Người bảo vệ tin cậy của môi trường ngành công nghiệp

Trong khuôn viên của Viện Nghiên cứu Mỏ và Luyện kim, chiếm toàn bộ tầng 6, ấy là “đại bản doanh’’ của Trung tâm Môi trường Công nghiệp. Lặng lẽ và âm thầm, đã hơn 9 năm qua, 13 cán bộ của Trung tâm h

 

Đó là cách nói vắn tắt nhất mà mỗi cán bộ thuộc Trung tâm đều trả lời, mỗi khi có ai hỏi họ công việc của họ là gì. Nhưng thực tế, công việc của họ không đơn giản và ngắn gọn như vậy. Trung tâm Môi trường Công nghiệp thuộc Viện nghiên cứu Mỏ và Luyện kim ra đời theo Quyết định số 3281/QĐ - TCCB ngày 29/10/1996 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, với chức năng tư vấn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường, tiến hành các nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải, xây dựng, thẩm định và chuyển giao công nghệ các dự án khả thi trong xử lý chất thải công nghiệp. Đồng thời, Trung tâm cũng tiến hành các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước... Ngoài ra, Trung tâm còn có nhiệm vụ chế tạo và lắp đặt thiết bị xử lý chất thải công nghiệp để thông tin, dự báo và áp dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực môi trường công nghiệp...

Dường như Ban Giám đốc Trung tâm hơi “liều’’ khi chỉ dùng vẻn vẹn 13 cán bộ để đối phó với cả một “núi’’ công việc đó? Song, thật đáng mừng, ngoài số cán bộ kỹ thuật nói trên, Trung tâm còn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của đội ngũ hơn 200 kỹ sư, tiến sĩ của Viện nghiên cứu Mỏ và Luyện kim thuộc các ngành Địa chất, Khai thác mỏ, Luyện kim, Hoá chất, Cơ điện, Tin học, Kiến trúc xây dựng, Năng lượng... Chưa hết, họ còn có cả một sự “hậu thuẫn’’ hùng mạnh bao gồm các phòng thí nghiệm với nhiều chủng loại, dụng cụ hiện đại, đa chức năng dùng cho nghiên cứu công nghệ và phân tích  thành phần của đất, nước, không khí ... do các hãng nổi tiếng của Mỹ, Canađa, Hà Lan... chế tạo như máy đo BOD, máy định vị toàn cầu GPS, máy phân tích quang phổ, máy đo PH, DO, độ đục, bụi... Ngoài các thiết bị này, Trung tâm còn nhận được sự phối hợp của phòng thí nghiệm Công nghệ Mỏ, phòng thí nghiệm Công nghệ tuyển khoáng v.v... của Viện Nghiên cứu Mỏ và Luyện kim. Tận dụng, khai thác triệt để sự hỗ trợ này, hơn 9 năm qua, Trung tâm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và hoạt động của Trung tâm đã góp phần quan trọng vào việc làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường của ngành Công nghiệp.

Các cán bộ của Trung tâm không dấu nổi tự hào khi kể về những thành công trong hoạt động hợp tác thực hiện các dự án với nước ngoài. Đó là 2 Dự án mang tên “Bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ ở Việt Nam’’ giai đoạn 1997 - 1998 và “Tăng cường bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ và các ngành liên quan ở Việt Nam’’ giai đoạn 2000 – 2003 mà tổ chức SIDA của Thuỵ Điển, sau khi tham khảo rất nhiều đơn vị khác, đã quyết định chọn Trung tâm làm đơn vị chủ trì thực hiện. Điều đáng mừng là cả hai dự án này đều được các cơ quan quản lý của Việt Nam và Thụy Điển đánh giá cao và đang xây dựng các hoạt động của dự án tiếp theo. Dự án “Tăng cường bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ và các ngành liên quan ở Việt Nam’’ được phía Thụy Điển hỗ trợ thực hiện và giám sát với tổng số tiền là 8 triệu curon. Với mục tiêu tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, quan trắc và quản lý có liên quan đến việc bảo vệ môi trường trong ngành khai thác mỏ và các hoạt động có liên quan, đồng thời, cải thiện sự hợp tác giữa các trung tâm môi trường trong Bộ Công nghiệp, đề xuất kế hoạch phát triển bền vững trong ngành khai thác mỏ và các hoạt động có liên quan, Dự án đã thiết lập được một mạng lưới trang bị có chức năng kiểm soát môi trường trong ngành khai thác mỏ và các hoạt động có liên quan, tiến tới xây dựng một chiến lược phát triển bền vững ngành khai thác mỏ. Dự án cũng đã phác thảo các kế hoạch hành động kiểm toán về quản lý môi trường của mỏ pyrit Giáp Lai và Nhà máy Super phosphat và hoá chất Lâm Thao.

Gần đây nhất là dự án hợp tác với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Hàn Quốc đã được Bộ Công nghiệp phê chuẩn ngày 15/2/2005. Trong Dự án này, Trung tâm sẽ phối hợp với Trung tâm bảo vệ môi trường và An toàn hoá chất trực thuộc Công ty Thiết kế công nghiệp hoá chất và Phòng Môi trường Viện Khoa học công nghệ Mỏ thực hiện theo cơ chế hợp tác ENVIRONET (mạng lưới môi trường). Đây là một cơ hội nữa để các cán bộ Trung tâm được dịp học hỏi những kinh nghiệm trong công tác môi trường của nước bạn Hàn Quốc, từ đó, sẽ nghiên cứu, ứng dụng để cải thiện môi trường của Việt Nam.

Gần 10 năm qua, tuy chưa phải là dài, nhưng Trung tâm đã “kịp’’ hoàn thành 11 đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ và đánh giá tác động môi trường cho 21 dự án, công trình như: Dự án khai thác mỏ Antimon Mậu Duệ, Mỏ đá quý Khe Mét (Nghệ An), Công ty Kim loại mầu Nghệ Tĩnh, Dự án tổ hợp khai thác, tuyển và luyện Đồng Sin Quyền (Lào Cai), Dự án khai thác vàng Sông Hiếu (liên doanh giữa Công ty PTKS 4 và Trung Quốc).v.v... Đằng sau những con số này, vẫn là những băn khoăn, trăn trở của các nhà khoa học chỉ biết hết mình vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học mà vẫn chưa tìm được nguồn kinh phí để đưa những kết quả nghiên cứu đó vào thực tế sản xuất. Phải chăng, đó cũng là tâm trạng chung, tình trạng chung của hoạt động nghiên cứu khoa học chúng ta hiện nay?

Khó khăn phía trước còn nhiều, nhất là những khó khăn trong ứng dụng những nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực môi trường. Nhưng, chẳng phải, cuộc sống vẫn luôn đầy những thử thách đó sao? Trong sự nghiệp phát triển công nghiệp bền vững, các cán bộ Trung tâm Môi trường Công nghiệp Viện nghiên cứu Mỏ và Luyện kim luôn nỗ lực hết mình vượt qua mọi thử thách góp phần nhỏ của mình vào công cuộc xây dựng đất nước giàu đẹp./.

  • Tags: