Sáng 16/2/2024, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị.
Báo cáo của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tại Hội nghị cho thấy, đầu năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt, xung đột tại Ukraine, dải Gaza kéo dài; xung đột tại Biển Đỏ leo thang, đe dọa an toàn hàng hải trong khu vực và chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế; rủi ro bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội gia tăng trong nhiều khu vực và trên phạm vi toàn cầu; thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường...
Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; nhiệm vụ, khối lượng công việc đặt ra ngày càng nhiều, phức tạp hơn và mục tiêu, yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao hơn.
Trước bối cảnh đó, trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới để tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội đầu năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đề ra.
Công nghiệp phục hồi mạnh, xuất khẩu vụt lên bất ngờ, doanh thu dịch vụ tăng khá
Cụ thể, khu vực công nghiệp phục hồi mạnh; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 ước tăng 18,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước.
Các tỉnh có tốc độ tăng trưởng IIP cao nhất là: Trà Vinh, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Long, Kiên Giang, Thanh Hóa, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Lào Cai…
Các tỉnh có tốc độ tăng trưởng IIP thấp nhất là: Cà Mau, Bắc Ninh, Sơn La…
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước đạt 524,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ, với khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, không để xảy ra thiếu hàng sốt giá. Các địa phương tăng cao tiêu biểu là: Quảng Ninh; Hải Phòng; Đà Nẵng; Đồng Nai; Thành phố Hồ Chí Minh; Bình Dương; Hà Nội; Bình Định…
Thương mại tiếp tục vững vàng trên đà phục hồi. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2024 ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 42%, nhập khẩu ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 33,3%; xuất siêu ước đạt 2,92 tỷ USD.
Xuất khẩu tăng với tốc độ kinh ngạc so với cùng kỳ năm trước, nhờ phục hồi ổn định trong xuất khẩu hàng điện tử và sự tăng trưởng đáng kể trở lại của xuất khẩu dệt may, máy móc và đồ gỗ.
Ngoài ra, công tác quy hoạch tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, đến nay đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 109/111 quy hoạch (đạt 99,1%); nổi bật là Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023, các quy hoạch ngành quốc gia và 50 quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đánh giá chung, Bộ Công Thương cho biết, khu vực công nghiệp phục hồi mạnh, xuất khẩu tiếp tục vững vàng trên đà phục hồi, doanh thu dịch vụ tăng khá do đây là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm. Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu và ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết, ngành Công Thương đã triển khai thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường, xây dựng các giải pháp để chuẩn bị nguồn hàng đạt chất lượng, an toàn thực phẩm. Đến nay, các hệ thống phân phối duy trì và đảm bảo khả năng cung ứng phục vụ xuyên suốt cho người dân.
Tuy nhiên, giá nhiên, nguyên liệu tăng, chuỗi cung ứng sản xuất bị gián đoạn, ảnh hưởng tới sản xuất công nghiệp. Nhìn chung trong ngắn hạn, các ngành hàng còn gặp khó khăn về thị trường xuất khấu do tống cầu thế giới giảm, nhất là đối với hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu.
Công tác chuẩn bị sớm giúp thị trường Tết ổn định
Theo chức năng nhiệm vụ và sự phân công của Chính phủ, để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất của ngành Công Thương phục vụ nhân dân đón Tết, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành các chỉ thị, công điện và các văn bản chỉ đạo các địa phương, tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội doanh nghiệp và các đơn vị liên quan: (i) Xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa; (ii) Triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; (iii) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...
Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, Bộ Công Thương đã làm việc với Sở Công Thương Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về công tác chuẩn bị Tết tại các địa phương.
Theo báo cáo của các địa phương, công tác chỉ đạo các sở ban ngành, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trong việc chuẩn bị nguồn hàng hóa được quan tâm chỉ đạo, thực hiện sớm.
