Ngọc Động - những tư duy "vượt khỏi luỹ tre làng"

Từ một tổ hợp sinh ra vào đầu thời kỳ xoá bỏ quan liêu bao cấp, chỉ với một nhóm người chung nhau làm gọi là để giải quyết công ăn việc làm, nhưng nhờ có những đột phá trong suy nghĩ, và những phương

Thoát thai từ làng nghề đang bên bờ vực thẳm
Làng nghề truyền thống mây tre đan Ngọc Động trong những năm bao cấp đã nổi tiếng khắp huyện Duy Tiên, với việc nuôi sống 6 - 700 lao động và vài nghìn nhân khẩu ăn theo. Nhưng thời đó làng nghề sản xuất với phương thức nhận kế hoạch trên giao, và Nhà nước bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Đó là một thời huy hoàng của làng nghề, với việc sản phẩm đã có mặt ở khắp các nước Đông Âu. Cho đến khoảng năm 1989, khi cơ chế quan liêu bao cấp thực sự bị xoá bỏ, thì làng nghề cũng bị đẩy đến bên bờ vực thẳm. Hết kế hoạch trên giao, không quen với việc tự đi tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, làng nghề nháo nhác, mạnh ai nấy đi kiếm việc làm để lấy kế mưu sinh. Trong hoàn cảnh đó, một nhóm gồm 5 - 6 người chung nhau mở một tổ hợp, cũng chỉ là nhen nhóm lên đốm lửa nhỏ trong làng nghề. Trải qua bao khó khăn của những buổi ban đầu, đến nay tổ hợp đã thành một công ty lớn, lấy tên là Ngọc Động Hà Nam. Anh Nguyễn Xuân Mai - Giám đốc công ty nhớ lại, ban đầu tổ hợp do cha anh cùng mấy cụ hưu trí kết hợp với nhau, làm lụng vất vả mà hiệu quả lại không cao. Phải thay đổi cách nghĩ, đi tìm thị trường mới, thoát ra khỏi thị trường truyền thống bấy lâu nay.
Nghĩ vậy và anh đã làm vậy, anh đã xin thôi việc Nhà nước, quyết tâm về vực dậy làng nghề. Ngày đó bất cứ ai làm việc gì cũng phải thông qua những khâu hành chính trung gian, từ xã cho đến huyện... rất bất cập. Với quyết tâm cao, anh không ngần ngại bỏ qua các khâu trung gian đó. Số là trong những năm công tác trước đó, anh có cơ hội quen biết một số cán bộ ở Tổng công ty Mây tre đan xuất khẩu, vậy là anh có điều kiện làm thẳng với Tổng công ty. Vì thế thị trường Đài Loan đã được mở, Tổ hợp có cơ để phát triển. Lập tức anh vấp phải sự phản ứng ở địa phương. Nhiều ý kiến khăng khăng rằng, việc đó chỉ HTX mới có quyền làm (lúc đó HTX vẫn còn trên danh nghĩa), hơn nữa anh Mai lại là đảng viên thì không được làm kinh tế tư nhân, rằng như vậy là bóc lột v.v... Mặc cho những ý kiến đó gây cho anh không biết bao điều phiền phức, trong anh chỉ có quyết tâm cao - cứ làm để vực dậy cho được một làng nghề, cũng rất may anh được một số người có tư tưởng tiến bộ ở địa phương hậu thuẫn. Vì vậy, sau thị trường Đài Loan, rồi đến thị trường Nhật bản được mở, làng nghề đã nâng từ 3 tháng có việc làm/năm, lên 6 tháng.
Nhưng thị trường mới hoàn toàn không đơn giản chút nào. Trước đây người dân làng nghề chỉ biết làm, mà không cần biết đến những đòi hỏi khắt khe về sản phẩm. Thị trường mới, khách hàng mới có những quy định về tiêu chuẩn rất rõ ràng, mà trong đó là tính chính xác của sản phẩm rất cao. Người Nhật vốn tính cẩn thận, đã cho anh bài học đầu tiên về vệ sinh công nghiệp. Trong một lô hàng xuất sang Nhật, chẳng may khách hàng đụng vào sản phẩm bị đứt tay. Vị khách hàng đó liền lấy bông thấm máu ở tay mình, cho vào phong bì thư, gửi cho anh Mai. Vậy là anh hiểu ngay, cho dù anh có làm đẹp và đúng tiêu chuẩn, nhưng đã khiến cho khách hàng bị sự cố khi sử dụng sản phẩm của anh. Khách hàng EU thì lại có yêu cầu sản phẩm phải tạo ra màu đẹp, mùi thơm...

