NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 14/2007/NĐ-CP NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2007

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CHỨNG KHOÁN

 

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

 

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I  NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán về chào bán chứng khoán ra công chúng, niêm yết chứng khoán, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và công ty đầu tư chứng khoán.

Điều 2. Giải thích thuật ngữ

1. Đại diện người sở hữu trái phiếu là thành viên Trung tâm lưu ký chứng khoán được ủy quyền nắm giữ trái phiếu và đại diện cho quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu.

2. Nước nguyên xứ là quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nơi pháp nhân nước ngoài được thành lập.

3. Giá trị tài sản ròng của quỹ là tổng giá trị các tài sản của quỹ trừ đi tổng giá trị nợ phải trả của quỹ.

4. Hợp đồng quản lý đầu tư là hợp đồng ký kết giữa công ty đầu tư chứng khoán hoặc tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước với công ty quản lý quỹ, uỷ thác cho công ty quản lý quỹ quản lý đầu tư tài sản của mình.

 

Chương II

CHÀO BÁN CHỨNG KHOÁN RA CÔNG CHÚNG

Điều 3. Hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng

1. Chào bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng bao gồm:

a) Chào bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng để huy động vốn cho tổ chức phát hành;

b) Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng thông qua thay đổi cơ cấu sở hữu nhưng không làm tăng vốn điều lệ của tổ chức phát hành.

2. Chào bán thêm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ ra công chúng bao gồm:

a) Công ty đại chúng chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng hoặc chào bán quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ;

b) Công ty đại chúng chào bán tiếp cổ phiếu ra công chúng để thay đổi cơ cấu sở hữu nhưng không làm tăng vốn điều lệ;

c) Công ty quản lý quỹ chào bán thêm chứng chỉ quỹ đóng ra công chúng; công ty đầu tư chứng khoán chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng.

3. Chào bán trái phiếu ra công chúng.

Điều 4. Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của một số loại hình doanh nghiệp

1. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần kết hợp chào bán cổ phiếu ra công chúng thì thực hiện theo quy định của pháp luật về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần.

2. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển đổi thành công ty cổ phần kết hợp chào bán cổ phiếu ra công chúng:

a) Đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 12 Luật Chứng khoán;

b) Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được chủ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc Hội đồng quản trị doanh nghiệp liên doanh thông qua;

c) Có công ty chứng khoán tư vấn trong việc lập hồ sơ chào bán cổ phiếu.

3. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã chuyển đổi thành công ty cổ phần:

a) Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Chứng khoán;

b) Đáp ứng điều kiện quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

4. Đối với doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng:

a) Là doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thuộc đề án phát triển kinh tế - xã hội của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Có cam kết chịu trách nhiệm liên đới của Hội đồng quản trị hoặc các cổ đông sáng lập đối với phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán;

d) Có tổ chức bảo lãnh phát hành;

đ) Có ngân hàng giám sát việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán.

5. Đối với doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực công nghệ cao:

a) Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao được khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật;

b) Đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 4 Điều này.

6. Công ty đầu tư chứng khoán chào bán chứng khoán ra công chúng thực hiện theo quy định tại chương V Nghị định này.

Điều 5. Điều kiện chào bán các loại chứng khoán khác

1. Công ty cổ phần chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu có kèm theo chứng quyền hoặc chứng quyền kèm theo cổ phiếu ưu đãi ra công chúng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Các điều kiện quy định tại điểm a, b và d khoản 2 Điều 12 Luật Chứng khoán;

b) Có phương án phát hành, phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán, kế hoạch phát hành số cổ phiếu cần thiết cho việc chuyển đổi được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Phương án chuyển đổi bao gồm điều kiện, thời hạn chuyển đổi, tỷ lệ chuyển đổi, phương pháp tính và các điều kiện khác được xác định ngay trong phương án phát hành.

2. Tổ chức phát hành thực hiện chào bán trái phiếu có bảo đảm ra công chúng theo một trong hai phương thức bảo đảm bằng bảo lãnh thanh toán hoặc bảo đảm bằng tài sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Chứng khoán;

b) Có cam kết bảo lãnh thanh toán kèm theo tài liệu chứng minh năng lực tài chính của tổ chức bảo lãnh trong trường hợp bảo đảm bằng bảo lãnh thanh toán hoặc có tài sản đủ giá trị thanh toán trái phiếu trong trường hợp bảo đảm bằng tài sản. Giá trị tài sản dùng để bảo đảm tối thiểu bằng tổng giá trị trái phiếu đăng ký chào bán. Việc định giá tài sản dùng để bảo đảm phải do cơ quan, tổ chức thẩm định giá có thẩm quyền thực hiện và có giá trị không quá 12 tháng kể từ ngày định giá. Tài sản dùng để bảo đảm phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Quy định này không áp dụng đối với trường hợp tổ chức bảo lãnh thanh toán là Chính phủ hoặc Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ bảo lãnh thanh toán theo thẩm quyền.

c) Tổ chức phát hành phải chỉ định đại diện người sở hữu trái phiếu để giám sát việc thực hiện các cam kết của tổ chức phát hành. Các đối tượng sau đây không được làm đại diện người sở hữu trái phiếu:

- Tổ chức bảo lãnh việc thanh toán nợ của tổ chức phát hành;

- Cổ đông lớn của tổ chức phát hành;

- Tổ chức có cổ đông lớn là tổ chức phát hành;

- Tổ chức có chung cổ đông lớn với tổ chức phát hành;

- Tổ chức có chung người điều hành với tổ chức phát hành hoặc cùng chịu sự kiểm soát của tổ chức khác.

