Mặc dù kết quả kinh doanh quý 2/2024 có phần giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Ngân hàng Vietcombank, mã cổ phiếu VCB - sàn HoSE) tiếp tục đứng đầu toàn hệ thống về lãi trước thuế 6 tháng đầu năm.
Cụ thể trong quý 2/2024, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của Ngân hàng Vietcombank giảm nhẹ 1%, còn 13.908 tỷ đồng. Đồng thời, lãi từ dịch vụ giảm 8%, còn 1.498 tỷ đồng và lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 22% xuống còn 1.160 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lãi từ hoạt động khác giảm tới 91% so với cùng kỳ năm ngoái, còn hơn 24 tỷ đồng và mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ hơn 1,3 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Vietcombank trong quý 2/2024 đạt 11.629 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nhờ giảm tới 40% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng nên lãi trước thuế của Ngân hàng Vietcombank vẫn tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 10.116 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Vietcombank ghi nhận gần 20.835 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2023 và tiếp tục đứng đầu toàn hệ thống.
Năm 2024, ngân hàng này đặt mục tiêu lãi trước thuế đạt hơn 42.000 tỷ đồng, như vậy sau nửa đầu năm, Ngân hàng Vietcombank đã hoàn thành gần 50% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Ngân hàng Vietcombank tăng thêm 4% so với hồi đầu năm nay, đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng. Trong đó, khoản cho vay khách hàng tăng 8%, đạt gần 1,37 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi khách hàng tại ngân hàng này lại giảm 2%, còn hơn 1,37 triệu tỷ đồng.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu tại Ngân hàng Vietcombank tăng từ 0,98% lên 1,2% vào cuối quý 2/2024.
Theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán Maybank, nếu nhìn vào nội lực như các chỉ số an toàn, chất lượng tài sản, và khả năng quản lý lợi nhuận nửa cuối năm, Ngân hàng Vietcombank vẫn đang là ngân hàng có chất lượng thuộc top 1 ở Việt Nam.
Với việc tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu (ROE) của Ngân hàng Vietcombank cao và có thể duy trì ổn định trên 18%, quy mô vốn hoá lớn nhất thị trường và ngang ngửa với các ngân hàng ở Thái Lan hay Malaysia, room ngoại luôn sẵn có, Ngân hàng Vietcombank được nhìn nhận là ngân hàng mang tính đại diện của Việt Nam.
Ở mỗi một thị trường đang phát triển, thường có 1 ngân hàng đại diện như này (Proxy-status bank) và định giá của các ngân hàng này thường vượt xa so với các ngân hàng cùng ngành khác. Ví dụ, ngân hàng HDFC của Ấn Độ hoặc ngân hàng BCA của Malaysia có mức định giá P/B dao động trong khoảng 4x - 5x.
Theo đánh giá của Chứng khoán Maybank, với mức định giá đang giao dịch ở mức khoảng 2,5x P/B, định giá cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank đang ở mức rất thấp so với các ngân hàng cùng vị thế trong khu vực. Điều này có thể mở ra cơ hội đối với các nhà đầu tư có khung thời gian nắm giữ trên 6 tháng, Chứng khoán Maybank nhận định.
Đáng chú ý, một yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu VCB trong trung hạn là việc ngân hàng này sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu trong quý 4/2024. Do là ngân hàng có tỷ trọng vốn nhà nước cao, nên khi chia cổ tức bằng cổ phiếu có giá trị lớn, Ngân hàng Vietcombank cần có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo Chứng khoán Maybank, Ngân hàng Vietcombank đã chuẩn bị đề án chia cổ tức để xin được chấp thuận vào tháng 10 tới đây. Các kế hoạch chia cổ tức mà Đại hội đồng cổ đông thường niên của ngân hàn này đã thông qua, và đang chờ phê duyệt bao gồm:
Thứ nhất, chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại tích luỹ trong giai đoạn 2018 - 2021 là khoảng 27.700 tỷ đồng, tương đương với mức chia cổ tức bằng cổ phiếu vào khoảng 49,6%.
Thứ hai, chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận của năm 2022 với giá trị vào khoảng 21.600 tỷ đồng, tương đương với mức chia cổ tức bằng cổ phiếu vào khoảng 38,7%.
Cuối cùng, chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận của năm 2023 với giá trị vào khoảng 24.987 tỷ đồng, tương đương với mức chia cổ tức bằng cổ phiếu vào khoảng 44,7%.
Như vậy tổng giá trị các đợt chia cổ tức tới đây của Ngân hàng Vietcombank có thể tương đương 74.287 tỷ đồng, theo ước tính của Chứng khoán Maybank.