Ngân hàng VPBank (VPB) lần đầu công bố Báo cáo Phát triển Bền vững

Công bố Báo cáo Phát triển Bền vững trong bối cảnh thế giới nhiều biến số, Ngân hàng VPBank (mã cổ phiếu VPB) không chỉ ghi dấu một cột mốc chiến lược trong tiến trình minh bạch hóa thông tin và quản trị rủi ro, mà còn định vị ESG như một trọng tâm trong tầm nhìn phát triển dài hạn.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Ngân hàng VPBank, mã cổ phiếu VPB - sàn HoSE) lần đầu tiên công bố Báo cáo Phát triển Bền vững giữa những thách thức từ biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến thiên tai phức tạp và làn sóng chuyển dịch bền vững trong hệ thống tài chính quốc tế.

Báo cáo của Ngân hàng VPBank được lập theo tiêu chuẩn chung mới nhất về hướng dẫn lập báo cáo phát triển bền vững của Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) được phát hành bởi Hội đồng Tiêu chuẩn Bền vững toàn cầu (GSSB) và tham chiếu 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, thể hiện nỗ lực của Ngân hàng VPBank trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam hoàn thành những mục tiêu này cũng như trên bình diện toàn cầu.

Báo cáo này không chỉ là bản tổng kết các hoạt động ESG trong năm vừa qua, mà còn là lời tuyên bố chiến lược về cam kết dài hạn với mô hình tăng trưởng hài hòa giữa lợi ích kinh tế, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Với những kết quả ấn tượng về tài chính xanh, quản trị minh bạch và đóng góp cộng đồng, Ngân hàng VPBank khẳng định hình mẫu ngân hàng bền vững tại Việt Nam, mở ra một chương mới trong chiến lược phát triển thịnh vượng lâu dài.

Ngân hàng VPBank lần đầu công bố Báo cáo Phát triển Bền vững
Báo cáo của Ngân hàng VPBank được lập theo tiêu chuẩn chung mới nhất về của Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) và tham chiếu 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.

Lời cam kết chiến lược của Ngân hàng VPBank 

Biến đổi khí hậu không còn là một khái niệm xa vời, mà là mối đe dọa hiện hữu, gây thiệt hại hơn 1.600 tỷ đồng trong một thập kỷ gần đây. Tại Việt Nam, thiên tai năm 2024 diễn ra với 18/22 loại hình, với những tác động nghiêm trọng, đỉnh điểm là cơn bão Yagi mạnh nhất trong 70 năm, gây thiệt hại hơn 81.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, phát triển bền vững và tài chính xanh không còn là lựa chọn mang tính hình thức, mà trở thành một yêu cầu mang tính cấu trúc đối với hệ thống tài chính.

Với Ngân hàng VPBank, phát triển bền vững không đơn thuần là một xu hướng để thích nghi, mà là một lựa chọn chiến lược, được hoạch định bài bản và thực thi xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động ngân hàng. Lời cam kết ấy được thể hiện rõ qua thông điệp trung tâm mà ngân hàng lựa chọn cho năm 2024 - "Thịnh vượng Bền vững".

Trong báo cáo, Ngân hàng VPBank thể hiện rõ quan điểm rằng "bền vững" không đơn thuần là một khẩu hiệu - đó là triết lý vận hành, là nguyên tắc trong hoạch định chiến lược, trong thiết kế sản phẩm và thậm chí cả trong văn hóa tổ chức.

Từ nhận thức đó, ngân hàng đã triển khai đồng bộ các hành động cụ thể để nội hàm ESG không chỉ tồn tại trên giấy, mà thật sự tạo ra tác động tích cực cho môi trường, xã hội và hiệu quả kinh doanh.

Dấu ấn tài chính bền vững

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất trong báo cáo Ngân hàng VPBank vừa công bố là chiến lược tài chính bền vững bài bản và đồng bộ.