3. Tổ chức phát hành thực hiện chào bán cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng chung cho nhiều đợt phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 12 Luật Chứng khoán;

b) Có nhu cầu huy động vốn làm nhiều đợt phù hợp với dự án đầu tư hoặc kế hoạch sản xuất kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Có kế hoạch chào bán trong đó nêu rõ đối tượng, số lượng và thời gian dự kiến chào bán của từng đợt.

4. Tổ chức tín dụng đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a và c khoản 3 Điều này được đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng chung cho nhiều đợt trong 12 tháng.

5. Bộ Tài chính quy định điều kiện chào bán ra công chúng đối với những trường hợp cụ thể khác căn cứ vào tình hình phát triển của thị trường.

Điều 6. Chào bán chứng khoán ra nước ngoài

1. Tổ chức phát hành thực hiện chào bán chứng khoán ra nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Không thuộc danh mục ngành nghề mà pháp luật cấm bên nước ngoài tham gia và phải đảm bảo tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài theo quy định của pháp luật;

b) Có quyết định thông qua việc chào bán chứng khoán ra nước ngoài và phương án sử dụng vốn thu được của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông (đối với công ty cổ phần), của Hội đồng thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên), hoặc Chủ sở hữu công ty (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) hoặc của đại diện chủ sở hữu vốn (đối với công ty nhà nước);

c) Đáp ứng các điều kiện chào bán theo quy định của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức phát hành đăng ký chào bán.

2. Tối thiểu 10 ngày trước khi gửi hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra nước ngoài, tổ chức phát hành phải gửi cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các tài liệu sau:

a) Bản sao hồ sơ đăng ký chào bán với cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức phát hành đăng ký chào bán;

b) Các tài liệu chứng minh đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trong thời hạn 10 ngày, sau khi hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra nước ngoài có hiệu lực, tổ chức phát hành gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bản sao hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán đã được chấp thuận ở nước ngoài và phải công bố ra công chúng các thông tin về đợt chào bán.

4. Tổ chức phát hành chào bán chứng khoán ra nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây:

a) Công bố thông tin theo quy định của pháp luật nước ngoài và pháp luật của Việt Nam;

b) Trường hợp tổ chức phát hành chào bán chứng khoán đồng thời ở trong nước và ra nước ngoài, báo cáo tài chính định kỳ phải được lập theo chuẩn mực kế toán quốc tế hoặc theo chuẩn mực kế toán quốc tế và Việt Nam, kèm theo bản giải trình các điểm khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán.

5. Trong thời hạn 15 ngày, sau khi kết thúc đợt chào bán, tổ chức phát hành gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo kết quả đợt chào bán.

6. Thủ tục chuyển các khoản tiền liên quan đến đợt chào bán chứng khoán ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

Điều 7. Chào bán trái phiếu bằng đồng Việt Nam của tổ chức tài chính quốc tế

1. Điều kiện chào bán trái phiếu bằng đồng Việt Nam của tổ chức tài chính quốc tế:

a) Tổ chức phát hành phải là tổ chức tài chính quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

b) Có phương án phát hành và phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán trái phiếu ra công chúng cho các dự án mà tổ chức đó thực hiện đầu tư tại Việt Nam được Bộ Tài chính chấp thuận;

c) Có cam kết thực hiện các nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với các nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác;

d) Cam kết thực hiện công bố thông tin theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng bằng đồng Việt Nam của tổ chức tài chính quốc tế bao gồm:

a) Giấy đăng ký chào bán trái phiếu;

b) Dự án đầu tư bao gồm phương án phát hành và phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán;

c) Cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành;

d) Các tài liệu khác theo đề nghị của Bộ Tài chính.

 

Chương III

NIÊM YẾT CHỨNG KHOÁN

 

Mục 1

NIÊM YẾT CHỨNG KHOÁN TẠI SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN,
TRUNG TÂM GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN

 

Điều 8. Điều kiện niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán

1. Điều kiện niêm yết cổ phiếu:

a)  Là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 80 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán. Căn cứ vào tình hình phát triển thị trường, mức vốn có thể được Bộ Tài chính điều chỉnh tăng hoặc giảm trong phạm vi tối đa 30% sau khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ;

b) Hoạt động kinh doanh hai năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi và không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký niêm yết;

c) Không có các khoản nợ quá hạn chưa được dự phòng theo quy định của pháp luật; công khai mọi khoản nợ đối với công ty của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, cổ đông lớn và những người có liên quan;

d) Tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông nắm giữ;

đ) Cổ đông là thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng của công ty phải cam kết nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 6 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 6 tháng tiếp theo, không tính số cổ phiếu thuộc sở hữu Nhà nước do các cá nhân trên đại diện nắm giữ;

e) Có hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này.

