Đổi mới hoạt động KH&CN gắn với đời sống
Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020; Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011- 2020; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị Trung ương 6 về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong những năm qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, hoạt động KH&CN đã từng bước được đổi mới và nâng cao hiệu quả theo hướng gắn kết với sản xuất và đời sống.
Theo đó, các nhiệm vụ KH&CN được xác định theo hướng chú trọng giải quyết các nhu cầu cấp thiết và trọng tâm của tỉnh. Hoạt động KH&CN ở địa phương phù hợp với mục tiêu và nội dung được nêu trong Nghị quyết cũng như phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý KH&CN kịp thời, giúp cho công tác quản lý được thuận lợi hơn.
Công tác nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN đã tác động tích cực đến việc nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm; từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của địa phương. Việc phối hợp với các viện, trường trong việc chuyển giao các tiến bộ KH&CN được thực hiện khá tốt. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tương đối tốt việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN bằng việc triển khai các mô hình quy mô nhỏ cho người dân. Phần lớn kết quả của các đề tài, dự án đã được ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất, đóng góp một phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh.
Ngoài ra, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã giúp doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng nhằm tăng lợi nhuận và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đặc biệt là bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa từng bước được các doanh nghiệp quan tâm. Tỉnh đã xây dựng và bảo hộ các nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể như: Hành tím Vĩnh Châu, Atermia Vĩnh Châu, Gạo Tài nguyên Thạnh Trị, Gạo ST, chỉ dẫn địa lý cho hành tím Vĩnh Châu… Đây là xu hướng tích cực cho sự phát triển nhãn hiệu hàng hóa của tỉnh trở thành thương hiệu nói chung và các doanh nghiệp nói riêng trong quá trình hội nhập kinh tế.
Đơn cử, trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở KH&CN Sóc Trăng đã tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN để chọn tạo giống lúa thơm và lúa cao sản kháng rầy nâu; Lai tạo và chọn các giống lúa thơm phục vụ các vùng trồng lúa thơm của tỉnh. Các giống lúa này là nguồn vật liệu phục vụ công tác lai tạo ra các giống lúa ST có năng suất, chất lượng cao như: Giống lúa ST 3, ST đỏ, ST 5 và ST 20, ST 24, ST 25... Trong đó, gạo ST24 được vinh danh trong “Top 3 Gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 9 về Thương mại Gạo tổ chức tại Ma Cau (Trung Quốc), gạo ST 25 được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 11 về Thương mại gạo, tổ chức tại Manila (Philippines). Đây là vinh dự chung cho lúa gạo Sóc Trăng và cũng là cơ hội để tỉnh Sóc Trăng phát huy tiềm năng, thế mạnh sản xuất các giống lúa, gạo thơm đặc sản trong thời gian tới.
Gắn KH&CN với du lịch
Ngoài tiềm năng nông nghiệp, tỉnh Sóc Trăng có tài nguyên thiên nhiên về các vườn cây ăn trái, bãi cát, bãi bồi, hệ thực vật rừng ngập mặn ven biển phù hợp phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sinh thái miệt vườn và du lịch đường sông, đường biển. Điển hình như các cù lao trên sông, vườn trái cây bao quanh xóm ấp rất hấp dẫn du khách; có vườn chim Gia Hòa (huyện Mỹ Xuyên) và vườn cò Tân Long (thị xã Ngã Năm) phong phú về quần thể với lượng lớn cá thể chim, cò cư ngụ tự nhiên…
Để tận dụng lợi thế này, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và sinh thái đất ngập nước tại các huyện Cù Lao Dung và Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng” nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái kết nối các tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh; ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng 02 mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và sinh thái đất ngập nước tại các huyện Cù Lao Dung và Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Thông qua việc xây dựng mô hình du lịch này, các hộ dân có thể khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên chính mãnh vườn của mình, góp phần phát triển du lịch.
Nhằm thiết kế, chế tạo, lắp đặt mô hình hệ thống tưới cây tự động và chiếu sáng công cộng dựa trên nền tảng IoT kết hợp sử dụng năng lượng mặt trời phục vụ phát triển xã nông thôn mới thông minh, tỉnh đang triển khai thực hiện dự án “Xây dựng hệ thống tưới cây tự động và chiếu sáng công cộng dựa trên nền tảng Internet Vạn Vật (IoT) kết hợp sử dụng năng lượng mặt trời phục vụ phát triển mô hình xã nông thôn mới thông minh tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng”, trong đó có xây dựng mô hình hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng năng lượng mặt trời và mô hình hệ thống tưới tự động cho cây xoài ứng dụng giải pháp IoT và điện năng lượng mặt trời. Kết quả thực hiện dự án sẽ góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, đồng thời kết quả thực hiện dự án được nhân rộng cùng với điều kiện tự nhiên ở huyện Cù Lao Dung sẽ phục vụ phát triển du lịch của địa phương trong thời gian tới.