Động lực tăng trưởng đến từ chuyển đổi số
Mặc dù tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng TMCP Phương Đông (Ngân hàng OCB, mã cổ phiếu OCB – sàn HoSE) trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 6,6% nhưng Vietcombank Securities (VCBS) nhận định tăng trưởng tín dụng cả năm nay của nhà băng này có thể đạt 14%.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng OCB những tháng vừa qua tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: đầu tư công, bán lẻ trong nước, sản xuất tiêu dùng. Đây đều là các lĩnh vực kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích giải ngân, do đó kì vọng hoạt động cho vay của Ngân hàng OCB sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng của Ngân hàng OCB trong thời gian tới còn đến từ việc đã tích hợp các sản phẩm cho vay cá nhân trên nền tảng giao dịch online hướng đến tập khách hàng đại chúng và nhu cầu cấp thiết.
Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo Ngân hàng OCB, ngân hàng số OCB OMNI trong nửa đầu năm nay đã tăng trưởng ấn tượng với số lượng giao dịch tăng gần 60% so với cùng kỳ. Nền tảng tìm, vay mua nhà trực tuyến Unlock Dream Home đã kết nối thêm gần 30.000 môi giới, thêm 40.000 tài sản được đăng tin, đi vào vận hành thành công mobile app dành cho môi giới và mobile app dành cho khách hàng vay.
Tính đến tháng 6/2023, đã có gần 500.000 lượt tiếp cận và gần 2.000 hồ sơ đã được giải ngân. Bên cạnh đó, OCB cũng đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty công nghệ tài chính – Backbase và Công ty SmartOSC, tiến hành triển khai nền tảng ngân hàng tương tác Backbase (Engagement Banking Platform - EBP) nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số theo mô hình ngân hàng hợp kênh.
VCBS nhận định, với sự chủ động đầu tư vào công nghệ từ sớm, Ngân hàng OCB hiện tại được đánh giá là một trong những ngân hàng có nền tảng công nghệ tốt. Hiện tại, ngân hàng này đang tích cực xây dựng hệ sinh thái từ trường học, khu dân cư, ... các tiện ích xoay quanh ứng dụng OMNI banking với triển vọng khai thác lượng khách hàng trong tương lai. VCBS kì vọng Ngân hàng OCB sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng tài sản tích cực và cải thiện chi phí vốn trong dài hạn khi tập khách hàng tăng lên.
Cổ phiếu OCB tăng “nóng”, lưu ý nợ xấu có thể ở mức cao
Tuy nhiên, VCBS lưu ý, nợ xấu của Ngân hàng OCB có nguy cơ tăng cao từ các khoản vay dài hạn cho các công ty lớn (như công ty xây dựng Hòa Bình, FLC, Bamboo - chiếm khoảng 60% quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng) và các khoản cho vay tiêu dùng.
Kết thúc nửa đầu năm nay, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này ở mức 3,2% (theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN và dựa trên Báo cáo tài chính của Ngân hàng OCB); con số này tăng vọt so với thời điểm cuối năm 2022. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm nhiều, chỉ còn đạt 47% vào cuối quý 2/2023, so với mức 59% vào cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, chiến lược tập trung vào nhóm khách hàng đại chúng, trẻ tuối và thu nhập cơ bản của Ngân hàng OCB hiện đang gặp một số thách thức. Đây là nhóm khách hàng triển vọng khi các điều kiện kinh tế thuận lợi. Tuy nhiên, trong bối cảnh vĩ mô gặp một số thách thức như lãi suất cao, thu nhập người dân bị ảnh hưởng,... khiến OCB gặp phải rủi ro về tín dụng trong dài hạn khi tập trung vào nhóm khách hàng này.
Theo đánh giá của VCBS, lợi nhuận trước thuế năm nay của Ngân hàng OCB có thể đạt 4.825 tỷ đồng, tăng 9,9% so với mức thực hiện của năm 2022, và tỷ lệ NIM cả năm nay sẽ đạt 3,8%.
Về chất lượng tài sản của Ngân hàng OCB, VCBS dự phóng tỷ lệ nợ xấu thời điểm cuối năm 2023 là 3,2% và tỷ lệ dự phòng rủi ro bao phủ nợ xấu đạt 44,2% cho năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán, tính đến 10h30 sáng nay ngày 6/9, cổ phiếu OCB đã tăng 1,5% lên mức 20.300 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, cổ phiếu OCB đang có mạch tăng tích cực, với mức tăng gần 11% chỉ trong vòng 6 ngày trở lại đây cùng với thanh khoản cao đột biến.
So với mức đáy hồi cuối tháng 3 vừa qua, cổ phiếu OCB hiện đã tăng 32%, trở thành một trong những cổ phiếu ngân hàng có mức tăng cao nhất thời gian gần đây.