2. Điều kiện niêm yết trái phiếu:

a) Là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nhà nước có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 80 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;

b) Hoạt động kinh doanh của hai năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước;

c) Có ít nhất 100 người sở hữu trái phiếu cùng một đợt phát hành;

d) Có hồ sơ đăng ký niêm yết trái phiếu hợp lệ theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định này.

3. Điều kiện niêm yết chứng chỉ quỹ đại chúng hoặc cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng:

a) Là quỹ đóng có tổng giá trị chứng chỉ quỹ (theo mệnh giá) phát hành từ 50 tỷ đồng Việt Nam trở lên hoặc công ty đầu tư chứng khoán có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 50 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;

b) Sáng lập viên và thành viên Ban đại diện quỹ đầu tư chứng khoán hoặc thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng của công ty đầu tư chứng khoán phải cam kết nắm giữ 100% số chứng chỉ quỹ hoặc cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 6 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số chứng chỉ quỹ hoặc cổ phiếu này trong thời gian 6 tháng tiếp theo;

c) Có ít nhất 100 người sở hữu chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng hoặc ít nhất 100 cổ đông nắm giữ cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng;

d) Có hồ sơ đăng ký niêm yết chứng chỉ quỹ đại chúng hoặc cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng hợp lệ theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định này.

4. Trong thời gian thực hiện chuyển đổi từ Trung tâm Giao dịch chứng khoán thành Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định tại khoản 5 Điều 134 Luật Chứng khoán, tổ chức mới đăng ký niêm yết chứng khoán tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 9. Điều kiện niêm yết chứng khoán tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán

1. Điều kiện niêm yết cổ phiếu:

a) Là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;

b) Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước;

c) Cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông nắm giữ;

d) Cổ đông là thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc và Kế toán trưởng của công ty phải cam kết nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 6 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 6 tháng tiếp theo, không tính số cổ phiếu thuộc sở hữu Nhà nước do các cá nhân trên đại diện nắm giữ;

đ) Có hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này;

e) Việc niêm yết cổ phiếu của các doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng hoặc công nghệ cao, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần không phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

2. Điều kiện niêm yết trái phiếu doanh nghiệp:

a) Là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nhà nước có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;

b) Các trái phiếu của một đợt phát hành có cùng ngày đáo hạn;

c) Có hồ sơ đăng ký niêm yết trái phiếu hợp lệ theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định này.

3. Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương được niêm yết trên Trung tâm Giao dịch chứng khoán theo đề nghị của tổ chức phát hành trái phiếu.

4. Chứng khoán đủ tiêu chuẩn niêm yết mà chưa niêm yết tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán được giao dịch tại công ty chứng khoán và chuyển kết quả giao dịch thông qua Trung tâm Giao dịch chứng khoán để thanh toán thông qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

5. Việc phân định các khu vực niêm yết giao dịch tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán thực hiện theo Quy chế niêm yết của Trung tâm Giao dịch chứng khoán sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

6. Bộ Tài chính quy định cụ thể điều kiện niêm yết đối với các loại chứng khoán khác trên Trung tâm Giao dịch chứng khoán.

Điều 10. Hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán

1. Tổ chức đăng ký niêm yết chứng khoán phải nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cho Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán.

2. Hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu bao gồm:

a) Giấy đăng ký niêm yết cổ phiếu;

b) Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu;

c) Sổ đăng ký cổ đông của tổ chức đăng ký niêm yết được lập trong thời hạn một tháng trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký niêm yết;

d) Bản cáo bạch theo quy định tại Điều 15 Luật Chứng khoán;

đ) Cam kết của cổ đông là thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 6 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 6 tháng tiếp theo;

e) Hợp đồng tư vấn niêm yết (nếu có);

g) Giấy chứng nhận của Trung tâm lưu ký chứng khoán về việc cổ phiếu của tổ chức đó đã đăng ký lưu ký tập trung.

3. Hồ sơ đăng ký niêm yết trái phiếu bao gồm:

a) Giấy đăng ký niêm yết trái phiếu;

b) Quyết định thông qua việc niêm yết trái phiếu của Hội đồng quản trị hoặc trái phiếu chuyển đổi của Đại hội đồng cổ đông (đối với công ty cổ phần), niêm yết trái phiếu của Hội đồng thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên) hoặc Chủ sở hữu công ty (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) hoặc của cấp có thẩm quyền (đối với doanh nghiệp nhà nước);

c) Sổ đăng ký chủ sở hữu trái phiếu của tổ chức đăng ký niêm yết;

d) Bản cáo bạch theo quy định tại Điều 15 Luật Chứng khoán;

đ) Cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức đăng ký niêm yết đối với người đầu tư, bao gồm các điều kiện thanh toán, tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu, điều kiện chuyển đổi (trường hợp niêm yết trái phiếu chuyển đổi) và các điều kiện khác;

e) Cam kết bảo lãnh thanh toán hoặc Biên bản xác định giá trị tài sản bảo đảm, kèm tài liệu hợp lệ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp và hợp đồng bảo hiểm (nếu có) đối với các tài sản đó trong trường hợp niêm yết trái phiếu có bảo đảm. Tài sản dùng để bảo đảm phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền;

g) Hợp đồng giữa tổ chức phát hành và đại diện người sở hữu trái phiếu;

h) Giấy chứng nhận của Trung tâm lưu ký chứng khoán về việc trái phiếu của tổ chức đó đã đăng ký lưu ký, tập trung.

