Ngành Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên nỗ lực cán đích các mục tiêu năm 2024

Ngành Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng bình quân chung của cả nước.

Đạt nhiều kết quả tích cực

Theo báo cáo tóm tắt của Ban tổ chức Hội nghị về tình hình hoạt động năm 2023, 9 tháng năm 2024; nhiệm vụ và giải pháp 3 tháng cuối năm 2024 của ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên, khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 15 tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X năm 2024 được tổ chức tại Quảng Trị.

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có vị trí kinh tế, địa lý giữ vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh; là địa bàn nhiều tiềm năng, lợi thế riêng, thuận lợi cho phát triển trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, du lịch, dịch vụ, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao. Đây còn là khu vực có hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng biển và cảng hàng không… thuận lợi giao thương nội vùng và với các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và xa hơn là các nước Nam Á, vùng Tây Nam Trung Quốc thông qua trục hành lang kinh tế Đông - Tây.

Phát huy những tiềm năng, lợi thế cộng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương, cùng với sự quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng các doanh nghiệp và người lao động của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại, ngành Công Thương đã đạt được những kết quả đáng kể trong năm 2023 và 9 tháng năm 2024.

Năm 2023, sản xuất công nghiệp ở các tỉnh/thành phố đã nỗ lực vượt qua khó khăn để duy trì và giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực; có 13/15 địa phương có IIP tăng trưởng cao hơn cả nước (cả nước tăng 1,5%).

9 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp của một số doanh nghiệp có quy mô tương đối, đóng góp chính vào ngành công nghiệp trong khu vực nhìn chung đều giảm sản lượng sản xuất, một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm sâu, tác động đến chỉ số chung, bên cạnh đó một số địa phương vẫn giữ được đà tăng trưởng, trong đó 4/15 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp cao. Có 10/15 tỉnh có chỉ số IIP duy trì mức tăng ổn định; có 1/15 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm.

Tính đến tháng 9 năm 2024, khu vực miền Trung – Tây Nguyên có 12 Khu Kinh tế với tổng diện tích trên 345.322 ha (tất cả các Khu Kinh tế đã được thành lập và đi vào hoạt động); với 793 dự án đăng ký đi vào hoạt động với tổng số vốn thực hiện 905.861,9 tỷ đồng, tạo việc làm cho 99.099 lao động. Các tỉnh trong khu vực đã quy hoạch phát triển 91 Khu Công nghiệp, diện tích 22.878 ha; hiện nay có 67 khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, với tổng diện tích 13.758 ha; có 1.944 dự án đi vào hoạt động với số vốn thực hiện 421.660 tỷ đồng, tạo việc làm cho 286.334 lao động.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu khai mạc Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu khai mạc Hội nghị.

Theo phương án phát triển CCN, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 493 CCN với tổng diện tích 18.630 ha. Đến nay, có 236 CCN được thành lập với tổng diện tích 7.577 ha; có 190 CCN với tổng diện tích 3.508 ha đi vào hoạt động, thu hút 2.216 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký của các dự án là 62.490 tỷ đồng, tạo việc làm trên 131,7 nghìn lao động.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khu vực miền Trung - Tây Nguyên 9 tháng năm 2024 đạt 819.734 tỷ đồng, tăng 12,17% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung cả nước 8,8%tương đương với mức tăng cùng kỳ năm 2023) và đạt 79,16% kế hoạch năm 2024. Tất cả các tỉnh đều có tăng trưởng, trong đó có 12/15 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng cao: Lâm Đồng (+18,35%); Đà Nẵng (+14,9%); Thừa Thiên Huế (+14,6%); Bình Định (+14,2%), Khánh Hòa (+14,0%), Ninh Thuận (+14,1%); KonTum (+13,78%); Quảng Trị (+12,93%); Đăk Lắk (+11,7%); Quảng Bình (+11,5%); Phú Yên (+10,9%). Các tỉnh duy trì mức tăng ổn định so cùng kỳ năm trước như: Gia Lai (+9,05%); Quảng Nam (+8,9%); Quảng Ngãi (+8,64%); Đắk Nông (+8,02%).

Kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên 9 tháng năm 2024 ước đạt 13.408,1 triệu USD tăng 12,1% so với cùng kỳ và đạt 78% kế hoạch năm 2024 (Cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 9 tháng  năm 2023-tăng 3,4% so với cùng kỳ). Trong đó, có 11/15 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ; Có 03/15 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ là Ninh Thuận, Đắk Nông, Quảng Nam.

Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10.220,3 triệu USD tăng 24% so với cùng kỳ và đạt 89,6% kế hoạch năm 2024. Trong đó, có 12/15 tỉnh, thành phố có kim ngạch nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ.

Tính đến tháng 9 năm 2024, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã thực hiện đầu tư 1.703 chợ; 204 siêu thị; 43 Trung tâm thương mại; 3.465 cửa hàng xăng dầu; 4.794 cửa hàng LPG; 02 tổng kho hàng hoá; 04 trung tâm Logistic; 01 Trung tâm hội chợ triển lãm và 02 Kho ngoại quan.

Thời gian quan ngành Công Thương đã kịp thời xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai Chương trình hành động của Bộ Công Thương và UBND tỉnh thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, tăng cường tham mưu đề xuất những giải pháp và chính sách cụ thể với các nhiệm vụ trọng tâm. Hoạt động thương mại phục hồi tăng trưởng tích cực, hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi, bình quân 9 tháng năm 2024 toàn khu vực cao hơn so với bình quân 9 tháng năm 2023 và tương đương so với bình quân cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khu vực miền Trung - Tây nguyên 9 tháng  năm 2024 tăng 12,2%, cao hơn cả nước (8,8%), chiếm 15% cả nước (cả nước 9 tháng đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng).

