Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả tận dụng EVFTA và các FTA khác
Sau 4 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại những kết quả nổi bật, tác động tích cực tới hoạt động thương mại, đầu tư của Việt Nam với EU. Đặc biệt đã tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này.
Đóng góp quan trọng vào kết quả đó có công tác hỗ trợ thực thi, tận dụng Hiệp định, thể hiện đa dạng qua nhiều hoạt động như: Tuyên truyền phổ biến về Hiệp định; hướng dẫn thực hiện các cam kết; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhân lực hiểu về EVFTA; kết nối hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đầu tư với các đối tác EU…
Ngay sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực vào ngày 01 tháng 8 năm 2020 thì ngày 06 tháng 8 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1201/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA.
Kế hoạch xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện Hiệp định với lộ trình cụ thể.
Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện doanh nghiệp triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA.
Tiếp theo Kế hoạch của Chính phủ, tại Quyết định số 2091/QĐ-BCT ngày 06 tháng 8 năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ Công Thương. Trong đó xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu thực hiện từ tháng 8 năm 2020 đến năm 2025.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng triển khai nhiều giải pháp thực thi các Kế hoạch này.
Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về EVFTA, thời gian qua Bộ Công Thương đã trực tiếp tổ chức và phối hợp tổ chức hàng trăm hội thảo, tọa đàm, tập huấn chuyên sâu.
Thông qua các hoạt động phổ biến và giải thích đầy đủ, cặn kẽ về Hiệp định EVFTA tới các đối tượng quan tâm. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân nắm được nội dung cam kết của Hiệp định EVFTA và cách thức thực thi cam kết Hiệp định trong từng lĩnh vực.
Hàng năm, Bộ Công Thương cũng tổ chức Hội nghị thường niên đánh giá tình hình thực thi các FTA thế hệ mới, trong đó có EVFTA. Mục đích nhằm trao đổi các vấn đề vướng mắc, thống nhất định hướng phối hợp đồng bộ với các cơ quan, tỉnh, thành phố về cách thức nâng cao hiệu quả thực thi các FTA.
Song song với các hoạt động tuyên truyền, Bộ Công Thương chú trọng phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức các khóa bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về các FTA nói chung, Hiệp định EVFTA nói riêng cho các đối tượng liên quan.
Xác định đây là một nội dung quan trọng, từ năm 2023 Bộ Công Thương đã tổ chức các khóa đào tạo cơ bản và chuyên sâu để trở thành chuyên gia FTA, trong đó có Hiệp định EVFTA. Các khóa đào tạo được tổ chức tại cả ba miền thu hút sự quan tâm tham gia tích cực của nhiều lượt cán bộ phụ trách công tác hội nhập, thực thi FTA của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Về chính sách, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định EVFTA và các FTA khác, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành các chính sách hỗ trợ được lồng ghép trong các chính sách chung. Có thể kể đến như: chương trình tín dụng ưu tiên cho các doanh nghiệp xuất khẩu; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ sản xuất; các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm với thị trường EU…
Có thể nói, công tác hỗ trợ đã góp phần quan trọng giúp quá trình thực thi và tận dụng Hiệp định EVFTA gặt hái được những kết quả tích cực ban đầu.
Một khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2022 cho biết: Gần 94% doanh nghiệp được hỏi biết về Hiệp định EVFTA ở những mức độ khác nhau. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức độ hiểu biết về các FTA khác. Số doanh nghiệp cho biết đã được hưởng lợi từ EVFTA cũng cao hơn so với các FTA khác.
Tuy nhiên, vẫn còn những điểm hạn chế trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thực thi Hiệp định EVFTA và các FTA khác.
Mặc dù các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực vẫn được triển khai nhưng phần lớn trong khuôn khổ chính sách phát triển chung, không phải dành riêng cho việc thực thi FTA. Điều này dẫn đến hoạt động hỗ trợ mang tính dàn trải, chưa tập trung vào các lĩnh vực hoặc ngành hàng thế mạnh và có cơ hội tiếp cận từ thị trường các FTA.
Các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các FTA chưa phát huy được hiệu quả tối đa để đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Các hoạt động xúc tiến thương mại, cập nhật thông tin cũng như kết nối thương mại tại thị trường EVFTA và các FTA khác dù được đẩy mạnh nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu của doanh nghiệp...
Bước sang năm thứ 5 thực thi, Hiệp định EVFTA dự báo sẽ còn mang tới những lợi ích lớn hơn cho doanh nghiệp, hàng hóa của Việt Nam, bởi lộ trình cam kết sâu hơn, rộng hơn.
Thực tế này cho thấy, cần thiết phải xây dựng chương trình hỗ trợ dành riêng cho các doanh nghiệp, ngành hàng tận dụng các FTA, trong đó có EVFTA.
Với cách tiếp cận này, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội xây dựng một hệ sinh thái tận dụng FTA.
Với những sự đổi mới theo hướng trọng tâm, trọng điểm hơn, hy vọng rằng công tác hỗ trợ doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao hiệu quả tận dụng các ưu đãi của Hiệp định EVFTA. Từ đó khai thác tối đa các cơ hội và hạn chế tối thiểu các thách thức của Hiệp định EVFTA trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.