TÓM TẮT:
Bài báo nghiên cứu tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm thiên nhiên kết hợp văn hóa cộng đồng tại miền núi Quảng Bình, tập trung vào dân tộc Bru - Vân Kiều và Chứt. Nghiên cứu đề xuất 6 sản phẩm du lịch và 1 mô hình làng du lịch cộng đồng, kết hợp bảo tồn văn hóa, bảo vệ thiên nhiên và phát triển kinh tế bền vững. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về hạ tầng, chính sách và quản lý được đưa ra nhằm mở ra hướng phát triển du lịch mới cho khu vực.
Từ khóa: sản phẩm du lịch, trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa cộng đồng, dân tộc Chứt, dân tộc Bru - Vân Kiều.
1. Đặt vấn đề
Miền núi phía Tây tỉnh Quảng Bình có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và hệ sinh thái đa dạng có giá trị ngoại hạng. Quảng Bình có 2 dân tộc thiểu số chính là Bru Vân Kiều với các tộc người Vân Kiều, Trì, Khùa, Macoong và dân tộc Chứt với các tộc người Sách, Rục, Mày, Arem, Mã Liềng cư trú chủ yếu ở miền núi phía Tây1. Đến nay, các dân tộc này vẫn còn lưu giữ có những giá trị độc đáo và hấp dẫn, là nguồn tài nguyên quý báu để tạo nên sự khác biệt cho các SPDL mới. Việc tích hợp TNTT với văn hóa bản địa không chỉ làm phong phú thêm hành trình của du khách, mà còn mang lại một luồng sinh khí mới, thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững cho vùng miền núi, biên giới phía Tây của tỉnh.
2. Cơ sở lí luận
2.1. Các khái niệm liên quan đến du lịch trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa cộng đồng
Tài nguyên văn hóa: Theo Luật Du lịch Việt Nam 2017, “Tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch”.
Sản phẩm du lịch: theo khoản 5 Điều 3 Luật Du lịch 2017, SPDL được giải thích như sau: “SPDL là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch để thoả mãn nhu cầu của khách tham quan”.
Du lịch TNTN gắn với văn hóa cộng đồng các DTTS là loại hình du lịch kết hợp khám phá các giá trị thiên nhiên với việc tìm hiểu, trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số tại địa phương. Đây là loại hình du lịch bền vững, nhằm bảo tồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa, đồng thời góp phần nâng cao sinh kế cho cộng đồng bản địa.
2.2 Thực trạng về khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa ở vùng miền núi, biên giới Quảng Bình
Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, trên toàn tỉnh có hơn 40 khu điểm, sản phẩm du lịch đang khai thác. Trong đó có nhiều sản phẩm gắn với đồng bào Chứt và Bru - Vân Kiều như: trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Rục ở xã Thượng Hóa, Minh Hóa; khám phá thiên nhiên Hóa Sơn - Rục Mòn với sự tham gia của người Sách ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa; Khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa bà con Bru Vân Kiều trên địa bàn huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh,... Tuy nhiên, các sản phẩm này chưa mang đậm nét trong khai thác tài nguyên nhân văn, câu chuyện văn hóa bản địa và thiếu sự đa dạng hóa các trải nghiệm độc đáo, đặc trưng của từng cộng đồng. Phần lớn các hoạt động còn mang tính chất đơn điệu, tập trung vào việc tham quan, mà chưa khai thác sâu vào các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, tín ngưỡng, âm nhạc dân gian hay nghề thủ công truyền thống.
Đặc biệt, việc kết nối giữa các điểm đến để tạo thành chuỗi hành trình trải nghiệm trọn vẹn vẫn còn hạn chế. Nhiều sản phẩm du lịch chưa được đầu tư đầy đủ về hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ và nguồn nhân lực bản địa được đào tạo bài bản để làm du lịch. Điều này dẫn đến việc các sản phẩm dù hấp dẫn nhưng chưa thực sự tạo được dấu ấn khác biệt, bền vững và chưa khai thác hết tiềm năng của đồng bào Chứt và Bru - Vân Kiều trong việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa bản địa.
3. Phương pháp nghiên cứu
- Thu thập số liệu thứ cấp: từ các tài liệu sẵn có như báo cáo từ các sở, ngành, báo chí, niên giám thống kê, tài liệu về tự nhiên, kinh tế - xã hội, phát triển du lịch và dân tộc thiểu số (DTTS).