4. Hồ sơ đăng ký niêm yết chứng chỉ quỹ đại chúng và cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng bao gồm:

a) Giấy đăng ký niêm yết chứng chỉ quỹ đại chúng hoặc Giấy đăng ký niêm yết cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng;

b) Quyết định của Đại hội nhà đầu tư về việc niêm yết chứng chỉ quỹ đại chúng hoặc Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng;

c) Sổ đăng ký nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ đại chúng hoặc sổ đăng ký cổ đông của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng;

d) Điều lệ Quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng theo mẫu do Bộ Tài chính quy định và Hợp đồng giám sát đã được Đại hội người đầu tư hoặc Đại hội đồng cổ đông thông qua;

đ) Bản cáo bạch theo quy định tại Điều 15 Luật Chứng khoán;

e) Danh sách và lý lịch tóm tắt của thành viên Ban đại diện quỹ; cam kết bằng văn bản của các thành viên độc lập trong Ban đại diện quỹ về sự độc lập của mình đối với công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát;

g) Cam kết của sáng lập viên và thành viên Ban đại diện quỹ đầu tư chứng khoán hoặc của cổ đông là thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng của công ty đầu tư chứng khoán về việc nắm giữ 100% số chứng chỉ quỹ hoặc cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 6 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số chứng chỉ quỹ hoặc cổ phiếu này trong thời gian 6 tháng tiếp theo;

h) Báo cáo kết quả đầu tư của quỹ và công ty đầu tư chứng khoán tính đến thời điểm đăng ký niêm yết có xác nhận của ngân hàng giám sát;

i) Giấy chứng nhận của Trung tâm lưu ký chứng khoán về việc chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng hoặc cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng đã đăng ký lưu ký tập trung.

5. Tổ chức đăng ký niêm yết sau khi được Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán chấp thuận niêm yết phải nộp cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước bản sao hồ sơ đăng ký niêm yết.

6. Bộ Tài chính quy định cụ thể hồ sơ đăng ký niêm yết đối với các loại chứng khoán khác.

Điều 11. Trách nhiệm của tổ chức đăng ký niêm yết và các tổ chức liên quan

1. Tổ chức đăng ký niêm yết phải chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác, trung thực và đầy đủ của hồ sơ đăng ký niêm yết. Tổ chức tư vấn niêm yết, tổ chức kiểm toán được chấp thuận, người ký báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính của tổ chức đăng ký niêm yết và bất cứ tổ chức, cá nhân nào xác nhận hồ sơ niêm yết phải chịu trách nhiệm trong phạm vi liên quan đến hồ sơ đăng ký niêm yết.

2. Trong thời gian xem xét hồ sơ, Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán có quyền yêu cầu tổ chức đăng ký niêm yết sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký niêm yết để đảm bảo thông tin được công bố chính xác, trung thực, đầy đủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

3. Trong thời gian Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết, thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và cổ đông lớn của tổ chức đăng ký niêm yết không được chuyển nhượng cổ phần do mình nắm giữ.

4. Trường hợp phát hiện hồ sơ đã nộp cho Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán chưa đầy đủ, có những thông tin không chính xác hoặc có những sự kiện mới phát sinh ảnh hưởng đến nội dung của hồ sơ đã nộp, tổ chức đăng ký niêm yết phải báo cáo Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán để sửa đổi, bổ sung kịp thời vào hồ sơ đăng ký niêm yết.

Điều 12. Thủ tục đăng ký niêm yết

1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán có trách nhiệm chấp thuận hoặc từ chối đăng ký niêm yết. Trường hợp từ chối đăng ký niêm yết, Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán hướng dẫn cụ thể quy trình đăng ký niêm yết chứng khoán tại Quy chế về niêm yết chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán.

Điều 13. Thay đổi đăng ký niêm yết

1. Tổ chức niêm yết phải làm thủ tục thay đổi đăng ký niêm yết trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức niêm yết thực hiện tách, gộp cổ phiếu, phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng hoặc chào bán quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ;

b) Tổ chức niêm yết bị tách hoặc nhận sáp nhập;

c) Các trường hợp thay đổi số lượng chứng khoán niêm yết khác trên Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán.

2. Hồ sơ thay đổi đăng ký niêm yết nộp cho Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán bao gồm:

a) Giấy đề nghị thay đổi đăng ký niêm yết, trong đó nêu lý do dẫn đến việc thay đổi niêm yết và các tài liệu có liên quan;

b) Quyết định thông qua việc thay đổi niêm yết cổ phiếu của Đại hội đồng cổ đông, thay đổi niêm yết trái phiếu của Hội đồng quản trị hoặc trái phiếu chuyển đổi của Đại hội đồng cổ đông (đối với công ty cổ phần); thay đổi niêm yết trái phiếu của Hội đồng thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên) hoặc chủ sở hữu công ty (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) hoặc của đại diện chủ sở hữu vốn (đối với công ty nhà nước); thay đổi niêm yết chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán của Đại hội nhà đầu tư hoặc thay đổi niêm yết cổ phiếu của Đại hội đồng cổ đông công ty đầu tư chứng khoán.