Các tỉnh trong khu vực tăng cường tổ chức kết nối cung cầu, hội chợ, phiên chợ, thực hiện tốt các giải pháp nhằm kích thích tiêu thụ tại thị trường nội địa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, giải phóng hàng tồn kho. Phối hợp Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa ổn định thị trường trong từng địa phương và khu vực.

Các tỉnh, thành phố trong khu vực đã quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, hệ thống kho tàng, bến cảng... đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng mặt bằng phát triển sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.

Các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Công Thương tiếp tục được chú trọng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã chủ động triển khai kịp thời các chương trình, kế hoạch của Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố. Tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều thủ tục hành chính được rút ngắn, giảm thiểu thời gian cho người dân và doanh nghiệp.

Công tác lập, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch trong ngành chậm được ban hành

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp của một số tỉnh, thành phố trong khu vực chậm phục hồi, tăng trưởng còn thấp, thiếu tính bền vững, khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Quy mô sản xuất và trình độ công nghệ, thiết bị của các doanh nghiệp trong khu vực còn hạn chế, chưa có nhiều dự án lớn được đầu tư với công nghệ hiện đại, kỹ thuật cao tạo động lực phát triển của vùng. Sản phẩm chế biến thô và gia công còn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp và cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của vùng. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp xuất khẩu trong nước.

Công tác lập, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch trong ngành chậm được ban hành (như Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch: điện VIII; phát triển năng lượng quốc gia; khoáng sản; chính sách giá điện, Quy hoạch tỉnh, thành phố…), đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển tiềm năng lợi thế của các tỉnh trong khu vực; đồng thời gây lãng phí nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp.

Ngoài ra, hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp chưa cao, các dự án ngừng sản xuất, đầu tư dở dang, chậm đầu tư gây lãng phí đất đai chưa có hướng xử lý thấu đáo trong thời gian dài, mô hình quản lý CCN chưa được hình thành, hoạt động đúng quy định, các dự án đầu tư còn gặp khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng, hoàn tất thủ tục sử dụng đất, sự chồng chéo mâu thuẫn trong một số quy định của pháp luật hiện hành làm ảnh hướng đến tiến độ của nhiều dự án.

Lĩnh vực thương mại còn gặp một số khó khăn, hạn chế như thiếu và khó huy động nguồn vốn cho đầu tư, xây dựng chợ; số lượng doanh nghiệp/cơ sở tham gia phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn giá còn ít; chưa đồng đều, chưa gắn kết xuyên suốt và chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản của nông dân; chưa có nhiều các Trung tâm thương mại, siệu thị, trung tâm mua sắm lớn của vùng; Hệ thống phân phối chủ yếu nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết và tính chuyên nghiệp trong phân phối trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Hoạt động liên kết phát triển giữa các địa phương còn hạn chế, chưa có sự phối hợp đồng bộ, hợp tác liên kết liên doanh giữa các doanh nghiệp trong khu vực để hình thành các trung tâm sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ nhằm khai thác tốt tiềm năng lợi thế phát triển của toàn vùng, chưa có chính sách hỗ trợ đặc thù riêng đối với vùng nên chưa khuyến khích, phát huy được tiềm năng, lợi thế về phát triển công nghiệp, thương mại.

Bên cạnh đó, một vài địa phương đang tổ chức lại bộ máy đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ khuyến công thuộc Sở Công Thương theo hướng sáp nhập về đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp tỉnh dẫn đến sự không thống nhất về mô hình hoạt động, cách thức quản lý chương trình, triển khai nhiệm vụ chính trị có tính kỹ thuật đặc thù đã được quy định tại Nghị định của Chính phủ. Tiến độ phân bổ ngân sách trung ương cho các đề án, nhiệm vụ khuyến công năm 2024 rất chậm, ảnh hưởng đến tính kịp thời và hiệu quả hỗ trợ đối với doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định
Ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định trình bày tham luận tại Hội nghị.

Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 3 tháng cuối năm đạt 3,8 tỷ USD

Về mục tiêu thực hiện năm 2024, ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục tập trung đẩy nhanh tái cơ cấu các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư… để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với bối cảnh mới của đất nước, trong khu vực và toàn cầu. Quyết liệt thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa và phát triển thương hiệu Việt; phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống; đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng chống tham nhũng; lãng phí; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trên cơ sở dự báo kết quả thực hiện 9 tháng và tình hình thực tế, để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2024, ngành Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên phấn đấu trong các tháng cuối năm đạt được các chỉ tiêu cụ thể như sau:

Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng bình quân chung của cả nước.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu 3 tháng cuối năm đạt 225.200 tỷ đồng, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2024 đạt 1.044.934 tỷ đồng, tăng 11,34% so với năm 2023, bằng so kế hoạch năm 2024.

Kim ngạch xuất khẩu phấn đấu 3 tháng cuối năm đạt 3,8 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 17,3 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2023 và tăng 0,4% kế hoạch năm.

Kim ngạch nhập khẩu phấn đấu 3 tháng cuối năm đạt 2,276 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm đạt 12,5 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023 và tăng 9,7% kế hoạch.

Để hoàn thành tốt các mục tiêu trên, ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ chỉ đạo về phát triển kinh tế xã hội, đồng thời triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đối với từng lĩnh vực: công nghiệp, thương mại, công tác cải cách hành chính... đồng thời tăng cường hợp tác, phát huy sức mạnh liên kết vùng.

Hạ Vĩ