- Tham vấn chuyên gia: lấy ý kiến từ các chuyên gia du lịch, văn hóa, bảo tồn qua phỏng vấn và hội thảo khoa học để hoàn thiện nghiên cứu.
- Thu thập số liệu sơ cấp: xây dựng bảng hỏi tập trung vào văn hóa, thiên nhiên, sản xuất và dịch vụ du lịch để khảo sát.
- Chọn mẫu: điều tra 10% dân số DTTS tại 15 xã thuộc các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Minh Hóa, Tuyên Hóa với 289 mẫu cá nhân và 75 mẫu tổ chức.
- Phỏng vấn: sử dụng bảng hỏi để phỏng vấn người dân và tổ chức địa phương, kết hợp phương pháp định tính và định lượng.
- Khảo sát thực địa: ghi nhận hiện trạng cảnh quan bằng GPS, drone, máy ảnh, thu thập dữ liệu về thảm phủ, thủy văn, thổ nhưỡng và đa dạng sinh học.
- Phân tích và xử lý số liệu: sử dụng phần mềm chuyên dụng để xử lý và tổng hợp số liệu thực địa.
- Công nghệ GIS: xây dựng bản đồ không gian và dữ liệu thuộc tính, xác định sản phẩm du lịch phù hợp.
- Phân tích SWOT: đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trong phát triển du lịch gắn thiên nhiên và văn hóa.
- Học tập kinh nghiệm: áp dụng bài học từ Kon Tum và Đắk Lắk trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa DTTS để đưa ra giải pháp cho Quảng Bình.
4. Kết quả và thảo luận
4.1. Đánh giá những giá trị nổi bật và tiềm năng của khu vực miền núi và cộng đồng dân tộc thiếu số ở Quảng Bình
4.1.1. Về tự nhiên
Địa hình đa dạng và phức tạp: với 3 dạng địa hình chính (núi cao, núi trung bình, núi thấp), khu vực này có những đỉnh núi nổi bật như Phu Co Pi, Co Ta Run và Ba Rền. Đặc điểm địa chất - địa mạo độc đáo, có giá trị ngoại hạng: có các dạng địa hình karst phức tạp với núi đá, hang động và sông ngầm mang giá trị ngoại hạng về địa chất, địa mạo. Hệ sinh thái rừng nhiệt đới nguyên sinh phong phú: với diện tích rừng tự nhiên lớn, độ che phủ đạt 68,7%, khu vực này bảo tồn nhiều loài động, thực vật quý hiếm và hệ sinh thái đa dạng. Đa dạng sinh học trọng điểm: là nơi sinh sống của nhiều loài thú quý hiếm, khu vực này thuộc vùng bảo tồn quan trọng toàn cầu, góp phần phát triển du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học. Hệ thống thủy văn phong phú: các sông ngầm, suối và thác nước đặc biệt như sông Son, sông Gianh cùng hệ thống thủy văn karst tạo nên sự hấp dẫn hiếm có. Khí hậu phân hóa rõ rệt: khí hậu nhiệt đới gió mùa, phân hóa theo mùa, theo độ cao, tạo điều kiện lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng và TNTN. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ: kết hợp giữa núi rừng nguyên sinh, hang động kỳ vĩ và các dòng sông, suối thơ mộng, nơi đây thu hút đông đảo du khách.