3. Thủ tục thực hiện thay đổi đăng ký niêm yết thực hiện theo quy định tại Quy chế về niêm yết của Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán.

Điều 14. Huỷ bỏ niêm yết

1. Chứng khoán bị huỷ bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán không còn đáp ứng được các điều kiện niêm yết quy định tại điểm a, d khoản 1, điểm a, c khoản 2, điểm a, c khoản 3 Điều 8; điểm a, c khoản 1; điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định này trong thời hạn một năm;

b) Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ một năm trở lên;

c) Tổ chức niêm yết bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành;

d) Cổ phiếu không có giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng;

đ) Kết quả sản xuất, kinh doanh bị lỗ trong ba năm liên tục và tổng số lỗ luỹ kế vượt quá vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất;

e) Tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại do sáp nhập, hợp nhất, chia, giải thể hoặc phá sản, quỹ đầu tư chứng khoán chấm dứt hoạt động;

g) Trái phiếu đến thời gian đáo hạn hoặc trái phiếu niêm yết được tổ chức phát hành mua lại toàn bộ trước thời gian đáo hạn;

h) Tổ chức kiểm toán có ý kiến không chấp nhận hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết;

i) Tổ chức được chấp thuận niêm yết không tiến hành các thủ tục niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán trong thời hạn tối đa là ba tháng kể từ ngày được chấp thuận niêm yết;

k) Tổ chức niêm yết đề nghị huỷ bỏ niêm yết.

2. Trường hợp tổ chức niêm yết đề nghị huỷ bỏ niêm yết, hồ sơ bao gồm:

a) Giấy đề nghị huỷ bỏ niêm yết;

b) Quyết định thông qua việc huỷ bỏ niêm yết cổ phiếu của Đại hội đồng cổ đông, huỷ bỏ niêm yết trái phiếu của Hội đồng quản trị hoặc trái phiếu chuyển đổi của Đại hội đồng cổ đông (đối với công ty cổ phần); huỷ bỏ niêm yết trái phiếu của Hội đồng thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên) hoặc chủ sở hữu công ty (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) hoặc của đại diện chủ sở hữu vốn (đối với công ty nhà nước); huỷ bỏ niêm yết chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán của Đại hội nhà đầu tư hoặc huỷ bỏ niêm yết cổ phiếu của Đại hội đồng cổ đông công ty đầu tư chứng khoán.

3. Tổ chức có chứng khoán bị huỷ bỏ niêm yết chỉ được đăng ký niêm yết lại ít nhất 12 tháng sau khi bị hủy bỏ niêm yết nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 8 và khoản 1 Điều 9 Nghị định này. Hồ sơ, thủ tục niêm yết lại thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.

4. Thủ tục huỷ bỏ niêm yết thực hiện theo quy định tại Quy chế về niêm yết của Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán.

 

 

Mục 2

NIÊM YẾT CHỨNG KHOÁN

TẠI SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN NƯỚC NGOÀI

Điều 15. Điều kiện niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán nước ngoài

1. Đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định này.

2. Có quyết định thông qua việc niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán nước ngoài của Hội đồng quản trị hoặc của Đại hội đồng cổ đông (đối với công ty cổ phần), của Hội đồng thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên), hoặc Chủ sở hữu công ty (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) hoặc của đại diện chủ sở hữu vốn (đối với công ty nhà nước).

3. Đáp ứng các điều kiện niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán của nước mà cơ quan quản lý thị trường chứng khoán hoặc Sở Giao dịch chứng khoán đã có thoả thuận hợp tác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước của Việt Nam.

Điều 16. Báo cáo về việc niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán nước ngoài

1. Khi nộp hồ sơ niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán nước ngoài, doanh nghiệp phải đồng thời nộp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bản sao hồ sơ niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán nước ngoài. Trường hợp đang niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán trong nước thì doanh nghiệp còn phải gửi bản sao hồ sơ cho Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán nơi chứng khoán đang niêm yết.

2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được chấp thuận niêm yết hoặc huỷ bỏ niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán nước ngoài, doanh nghiệp phải gửi cho Ủy ban chứng khoán nhà nước bản sao giấy chấp thuận niêm yết hoặc quyết định huỷ bỏ niêm yết và công bố thông tin về việc niêm yết hoặc huỷ bỏ niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán nước ngoài, tại các ấn phẩm và trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Điều 17. Nghĩa vụ của doanh nghiệp có chứng khoán niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán nước ngoài

1. Công bố thông tin theo quy định của pháp luật nước ngoài và pháp luật của Việt Nam.

2. Đảm bảo tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp tổ chức đồng thời niêm yết ở thị trường chứng khoán trong nước và nước ngoài, báo cáo tài chính định kỳ phải được lập theo chuẩn mực kế toán quốc tế hoặc theo chuẩn mực kế toán quốc tế và Việt Nam, kèm theo bản giải trình các điểm khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán.

4. Tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối của Việt Nam đối với các giao dịch ngoại tệ liên quan đến việc niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán nước ngoài.