Ngân hàng VPBank xây dựng Khung quản lý rủi ro ESG, được đánh giá bởi EY Consulting Vietnam.

Năm 2024, Ngân hàng VPBank huy động thành công tổng cộng 735 triệu USD từ các định chế tài chính phát triển (DFIs) quốc tế, cũng như ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 150 triệu USD với Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC). Những thỏa thuận này nâng tổng quy mô nguồn vốn bền vững quốc tế mà Ngân hàng VPBank đã huy động từ trước tới cuối năm 2024 lên gần 2,8 tỷ USD.

Mới đây nhất, tháng 5/2025, Ngân hàng VPBank tiếp tục gây tiếng vang khi thực hiện thành công thương vụ vay hợp vốn quốc tế với giá trị ban đầu kỷ lục 1 tỷ USD, có kèm tùy chọn mở rộng giá trị khoản vay tùy thuộc theo nhu cầu sử dụng vốn của Ngân hàng VPBank. Khoản vay hợp vốn được thu xếp, bảo lãnh phát hành, dựng sổ và đồng cho vay bởi các định chế tài chính lớn như Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Standard Chartered Bank, MUFG, ANZ, Cathay...

Những con số này không chỉ chứng minh năng lực tiếp cận nguồn vốn quốc tế của Ngân hàng VPBank mà còn cho thấy vị thế ngày càng được khẳng định trên bản đồ tài chính bền vững toàn cầu.

Cùng với đó, ngân hàng đã công bố Khung Tài chính Bền vững - một bộ tiêu chuẩn được tổ chức độc lập Sustainalytics xác nhận phù hợp với các mục tiêu toàn cầu. Đến cuối năm 2024, danh mục tài chính xanh của Ngân hàng VPBank đạt gần 22.000 tỷ đồng, tương đương gần 88% mục tiêu đặt ra cho năm 2030 - một kết quả đầy ấn tượng nếu đặt trong bối cảnh ESG tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu.

Về quản trị, Ngân hàng VPBank tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn điều hành với việc áp dụng các nguyên tắc của OECD, thẻ điểm ASEAN và IFC. Đây là nền tảng giúp ngân hàng lọt vào Top 10 doanh nghiệp có quản trị công ty tốt nhất trong nhóm vốn hóa lớn và Top 5 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thuộc rổ VNSI - chỉ số phát triển bền vững trên sàn HoSE. Không chỉ dừng lại ở khía cạnh công bố thông tin, Ngân hàng VPBank còn tiên phong xây dựng Hệ thống Quản lý rủi ro Môi trường - Xã hội từ năm 2016, đi trước chuẩn mực chung tại Việt Nam gần một thập kỷ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng VPBank cũng tiên phong xây dựng Khung quản lý rủi ro ESG, được đánh giá bởi tổ chức uy tín hàng đầu EY Consulting Vietnam theo các thông lệ quốc tế của Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).

Trên phương diện xã hội, ngân hàng đóng góp gần 1.900 tỷ đồng xây dựng, cải tạo hàng trăm điểm trường trên mọi miền Tổ quốc, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các giải chạy cộng đồng quy tụ vận động viên đến từ hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ, mang các sự kiện văn hóa nghệ thuật tầm cỡ quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt, Ngân hàng VPBank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam xây dựng Tuyên bố về Quyền con người, một bước tiến mới về trách nhiệm đạo đức trong vận hành doanh nghiệp.

Tất cả những kết quả này góp phần tạo nên một bức tranh ESG toàn diện, trong đó mỗi hành động của Ngân hàng VPBank đều hướng đến mục tiêu kép: tăng trưởng và tạo ra giá trị tích cực cho xã hội, hướng tới một tương lai bền vững. Một tương lai mà ở đó, "Thịnh vượng" không còn được đo bằng chỉ tiêu lợi nhuận, mà bằng mức độ lan tỏa giá trị và sự phát triển hài hòa giữa con người, môi trường và doanh nghiệp.

Lan Anh