4.1.2. Về văn hóa
Cộng đồng dân tộc thiểu số phong phú và đa dạng: Quảng Bình có 33 dân tộc trong đó có hai dân tộc chính là Bru - Vân Kiều và Chứt phân bố ở khu vực miền núi dọc theo sườn đông của dãy Trường Sơn, thuộc phía Tây Quảng Bình trên một vùng diện tích khoảng 3.845 km2. Địa bàn cư trú đặc trưng: Địa bàn cư trú của cộng đồng dân tộc thiểu số phân bố chủ yếu ở dọc các thung lũng sông suối nhỏ hẹp, địa hình hiểm trở. Người Bru - Vân Kiều sống tập trung chủ yếu tại các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy. Người Chứt sống tập trung chủ yếu tại huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa và xã Tân Trạch huyện Bố Trạch gần biên giới với Lào. (Hình 1)
Tín ngưỡng và phong tục độc đáo: Tín ngưỡng đa thần, văn hóa biết ơn là nét đặc sắc trong phong tục, tập quán. Các nghi lễ độc đáo như sinh đẻ, đặt tên, lễ bỏ của, lễ cưới, lễ cầu an, tang lễ, bỏ mả,… Tiêu biểu có lễ đập trống của người Ma-Coong ở xã Thượng Trạch, lễ trỉa hạt của người Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn, lễ buộc chỉ tay, lễ cầu mùa, lễ cúng cơm mới và nghi lễ cưới hỏi, ma chay,… phản ánh đời sống tâm linh phong phú và sự gắn bó với thiên nhiên. Tín ngưỡng đa thần và các nghi thức thành kính trước khi khai thác tài nguyên góp phần bảo vệ cân bằng sinh thái. Không gian sống đặc thù: phản ánh tri thức và kinh nghiệm bản địa tích lũy qua nhiều thế hệ, được chia thành ba khu vực: cư trú, tâm linh và sinh kế. Khu vực cư trú là nơi ở và làm nhà, khu vực tâm linh gồm rừng ma (nghĩa địa) và rừng thiêng (nơi thờ cúng), còn khu vực sinh kế là nơi sản xuất, khai thác. Khu vực tâm linh ít thay đổi nhờ tín ngưỡng sâu sắc, thường trở thành vùng bảo tồn tự nhiên do cấm khai thác. Người dân trả lại sự tự nhiên cho rừng sau các nghi lễ, giữ cảnh quan hoang sơ. Trong khi đó, khu vực cư trú và sinh kế thay đổi nhiều theo tập quán sản xuất và khả năng thích nghi với thiên nhiên. Kiến trúc nhà ở đặc trưng vùng miền núi, đậm nét truyền thống: nhà sàn là nét độc đáo, riêng biệt của người DTTS. Nguyên liệu truyền thống tại chỗ thường là gỗ, tranh, tre, lá, thân thiện với môi trường. Người Rục và người Arem trước kia thường cư trú trong hang đá, mái đá để duy trì đời sống hoang dã và gắn kết với thiên nhiên. Văn nghệ dân gian độc đáo, giàu bản sắc: các nhạc cụ khá đa dạng gồm bộ dây (như đàn tờ lử, đàn một dây), bộ gõ (như trống, chiêng,…) bộ hơi (như sáo, tù và, khèn lá, khèn môi,…). Các làn điệu dân ca, hát ru, hát giao duyên và các nghi thức tín ngưỡng được lồng ghép vào sinh hoạt hàng ngày, phản ánh nhịp sống yên bình và sự kết nối với thiên nhiên. Văn hóa, văn nghệ dân gian của người DTTS gắn liền với tín ngưỡng và vòng đời. Ẩm thực địa phương phong phú, đặc sắc: thực đơn các món ăn phong phú dùng cho ngày thường và nghi lễ. Ẩm thực trong các nghi lễ mang tính linh thiêng, trong khi các món thường ngày thể hiện sự hòa hợp với môi trường sống. Phương pháp chế biến đa dạng từ ăn gỏi sống, lên men tự nhiên, hấp luộc nhanh, nướng than đơn giản đến chế biến cầu kì như giã nát, hầm ninh nhừ tuỳ mùa, tuỳ hoàn cảnh chế biến cho phù hợp với điều kiện sinh hoạt, sản xuất hay lễ hội. Sự đặc biệt của ẩm thực đồng bào là sử dụng tính năng các loài lá, cây, quả, rễ rừng để cân bằng, hài hoà hương vị, dinh dưỡng tạo sự hấp dẫn, thú vị. Người dân tộc thiểu số ở Quảng Bình mang nét đẹp hồn hậu, mộc mạc, tựa như chính vùng rừng núi hoang sơ mà họ gắn bó. Họ chính là linh hồn của vùng rừng núi, là những người giữ gìn nhịp sống chậm rãi, sâu lắng, làm nên bản sắc độc đáo không thể thay thế của nơi đây.