 

Chương IV

CÔNG TY CHỨNG KHOÁN, CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ

Điều 18. Quy định về vốn đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ

1. Vốn pháp định cho các nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán, công ty chứng khoán có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam là:

a) Môi giới chứng khoán: 25 tỷ đồng Việt Nam;

b) Tự doanh chứng khoán: 100 tỷ đồng Việt Nam;

c) Bảo lãnh phát hành chứng khoán: 165 tỷ đồng Việt Nam;

d) Tư vấn đầu tư chứng khoán: 10 tỷ đồng Việt Nam.

2. Trường hợp tổ chức đề nghị cấp giấy phép cho nhiều nghiệp vụ kinh doanh, vốn pháp định là tổng số vốn pháp định tương ứng với từng nghiệp vụ xin cấp phép.

3. Mức vốn pháp định của công ty quản lý quỹ, công ty quản lý quỹ có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam tối thiểu là 25 tỷ đồng Việt Nam. Bộ Tài chính quy định cụ thể mức vốn pháp định của công ty quản lý quỹ dựa trên quy mô vốn được uỷ thác quản lý.

4. Vốn góp để thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi.

Các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn phải chứng minh nguồn vốn hợp pháp và được tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận.

5. Tỷ lệ sở hữu của bên nước ngoài trong công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật.

6. Tổ chức, cá nhân sở hữu từ 10% vốn cổ phần hoặc phần vốn góp có quyền biểu quyết của một công ty chứng khoán và người có liên quan của tổ chức, cá nhân đó không được sở hữu trên 5% số cổ phần hoặc phần vốn góp có quyền biểu quyết của một công ty chứng khoán khác.

7. Tổ chức, cá nhân sở hữu từ 10% vốn cổ phần hoặc phần vốn góp có quyền biểu quyết của một công ty quản lý quỹ và người có liên quan của tổ chức, cá nhân đó không được sở hữu trên 5% số cổ phần hoặc phần vốn góp có quyền biểu quyết của một công ty quản lý quỹ khác.

Điều 19. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép thành lập và hoạt động đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

1. Hồ sơ bao gồm:

a) Các tài liệu theo quy định tại Điều 63 Luật Chứng khoán;

b) Hợp đồng liên doanh đối với trường hợp thành lập công ty chứng khoán liên doanh, công ty quản lý quỹ liên doanh hoặc cam kết góp vốn đối với trường hợp thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có vốn góp của bên nước ngoài;

c) Trường hợp bên nước ngoài là pháp nhân, hồ sơ có thêm các tài liệu: Bản sao hợp lệ Điều lệ, Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc văn bản pháp lý tương đương của pháp nhân đó do nước nguyên xứ cấp; Quyết định về việc thành lập hoặc góp vốn thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam của cấp có thẩm quyền của pháp nhân nước ngoài.

2. Hồ sơ theo quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 63 Luật Chứng khoán trong trường hợp Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là tổ chức và cá nhân nước ngoài và điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải lập thành hai bản, một bản bằng tiếng Anh, một bản bằng tiếng Việt. Bộ hồ sơ bằng tiếng Anh, phải được hợp pháp hoá lãnh sự. Các bản sao tiếng Việt và các bản dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt phải được cơ quan công chứng Việt Nam hoặc được công ty luật có chức năng dịch thuật hoạt động hợp pháp ở Việt Nam xác nhận.

3. Thời hạn cấp Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của Điều 65 Luật Chứng khoán.

Điều 20. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép thành lập và hoạt động đối với chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam

1. Hồ sơ bao gồm:

a) Các tài liệu theo quy định tại Điều 63 Luật Chứng khoán;

b) Bản sao Điều lệ, Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài do nước nguyên xứ cấp; Quyết định thành lập chi nhánh tại Việt Nam và quyết định giao vốn của cấp có thẩm quyền của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài.

2. Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này phải lập thành hai bản, một bản bằng tiếng Anh, một bản bằng tiếng Việt. Bộ hồ sơ bằng tiếng Anh phải được hợp pháp hoá lãnh sự. Các bản sao tiếng Việt và các bản dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt phải được cơ quan công chứng Việt Nam hoặc được công ty luật có chức năng dịch thuật hoạt động hợp pháp ở Việt Nam xác nhận.

3. Thời hạn cấp Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của Điều 65 Luật Chứng khoán.

 

Chương V

CÔNG TY ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Điều 21. Tổ chức và hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán

1. Công ty đầu tư chứng khoán được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, bao gồm các loại sau:

a) Công ty đầu tư chứng khoán đại chúng là công ty đầu tư chứng khoán chào bán cổ phiếu ra công chúng;

b) Công ty đầu tư chứng khoán phát hành riêng lẻ.

2. Cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng được niêm yết và giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán, Công ty đầu tư chứng khoán không có nghĩa vụ mua lại cổ phiếu đã phát hành.

3. Công ty đầu tư chứng khoán phát hành riêng lẻ chỉ được chào bán cổ phiếu cho tối đa 99 nhà đầu tư, trong đó nhà đầu tư có tổ chức phải đầu tư tối thiểu 3 tỷ đồng và cá nhân đầu tư tối thiểu 1 tỷ đồng.

