Nghị quyết về Du lịch và kỳ vọng từ "đầu tàu" Hà Nội

(Chinhphu.vn) - Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Mai Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hó - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Nội cho biết sẽ khẩn trương phổ biến rộng rãi nội dung Nghị quyết 92/NQ-CP về
Ông Mai Tiến Dũng

Được giao nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực Du lịch của Hà Nội, một trong những "đầu tàu" du lịch của cả nước, cá nhân ông đánh giá thế nào về Nghị quyết 92?

Ông Mai Tiến Dũng: Nghị quyết 92, tín hiệu rất mừng cho ngành Du lịch không chỉ trong năm 2015, mà cho cả giai đoạn sau này, không chỉ với những giải pháp cấp bách để gỡ khó cho năm 2015, mà còn có tính chất chiến lược cho giai đoạn sau, dài hơi đối với du lịch cả nước, trong đó có Hà Nội.

Sự chỉ đạo cụ thể của Chính phủ qua Nghị quyết 92 đã tạo hành lang pháp lý hết sức thuận lợi cho một địa phương triển khai các chính sách phát triển du lịch. Thậm chí, tôi cho rằng, Nghị quyết này còn mang đến những cải cách về chính sách du lịch vỗn dĩ lâu nay vẫn bị bỏ ngỏ. Cụ thể, Nghị quyết không chỉ hỗ trợ cho cơ quan quản lý nhà nước như Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch mà còn hỗ trợ các cơ quan quản lý du lịch địa phương. Đây là căn cứ để chúng tôi xây dựng, đề xuất những chính sách hỗ trợ phát triển du lịch căn bản, quyết định với du lịch Hà Nội, trong phạm vi thẩm quyền của TP.

Tôi trông đợi các bộ, ngành sẽ ráo riết, nghiêm túc thực hiện những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Nghị quyết 92 về các chính sách thuế, điện, visa… Bởi lẽ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp cần phối hợp với rất nhiều ngành. Chẳng hạn như chúng tôi muốn phát triển du lịch thì cần phải có nhiều sản phẩm du lịch mới (dựa trên tiềm năng tài nguyên du lịch phong phú giàu có của Hà Nội), nhưng để có sản phẩm du lịch mới hấp dẫn phải có nguồn đầu tư, phải có môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư tạo ra sản phẩm, xây dựng khách sạn, nhà hàng.

Ông tâm đắc nhất đối với nội dung nào trong Nghị quyết 92?

Ông Mai Tiến Dũng: Chúng tôi đặc biệt tâm đắc với việc Chính phủ đã giao cụ thể nhiệm vụ cho từng bộ, từng ngành, bởi lẽ bản chất của ngành Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp. Đơn cử như việc đảm bảo an toàn an ninh cho du khách, làm sao chúng tôi có thể làm được nếu lực lượng công an, chính quyền địa phương không mạnh tay trấn áp, xử lý tội phạm?

Bên cạnh đó là quyết tâm của Chính phủ để ngành Du lịch phải được phát triển trên cơ sở những chỉ đạo cao nhất, sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ nhuần nhuyễn từ cấp trung ương tới địa phương ở tất cả các bộ, ngành liên quan. Và chúng tôi mong mỏi những nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao cho các bộ ngành phải được triển khai ráo riết và nhanh chóng hiện thực hóa trong thực tế bằng những chính sách cụ thể.

Hà Nội có tài nguyên du lịch phong phú, nhưng nếu không có những chính sách thực sự cởi mở sẽ không thể huy động được nguồn vốn từ xã hội để đầu tư những sản phẩm du lịch chất lượng, ra tấm ra món. Và như vậy, du lịch của Hà Nội vẫn mãi ở dạng tiềm năng.

Rồi tới câu chuyện, để vệ sinh môi trường thành phố xanh - sạch - đẹp, phải có sự tham gia cả cả bộ máy chính quyền cùng với bao nhiêu sở ngành khác, như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Công an, Sở Giao thông vận tải… rồi văn minh đô thị. Nếu các sở ngành ở địa phương, người dân không nhận thức đúng về trách nhiệm của mình với ngành Du lịch thì không thể có môi trường du lịch lành mạnh, hấp dẫn.

Nhận thấy điểm yếu căn bản đã tồn tại bấy lâu nay, Nghị quyết 92 đã nhấn mạnh, đồng thời đưa ra những định hướng, chỉ đạo từng bộ về sự phối hợp liên ngành liên vùng, thậm chí liên địa phương để hỗ trợ du lịch phát triển.

Khách du lịch nước ngoài mua đồ lưu niệm tại Văn miếu Quốc Tử Giám.


Vậy Hà Nội sẽ làm gì để Nghị quyết 92 nhanh chóng đi vào cuộc sống?

Ông Mai Tiến Dũng: Trước hết, chúng tôi sẽ phổ biến rộng rãi nội dung Nghị quyết tới các DN, sở ngành liên quan của Hà Nội.

Tiếp đó, trên cơ sở những gì Chính phủ giao cụ thể cho từng bộ, ngành, chắc chắn TP cũng sẽ có chỉ đạo cho các sở ngành, ngành Du lịch xây dựng chương trình hành động triển khai Nghị quyết 92 trên địa bàn Thủ đô.

Chúng tôi kỳ vọng Nghị quyết 92 sẽ có những tác động tích cực đến nhận thức của lãnh đạo TP, người dân Hà Nội về du lịch. Bởi nếu chỉ bản thân ngành Du lịch không thể tự phát triển, mà cần sự vào cuộc của cả xã hội và bộ máy chính quyền, đảng bộ, bộ ngành, địa phương. Qua đó, DN du lịch sẽ được nhiều hỗ trợ về chính sách, về thuế, chi phí thị thực cho một số thị trường trọng điểm, phát triển nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến du lịch.