Đến đầu tư công nghệ vào sản xuất
Để đáp ứng những yêu cầu cao của khách hàng, việc làm có tính chất sống còn là đầu tư công nghệ. Vì vậy, Tổ hợp phải cho làm các loại khuôn cốt để đan sản phẩm cho đạt độ chính xác cao, ban đầu là làm bằng gỗ, sau đó khuôn cốt được đúc bằng xi măng. Rồi đến máy chẻ và vót nan được mua về để cho sản phẩm được nuột nà, tránh được những cạnh sắc không đáng có của nan tre. Rồi những chiếc máy sấy nguyên liệu, nồi hơi, nồi luộc để nhuộm màu, lò hấp tạo carbon ở nhiệt độ cao giúp sản phẩm vừa cứng, vừa có màu nâu quyến rũ. Với những công nghệ này, những loại nguyên liệu rất tầm thường như: cây bèo tây (lục bình), bẹ và dọc tàu lá chuối ... cũng có thể trở thành các vật dụng, mà tưởng như chỉ có mây, tre mới làm được. Công ty còn đang đầu tư một dây chuyền làm sản phẩm tre công nghiệp. Anh mai cho biết, với công nghệ này, từ những tấm phên đan bằng tre, qua các công đoạn ép, sấy cao tần sẽ cho ra những tấm nguyên liệu để làm ván sàn, làm mặt ghế, mặt bàn... Hiện nay Công ty đã có hợp đồng sản xuất ghế tàu điện ngầm xuất khẩu bằng thứ nguyên liệu này.
Ngoài những sản phẩm truyền thống bằng mây, tre, Công ty còn có một loại sản phẩm độc quyền, được gọi là mây xiên. Bằng cách đan xiên các sợi mây liên kết với các nan giang, công nghệ đan này đã cho loại sản phẩm có kết cấu bền vững rất cao, không biến dạng ở mọi điều kiện thời tiết khác nhau. Từ mây xiên, Công ty đã sản xuất ra những chiếc giỏ, va ly, khay, đĩa... thậm chí cả những chiếc thạp lớn với độ cứng tuyệt vời, có thể ngồi lên mà không bẹp, đập xuống nền nhà mà không méo. Có điều loại sản phẩm này chỉ nghệ nhân hoặc chí ít phải là thợ tay nghề cao mới đan nổi.

Và chiến lược phát triển nguồn nhân lực
Thị trường mở rộng, sản xuất phát triển thì vấn đề nhân lực là sự sống còn của doanh nghiệp. Chính vì vậy, Công ty đã vượt ra khỏi hình thức sản xuất của một làng nghề, để tạo ra những vệ tinh cho mình ở những huyện, những tỉnh khác. Đây là việc làm mang tầm chiến lược cao, bắt đầu từ việc dạy nghề và sau đó là bán nguyên liệu, mua sản phẩm. Để làm được việc này, Công ty đã liên kết với chính quyền các địa phương, các tỉnh bạn, tổ chức các lớp dạy nghề cho người lao động trong khuôn khổ của những dự án xoá đói giảm nghèo. Nét độc đáo ở đây là, người học nghề không những không phải nộp học phí, mà còn được hưởng lương với mức từ 300 - 400.000 đồng/người/tháng. Hơn nữa, khi đã học nghề xong, người lao động có ngay công ăn việc làm bằng cách sản xuất hàng cho chính Công ty. Để người lao động có trách nhiệm cao với sản phẩm của mình, Công ty áp dụng phương thức bán nguyên liệu đã được chế biến cho người lao động, sau đó thu mua toàn bộ sản phẩm thô theo đơn đặt hàng. Người lao động sẽ được hưởng thành quả bằng chính khả năng của mình. Như vậy đã tạo nên mối quan hệ tương tác một cách bền vững.
Đối với người lao động, việc thanh toán tiền một cách hợp lý và đúng lúc là rất quan trọng. Đặc thù của công việc này là người làm công đều ở các làng quê. Dựa vào đặc điểm này, Công ty đã thiết lập một phương thức thanh toán hết sức khoa học. Đó là, giá công không phân biệt, nếu ở xa thì được cộng thêm tiền công vận chuyển. Sau khi giao nhập hàng xong, người lao động được thanh toán ngay 60% tổng giá trị sản phẩm, số còn lại Công ty sẽ thanh toán nốt vào ngày 15 tháng sau. Sử dụng đồng tiền đúng lúc cũng là phương pháp gắn người lao động với doanh nghiệp. Chính vì vậy, Công ty có chính sách thanh toán riêng trong các thời điểm nhạy cảm như: lễ tết, thi cử, nhập học, giỗ chạp... Vào những thời điểm đó, người lao động sẽ được thanh toán toàn bộ tiền công một lúc, hoặc thậm chí còn được ứng trước tiền công nếu thực sự có khó khăn.
Chính nhờ những đột phá về tư duy, và phương pháp quản lý khoa học, nên từ một tổ hợp nhỏ nhoi ban đầu, cơ sở này đã vươn lên thành một công ty lớn trong làng mây tre đan xuất khẩu Việt Nam. Đến nay, Công ty đã có trong tay một cơ ngơi với 22.000 m2 nhà xưởng, tài sản cố định xấp xỉ 5 tỷ đồng, vốn lưu động khoảng 10 tỷ đồng và 65 vệ tinh ở các địa phương kéo từ Vĩnh Phúc, Hà Tây cho đến Huế. Sản phẩm của Công ty đã vươn ra những thị trường lớn như: Nhật Bản, Đài Loan, thị trường EU và mới đây đã nhen nhóm sang thị trường Mỹ, với doanh số năm 2004 dự kiến đạt trên 30 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động, trong đó có tới 17.000 lao động thường xuyên, với thu nhập từ 500.000 đến 1 triệu đồng/người/tháng. Bằng cái đà này, chắc chắn Công ty sẽ càng lớn mạnh trong những năm tới.

  • Tags: