRECT Research, Ngân hàng HDBank là một trong số ít các ngân hàng có thể duy trì mức NIM không đổi trong giai đoạn khó khăn hiện nay, chủ yếu nhờ ngân hàng này đang có mức dư nợ cho vay bán lẻ cao và đặc biệt là thanh khoản dồi dào.
Bên cạnh đó, đối với hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng HD Saigon, mặc dù mảng tài chính tiêu dùng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi khó khăn vĩ mô nhưng Ngân hàng HDBank đang cho thấy việc quản lý tốt chi phí vốn (COF) nhờ có thanh khoản ổn định với tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) không quá cao và cơ cấu huy động vốn đa dạng.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm 31/3/2023, nợ xấu của Ngân hàng HDBank đã tăng 20,9% so với đầu năm; trong đó, nợ xấu nhóm 3 tăng 45,4% so với thời điểm cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu NPL trong quý 1/2023 là 1,85%, so với mức 1,7% vào cuối năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6, giá cổ phiếu HDB của Ngân hàng HDBank đạt 18.600 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu HDB đã tăng gần 19%; tuy nhiên, trong suốt tháng 6 vừa qua, cổ phiếu này có xu hướng đi ngang.