4.2. Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với văn hóa dân tộc thiểu số
Dựa trên khảo sát thực địa và đánh giá tài nguyên du lịch tại 120 thôn/bản của 16 xã vùng DTTS, miền núi Quảng Bình, có 24 thôn/bản sở hữu tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đa dạng, phù hợp phát triển du lịch. Nhóm nghiên cứu đề xuất 06 sản phẩm du lịch và 01 mô hình làng du lịch cộng đồng, kết hợp trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa lịch sử của các dân tộc Bru - Vân Kiều (Vân Kiều, Macoong, Trì, Khùa) và dân tộc Chứt (Sách, Mày, Rục, Arem, Mã Liềng). Đây là cơ sở kêu gọi đầu tư, đáp ứng nhu cầu khám phá văn hóa, ẩm thực truyền thống của du khách tại Quảng Bình, bao gồm các sản phẩm sau: Môt là, “Thiên nhiên, văn hóa đồng bào Khùa - Mày bên dãy núi Giăng Màn, những khám phá mới lạ” ở Minh Hóa ; Hai là, “Hành trình khám phá Đường thuộc địa - Không trung thiết lộ và trải nghiệm văn hóa tộc người Mã-liềng” ở Tuyên Hóa ; Ba là, “Khám phá thiên nhiên hùng vỹ giữa lòng di sản và trải nghiệm văn hóa tộc người Arem” ở Bố Trạch ; Bốn là, “Hành trình về với con đường tuổi 20 và trải nghiệm văn hóa tộc người Ma-Coong” ở Bố Trạch ; Năm là, “Khám phá thiên nhiên thượng nguồn Long Đại và trải nghiệm văn hóa tộc người Vân Kiều ở Trường Sơn” ; Sáu là, “Trải nghiệm thiên nhiên và văn hoá con người dân tộc Bru - Vân Kiều ở bản Bạch Đàn xã Lâm Thuỷ huyện Lệ Thủy” ; Bảy là, “Làng du lịch cộng đồng bản Rào Con” ở Thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch. Các sản phẩm du lịch mới tập trung khai thác thế mạnh về thiên nhiên, bảo vệ rừng, cảnh quan truyền thống và giá trị văn hóa bản địa, như phong tục, nghề truyền thống, văn hóa dân gian, ẩm thực, và hoạt động cộng đồng. Các SPDL được đề xuất dựa trên khảo sát thực tế, phù hợp với quy hoạch du lịch tỉnh, đáp ứng mong muốn của chính quyền và cộng đồng địa phương, nhằm bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Nghiên cứu phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của SPDL để đưa ra giải pháp về quy hoạch hạ tầng, chính sách hỗ trợ, quản lý, đào tạo nhân lực và quảng bá du lịch. Đặc biệt, chú trọng tháo gỡ khó khăn về hạ tầng, thủ tục hành chính, quyền sở hữu đất đai, và cơ chế quản lý vùng biên giới. Vai trò doanh nghiệp được đề cao trong việc hợp tác phát triển, xây dựng mô hình du lịch bền vững trên cơ sở bảo tồn giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc.
5. Kết luận
Phát triển các SPDL TNTN kết hợp với văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số không chỉ đáp ứng nhu cầu khám phá của du khách, mà còn ‘‘gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp với bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống các nét văn hóa độc đáo của các tộc người, hình thành các điểm du lịch văn hóa tộc người’’2, bảo vệ môi trường và nâng cao sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương. Sự gắn kết giữa các giá trị văn hóa nguyên bản và các di sản thiên nhiên đang mở ra một hướng đi mới, đầy tiềm năng và triển vọng.
Bài báo là sản phẩm của đề tài cấp tỉnh: “Nghiên cứu và đề xuất phát triển các sản du lịch trải nghiệm thiên nhiên gắn với văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”, do Ban Quản lí Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chủ trì.
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:
- Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình (2019). Kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Truy cập tại https://bdt.quangbinh.gov.vn/3cms
- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình (2020). Chương trình Hành động số 01-Ctr/TU ngày 9/12/2020 về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2025.
Developing nature-based tourism products integrating ethnic minority culture in Quang Binh province
Master Pham Hong Thai1
Master Hoang Hai Van1
Master Vo Van Tri1
Mai Thi Thuy1
Master Nguyen Quoc Hung1
Nguyen Ngoc Giau1
Master Cao Thi Thanh Thuy2
1The Management Board of Phong Nha - Ke Bang National Park
2Quang Binh University
Abstract:
This study examines the potential of nature-based tourism integrated with community culture in the mountainous areas of Quang Binh, focusing on the Bru-Van Kieu and Chut ethnic groups. The study proposes six innovative tourism products and a community village model that aim to balance cultural preservation, ecological protection, and sustainable economic development. To support the successful implementation of these initiatives, the study offers practical solutions addressing critical challenges related to infrastructure, policy frameworks, and tourism management. The findings aim to contribute to the development of a resilient and inclusive tourism model that benefits both the local communities and the broader regional economy while preserving cultural and environmental integrity.
Keywords: tourism products, nature-based tourism, community culture, Chut ethnic group, Bru - Van Kieu ethnic group.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2024]