Tham dự buổi tiếp đoàn doanh nghiệp Đức về phía Bộ Công Thương có lãnh đạo các Đơn vị thuộc Bộ: các Vụ: Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Tài chính, các Cục: Thương mại điện tử và Kinh tế số, Công nghiệp, Xúc tiến thương mại
Bày tỏ vui mừng khi gặp ông Philipp Roesler, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ những thông tin đánh giá tích cực từ giới doanh nghiệp Đức về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, các doanh nghiệp Đức vẫn coi Việt Nam là một trong các thị trường có tiềm năng phát triển nhất ở Châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ); đồng thời, với chiến lược đa dạng hóa đầu tư của Đức, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến đầu tư tiềm năng và tin cậy của các doanh nghiệp Đức.
Để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị ông Rösler với uy tín và ảnh hưởng của mình tại CHLB Đức và Liên minh châu Âu tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong quan hệ với EU. Hai bên cần tăng cường hợp tác giữa các bang của Đức với các Bộ, Ngành, địa phương của Việt Nam tùy thế mạnh của từng vùng, từng địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị phía Đức tiếp tục hỗ trợ Bộ Công Thương trong lĩnh vực năng lượng nhằm cụ thể hóa Tuyên bố chung về Hợp tác năng lượng giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế và Báo vệ khí hậu liên bang Đức đã được ký vào ngày 13/11/2022 nhân chuyến thăm của Thủ tướng Olaf Scholz.
Đối với các doanh nghiệp, tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp là rất lớn. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sản xuất tại Việt Nam bao gồm các ngành nghề mà Đức có thế mạnh như điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp Đức tăng cường sản xuất và mở rộng đầu tư kinh doanh hơn nữa vào Việt Nam để tận dụng tối đa những ưu đãi của Chính phủ Việt Nam trong đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.
Về phần mình, ông Roesler và Đoàn doanh nghiệp từ CHLB Đức đánh giá rất cao Việt Nam, coi Việt Nam là thị trường năng động và tiềm năng hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Các doanh nghiệp trong đoàn mong muốn hợp tác và đầu tư vào các công ty tại Việt Nam trong các lĩnh vực cụ thể là xây dựng sàn thương mại điện tử và cung cấp vật liệu mới trong xây dựng và sản xuất.
Trong bối cảnh thương mại hai chiều giữa Việt Nam và CHLB Đức có mức tăng trưởng đầy ấn tượng kể từ sau khi Hiệp định thương mại tự do EVFTA được thực thi, việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp Đức tìm kiếm cơ hội đầu tư lâu dài tại Việt Nam tiếp tục là tiền đề xây chắc mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, thiết thực trong nhiều lĩnh vực liên quan, là điểm sáng trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai Bên.
Theo số liệu Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và CHLB Đức năm 2022 đạt 12,6 tỷ USD, tăng 12,1%, trong đó xuất khẩu đạt 8,9 tỷ USD tăng 23,1% so với năm 2021, nhập khẩu đạt 3,6 tỷ USD giảm 8,2% so với năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chính là máy móc thiết bị, điện thoại, giày dép, dệt may, cà phê, thủy sản... Các mặt hàng nhập khẩu là máy móc, thiết bị, dược phẩm, hóa chất, linh kiện phụ tùng ô tô...
Tính đến hết tháng 3/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt gần 2,7 tỷ USD, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt gần 1,9 tỷ USD giảm 11%; kim ngạch nhập khẩu từ Đức đạt khoảng 799,9 triệu USD, giảm 8,6% so với tháng 3/2022.
Về đầu tư, tính luỹ kế đến hết tháng 3/2023, Đức có 443 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 2,36 tỷ USD, đứng thứ 18/143 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trên 3/4 số dự án và 2/3 số vốn đầu tư của Đức vào Việt Nam tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kỹ thuật, thông tin truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm. Hiện 26 tỉnh, thanh phố của Việt Nam đã tiếp nhận FDI của Đức, chủ yếu là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai. Nhiều tập đoàn hàng đầu của Đức (Siemens, Metro, Mercedes-Benz, Deutsche Bank, Allianz, B.Braun, Messer...) đã mở các cơ sở và cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam.dd