Công ty đầu tư chứng khoán phát hành riêng lẻ không phải tuân thủ các quy định về hạn chế đầu tư như công ty đầu tư chứng khoán đại chúng quy định tại Điều 92 Luật Chứng khoán.

4. Công ty đầu tư chứng khoán tự quản lý vốn đầu tư hoặc ủy thác cho một công ty quản lý quỹ quản lý hoặc thuê công ty quản lý quỹ tư vấn đầu tư và tự mình thực hiện giao dịch. Trường hợp công ty đầu tư chứng khoán thuê công ty quản lý quỹ quản lý vốn đầu tư thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc (nếu có), Chủ tịch Hội đồng quản trị và tối thiểu 2/3 thành viên Hội đồng quản trị của công ty đầu tư chứng khoán phải độc lập với công ty quản lý quỹ.

5. Công ty đầu tư chứng khoán nước ngoài hoặc quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài dạng pháp nhân muốn đầu tư vào Việt Nam phải ủy thác cho công ty quản lý quỹ trong nước hoặc thành lập chi nhánh tại Việt Nam để quản lý vốn đầu tư.

6. Bộ Tài chính quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán.

Điều 22. Hồ sơ, thủ tục đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng

1. Việc đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng do cổ đông sáng lập hoặc công ty quản lý quỹ thực hiện.

2. Hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng bao gồm:

a) Giấy đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng của cổ đông sáng lập hoặc công ty quản lý quỹ;

b) Dự thảo Điều lệ công ty đầu tư chứng khoán;

c) Bản cáo bạch theo quy định tại Điều 15 Luật Chứng khoán;

d) Dự thảo Hợp đồng giám sát;

đ) Dự thảo Hợp đồng quản lý đầu tư (trường hợp có công ty quản lý quỹ quản lý vốn đầu tư);

e) Danh sách dự kiến Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và các nhân viên thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán của công ty đầu tư chứng khoán kèm theo bản sao Chứng chỉ hành nghề chứng khoán hoặc hồ sơ xin cấp Chứng chỉ hành nghề chứng khoán (trường hợp tự quản lý vốn đầu tư);

g) Thuyết minh cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động đầu tư (trường hợp tự quản lý vốn đầu tư);

h) Danh sách cổ đông sáng lập kèm theo bản sao Giấy Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu đối với cá nhân và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với pháp nhân;

i) Cam kết của các cổ đông sáng lập đăng ký mua ít nhất 20% số cổ phiếu đăng ký chào bán ra công chúng và nắm giữ số cổ phiếu này trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động.

3. Hồ sơ tại khoản 2 Điều này được lập thành 2 bản và gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận chào bán ra công chúng. Trường hợp từ chối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản.

Điều 23. Chào bán cổ phiếu ra công chúng của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng

1. Việc chào bán cổ phiếu ra công chúng của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng được thực hiện theo quy định tại Điều 90 Luật Chứng khoán.

2. Sau khi kết thúc đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng, cổ đông sáng lập hoặc công ty quản lý quỹ phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kết quả đợt phát hành. Đồng thời, cổ đông sáng lập phải hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp phép thành lập công ty đầu tư chứng khoán nộp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

3. Trong vòng 30 ngày, sau khi nhận được báo cáo kết quả huy động vốn của công ty đầu tư chứng khoán và hồ sơ hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho công ty đầu tư chứng khoán đại chúng. Trường hợp từ chối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản.

Điều 24. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép thành lập và hoạt động đối với công ty đầu tư chứng khoán phát hành riêng lẻ

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động bao gồm:

a) Giấy đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của cổ đông sáng lập;

b) Xác nhận của ngân hàng về mức vốn góp gửi tại tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng;

c) Biên bản góp vốn của các cổ đông sáng lập;

d) Dự thảo Hợp đồng giám sát;

đ) Danh sách cổ đông sáng lập kèm theo bản sao Giấy Chứng minh  nhân dân hoặc Hộ chiếu và lý lịch tư pháp đối với cá nhân; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Báo cáo tài chính đối với pháp nhân;

e) Cam kết của các cổ đông sáng lập nắm giữ cổ phần của mình trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động;

g) Các tài liệu quy định tại điểm b, đ, e và g khoản 2 Điều 22 Nghị định này.

2. Trường hợp cổ đông sáng lập tham gia góp vốn là pháp nhân nước ngoài, hồ sơ có thêm các tài liệu sau: bản sao hợp lệ Điều lệ hoặc tài liệu tương đương, Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của pháp nhân đó do nước nguyên xứ cấp hoặc tài liệu chứng minh pháp nhân đó được hoạt động kinh doanh chứng khoán tại nước nguyên xứ; Quyết định của cấp có thẩm quyền về việc góp vốn thành lập công ty đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.

3. Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này được lập thành 2 bản. Trường hợp có cổ đông sáng lập tham gia góp vốn là pháp nhân nước ngoài, hồ sơ gồm một bản bằng tiếng Anh, một bản bằng tiếng Việt. Bộ hồ sơ bằng tiếng Anh phải được hợp pháp hóa lãnh sự. Các bản sao tiếng Việt và các bản dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt phải được cơ quan công chứng Việt Nam hoặc công ty luật có chức năng dịch thuật hoạt động hợp pháp tại Việt Nam xác nhận.