Một số địa phương như: Tây Ninh, Ninh Thuận, Đồng Nai có chủ trương hỗ trợ nguồn vốn cho các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường. Bên cạnh chương trình bình ổn thị trường, nhiều hoạt động khác như tổ chức các Hội chợ Xuân, các chương trình kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm, đưa hàng Việt về nông thôn, giới thiệu các sản phẩm Coop, tổ chức tháng khuyến mại... cũng được quan tâm tổ chức nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước, phục vụ tốt nhu cầu người dân.
Các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, thu mua hàng đầy đủ và tăng dự trữ, bảo đảm cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Hầu hết các doanh nghiệp, tổng công ty đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù kinh tế có nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng không cao như mọi năm nhưng công tác chuẩn bị Tết vẫn được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai tích cực từ rất sớm. Hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, nông sản khô, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu...
Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào, giá không có biến động lớn. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, giá trị tổng lượng hàng dự trữ dự kiến cung ứng của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-12% so với các tháng thường trong năm.
Chương trình bình ổn thị trường đã có 46 tỉnh, thành phố có báo cáo/kế hoạch dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, trong đó nhiều địa phương tổ chức triển khai chương trình BOTT với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối chiếm lĩnh thị phần lớn, có sức chi phối thị trường như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Lotte, BRG Mart…
Tại Hà Nội, lượng hàng thiết yếu thực hiện bình ổn thị trường đáp ứng 35% nhu cầu thị trường trong 01 tháng; tại TP. Hồ Chí Minh, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43% trên thị trường. Các doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ, không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.
Các mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn thị trường chủ yếu là các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết như lương thực, thực phẩm (thịt heo, thịt gia cầm, trứng, thực phẩm chế biến...), gia vị (dầu ăn, đường...), bánh, mứt, kẹo...
Nguồn cung các mặt hàng phục vụ Tết tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích phong phú, đa dạng kết hợp với một số chương trình khuyến mại, giảm giá sâu vào những ngày sát Tết nên giá cả hàng hoá ổn định so với ngày thường và chỉ tăng nhẹ so với Tết năm trước (chủ yếu đã tăng từ trong năm) do giá đầu vào tăng. Với chất lượng hàng hóa đảm bảo, thuận tiện cho mua sắm nhiều loại, giá cả ổn định, nhiều mặt hàng giá thấp hơn ở chợ truyền thống, có giao hàng tận nhà nên loại hình phân phối hiện đại ngày càng thu hút người dân đến mua hàng. Tại các chợ truyền thống, nguồn cung cũng được tăng cường và khá dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt nhóm hàng tươi sống, trái cây và rau, củ, quả, giá cả có xu hướng tăng nhẹ so với ngày thường nhưng không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá bất hợp lý, không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.
Phần lớn các hệ thống phân phối mở cửa muộn ngày 30 Tết. Một số chuỗi hệ thống cửa hàng tiện lợi như Circle K, Family Mart, B’s mart, 7 Eleven, GS25... mở cửa xuyên Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Nhìn chung, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn trong việc mua sắm vào dịp Tết. Bên cạnh đó, việc các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích mở cửa phục vụ người dân tới cuối ngày 30 Tết và mở cửa trở lại phục vụ sau Tết sớm góp phần hạn chế tâm lý mua trữ hàng của người dân, do vậy giá cả hàng hóa trên thị trường nhìn chung không biến động nhiều.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên các khu vực kho bãi, điểm tập kết hàng hóa, các tuyến đường bộ, đường sắt… tập trung kiểm tra, giám sát đối với các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân trong dịp Lễ, Tết và các địa bàn, tuyến trọng điểm...
Triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, lực lượng QLTT cả nước bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ tất cả các cơ sở bán lẻ kinh doanh xăng dầu trên địa bàn quản lý. Theo báo cáo của các đơn vị đến thời điểm hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm, nhất là đối với hành vi vi phạm về đầu cơ, găm hàng, đóng cửa, ngừng hoạt động mà không có lý do chính đáng.