Tại Dự thảo Nghị định, Chương III “Huy động và sử dụng nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”, gồm có 4 điều (từ Điều 9 đến Điều 12).
Chương này có sự kế thừa một phần nội dung quy định tại Chương III (từ Điều 8 đến Điều 12) Quy chế 41; đồng thời, bổ sung một số quy định cụ thể hóa yêu cầu của Quốc hội (tại các Nghị quyết số: 120/2020/QH14; 24/2021/QH15; 25/2021/QH15) và khắc phục một số tồn tại, hạn chế rút ra từ quá trình áp dụng thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, cụ thể:
(i)Quy định cụ thể giải pháp đảm bảo huy động vốn theo từng nguồn vốn trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương, cụ thể: giải pháp đảm bảo cân đối từ ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cấp tỉnh) (tại Điều 9 dự thảo Nghị định);
Giải pháp huy động vốn lồng ghép (tại Điều 10 dự thảo Nghị định); giải pháp huy động vốn tín dụng (tại Điều 11 dự thảo Nghị định); giải pháp huy động vốn hợp pháp khác (tại Điều 12 dự thảo Nghị định).
(ii) Quy định rõ tỷ lệ bố trí vốn đối ứng từ ngân sách cấp tỉnh được xác định trên cơ sở tỷ lệ nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương (căn cứ theo dự toán thu, chi ngân sách năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định Luật Ngân sách nhà nước).
Tỷ lệ cụ thể được xây dựng trên cơ sở tỷ lệ đã được Chính phủ thông qua tại Báo cáo số 417/BC-CP ngày 09 tháng 9 năm 2020 về kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
(iii) Bổ sung quy định nguyên tắc phân bổ vốn nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch hằng năm phải dựa trên kết quả thực hiện, kết quả giải ngân nguồn vốn năm trước nhằm hướng tới việc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước gắn với kết quả đầu ra (tại khoản 2 Điều 9 dự thảo Nghị định).
(iv) Bổ sung nội dung chi đảm bảo cho một số hoạt động giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Đầu tư công năm 2019 (tại khoản 3 Điều 9 dự thảo Nghị định).
(v) Bổ sung quy định về nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn nói chung và lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng để cụ thể hóa quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 25/2021/QH14 (tại Điều 10 dự thảo Nghị định).
Cơ quan soạn thảo khẳng định, đây là nội dung mới, có tính đặc thù theo hướng mở rộng phân cấp cho cấp tỉnh trong quyết định định mức sử dụng, thủ tục thanh toán, quyết toán nguồn vốn lồng ghép để khắc phục những bất cập trong thực hiện cơ chế lồng ghép nguồn vốn ở các giai đoạn đoạn trước.
Đối với Chương IV, “Cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư có sự tham gia thực hiện của cộng đồng”, gồm có 7 điều (từ Điều 13 đến Điều 19).
Nội dung quy định của Chương này là cơ chế đặc thù, được thiết kế trên cơ sở có sự kế thừa và cơ cấu lại các nội dung quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP (Điều 2, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9).
Việc rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy định về cơ chế đặc thù trong thực hiện một số dự án đầu tư có sự tham gia thực hiện của người dân hưởng lợi cũng để cụ thể hóa yêu cầu của Quốc hội tại các Nghị quyết số: 120/2020/QH14, 24/2021/QH15, 25/2021/QH15. Trong đó:
(i) Bỏ điều kiện bắt buộc phải có “thiết kế mẫu, thiết kế điển hình” theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 161/2016/NĐ-CP trong áp dụng cơ chế đặc thù. Sửa đổi, bổ sung thành điều kiện “công trình kỹ thuật không phức tạp” và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định (tại Điều 14 dự thảo Nghị định).
Việc áp dụng thiết kế mẫu, hay thiết kế điển hình, hay thiết kế tương tự,… do địa phương quyết định nhằm đảm bảo việc áp dụng đặc thù phải phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương.
(ii) Bổ sung quy định được áp dụng cơ chế khoán định mức công trình cho cộng đồng ở thôn, bản (hoặc tương đương) tự thực hiện đối với những công trình có tổng mức đầu tư dưới 500 triệu đồng (tại khoản 4 Điều 13; điểm c khoản 3 Điều 15; khoản 4 Điều 17; điểm c khoản 4 Điều 18).
Nội dung bổ sung này là cụ thể hóa và mở rộng hơn trong thực hiện giải pháp thí điểm khoán định mức công trình đã thực hiện thành công ở một số địa phương trong giai đoạn 2016-2020 (cụ thể mô hình chính quyền hỗ trợ xi măng, người dân đóng góp ngày công, nguyên vật liệu khác để thực hiện công trình đường giao thông thông ở thôn, xóm ).
(iii) Bổ sung quy định mở trong lập hồ sơ xây dựng công trình có sự tham gia thực hiện của cộng đồng người dân đối với những địa phương mà năng lực cấp cơ sở chưa đủ điều kiện đảm nhận (tại khoản 4 Điều 15 dự thảo Nghị định).
Theo đó, cấp huyện có thể giao phòng, ban chức năng hỗ trợ cấp xã thay vì quy định cứng chỉ cấp xã thực hiện việc lập, thẩm định như tại Điều 4 Nghị định số 161/2016/NĐ-CP.
Việc mở rộng này góp phần quan trọng vào quá trình đào tạo, nâng cao năng lực của cấp xã để đảm nhận những nhiệm vụ quản lý nói chung, quản lý tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng khi được phân cấp, trao quyền.
(iv) Bổ sung đối tượng Hợp tác xã được tham gia thực hiện gói thầu xây dựng công trình (tại Điều 17 dự thảo Nghị định) nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại khoản 2 Mục I Kết luận số 70-KL/TW ngày 09 tháng 3 năm 2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
(v) Mở rộng phạm vi lựa chọn tổ, nhóm cộng đồng tham gia gói thầu xây dựng công trình trên phạm vi toàn huyện (tại Điều 17 dự thảo Nghị định), không giới hạn chỉ lựa chọn tổ, nhóm cư trú trên địa bàn cấp xã có công trình.
Giải pháp này nhằm tạo điều kiện mở rộng khả năng lựa chọn được tổ, nhóm có đủ năng lực tham gia thực hiện gói thầu trong trường hợp tại địa bàn thực hiện công trình không có tổ, nhóm đủ năng lực thực hiện.
Nội dung quy định bổ mới phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 13 và khoản 8 Điều 39 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.
(vi) Bổ sung quy định về duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư (tại Điều 19 dự thảo Nghị định) để đảm thống nhất các quy trình quản lý dự án đầu tư và đảm bảo ưu tiên hỗ trợ thêm nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho công tác duy tu, bảo dưỡng các dự án, công trình có sự tham gia thực hiện của cộng đồng người dân.