4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho công ty đầu tư chứng khoán. Trường hợp từ chối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản.

Điều 25. Tăng, giảm vốn điều lệ của công ty đầu tư chứng khoán

Điều kiện, hồ sơ, thủ tục tăng, giảm vốn điều lệ của công ty đầu tư chứng khoán thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 26. Chế độ báo cáo và công bố thông tin của công ty đầu tư chứng khoán

1. Công ty đầu tư chứng khoán thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ báo cáo đối với quỹ đầu tư chứng khoán.

2. Công ty đầu tư chứng khoán chào bán cổ phiếu ra công chúng, có cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán phải thực hiện công bố thông tin theo quy định tại Điều 106 Luật Chứng khoán và văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3. Công ty đầu tư chứng khoán phát hành riêng lẻ không phải thực hiện công bố thông tin theo phương thức quy định tại khoản 4 Điều 100 Luật Chứng khoán. Trong trường hợp này công ty đầu tư chứng khoán gửi nội dung thông tin công bố cho các cổ đông góp vốn theo phương thức quy định tại Điều lệ công ty và đồng thời báo cáo nội dung thông tin công bố cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Điều 27. Nội dung Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán

Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán có những nội dung sau đây:

1. Tên, địa chỉ trụ sở chính, thông tin tóm tắt về công ty đầu tư chứng khoán, công ty quản lý quỹ (nếu có), ngân hàng giám sát;

2. Mục tiêu hoạt động; lĩnh vực đầu tư; thời hạn hoạt động;

3. Vốn điều lệ và quy định về tăng, giảm vốn điều lệ;

4. Thông tin về các cổ đông sáng lập và số cổ phần của cổ đông sáng lập;

5. Quyền và nghĩa vụ của cổ đông;

6. Cơ cấu tổ chức quản lý;

7. Người đại diện theo pháp luật;

8. Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;

9. Các quy định về Hội đồng quản trị; Đại hội đồng cổ đông;

10. Các hạn chế đầu tư;

11. Quy định về việc lựa chọn ngân hàng giám sát; lựa chọn và thay đổi tổ chức kiểm toán độc lập;

12. Quy định về chuyển nhượng, phát hành, mua lại cổ phần; quy định về việc niêm yết cổ phiếu;

13. Các loại chi phí và doanh thu; mức phí, thưởng đối với bộ máy quản lý của công ty đầu tư chứng khoán, ngân hàng giám sát; tổng chi phí ước tính theo năm (trường hợp công ty đầu tư tự quản lý);

14. Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;

15. Phương thức xác định giá trị tài sản ròng, giá trị tài sản ròng của mỗi cổ phần;

16. Quy định về giải quyết xung đột lợi ích có thể phát sinh giữa công ty đầu tư chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát và các tổ chức, cá nhân có liên quan;

17. Quy định về chế độ báo cáo;

18. Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;

19. Thể thức tiến hành sửa đổi, bổ sung Điều lệ quỹ;

20. Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật, của cổ đông sáng lập, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập;

21. Các nội dung khác theo thỏa thuận của cổ đông không trái với quy định của pháp luật.

Điều 28. Đăng ký lại đối với doanh nghiệp đầu tư chứng khoán thành lập trước khi Luật Chứng khoán có hiệu lực

1. Doanh nghiệp thành lập trước thời điểm Luật Chứng khoán có hiệu lực đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 97 Luật Chứng khoán có nghĩa vụ thực hiện thủ tục đăng ký lại theo mô hình công ty đầu tư chứng khoán trong thời hạn một năm kể từ ngày Luật Chứng khoán có hiệu lực thi hành theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký lại theo quy định tại khoản 1 Điều này, công ty đầu tư chứng khoán có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của Luật Chứng khoán, Nghị định này và các văn bản pháp luật có liên quan.

 

Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 29. Đăng ký lại đối với tổ chức hoạt động về chứng khoán trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành

1. Tổ chức đã niêm yết tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh trước khi Nghị định này có hiệu lực, nếu không đáp ứng đủ các điều kiện niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán quy định tại Nghị định này, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải điều chỉnh để đáp ứng đủ điều kiện niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán. Quá thời hạn trên nếu không đáp ứng đủ điều kiện niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán thì phải chuyển sang niêm yết tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán

2. Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đã được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán mà không đáp ứng đủ điều kiện về vốn pháp định theo quy định tại Nghị định này phải làm thủ tục tăng vốn trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

3. Công ty quản lý quỹ muốn thực hiện nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư phải làm thủ tục đổi lại Giấy phép thành lập và hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Tài chính trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

4. Văn phòng đại diện của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài đã hoạt động theo Giấy phép thành lập văn phòng đại diện không do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp trước ngày Luật Chứng khoán có hiệu lực thi hành phải làm thủ tục đăng ký lại với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

5. Chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán được cấp trước ngày Luật Chứng khoán có hiệu lực thi hành mà còn có hiệu lực trên 6 tháng phải đổi lại theo mẫu chứng chỉ mới.

Điều 30. Hiệu lực của Nghị định

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.

Điều 31. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

  THỦ TƯỚNG 

             Nguyễn Tấn Dũng

 

 

  • Tags: