Trong câu chuyện với chúng tôi, kĩ sư Nguyễn Duy Biên, Giám đốc NMĐTSC bộc bạch: “Năm năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước, ngành Công nghiệp tàu thủy Việt Nam phát triển mạnh. Các nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Nam Triệu, Hạ Long, Phà Rừng... được đầu tư lớn để nâng cao năng lực sản xuất. Sông Cấm có được đầu tư, nhưng vì nằm ở vị trí địa lý đặc thù, không thể sản xuất những con tàu có trọng tải lớn, nên chỉ được đầu tư 29 tỉ đồng (dự án cấp C). Vì thế, Nhà máy phải lựa chọn phương án đầu tư phù hợp với năng lực và đặc điểm của mình là đóng các loại tàu cỡ nhỏ, trung bình nhưng tinh xảo để xuất khẩu như tàu cao tốc, tàu kéo”. Từ định hướng này, Nhà máy đầu tư xây dựng xưởng đóng tàu trong nhà kính (vì đóng loại tàu này phải dùng thép hợp kim nhôm và hàn trong môi trường không khí sạch), xây dựng cầu tàu và mua sắm thêm các trang thiết bị tiên tiến như hệ thống cầu trục, xe nâng, cần cẩu chân đế, các thiết bị hàn tự động, máy ép thủy lực 600 tấn, máy cắt tự động CNC, hệ thống máy vẽ kỹ thuật màu khổ A1... Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, Nhà máy chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ công nhân lành nghề, kỹ sư chuyên ngành, bằng cách gửi đi đào tạo, tu nghiệp tại các nước có nền công nghiệp đóng tàu tiên tiến. Từ chỗ chỉ phóng dạng các con tàu theo phương pháp thủ công trên sàn, Nhà máy đã xây dựng phần mềm AUTOSHIP phóng dạng trên máy, cắt trên máy tự động CNC, nên sản phẩm đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật, giá thành hợp lý, được các khách hàng trong nước và nước ngoài tín nhiệm. Sau đầu tư, Nhà máy ký hợp đồng với Tập đoàn DAMEN (Hà Lan) đóng 5 tàu tìm kiếm cứu nạn trong 2 năm rưỡi. Khi đóng đến con tàu thứ 3, thấy chất lượng và tiến độ đảm bảo, khách hàng lại ký hợp đồng đóng 5 chiếc khác xuất khẩu sang Anh. Với sự hợp tác của DAMEN, Nhà máy mạnh dạn đầu tư thêm 40 tỉ đồng bằng vốn tự có và vay thương mại để triển khai hợp đồng thứ 2 và lắp đặt dây chuyền đóng tàu kéo xuất khẩu sang Anh, Auxtrâylia... Chỉ trong 1 năm, Nhà máy đã ký hợp đồng với DAMEN đóng 10 tàu kéo, trong đó có 6 tàu công suất 5.000 CV. Đến nay, Giám đốc Nguyễn Duy Biên cười rạng rỡ, “Nhà máy làm không hết việc, vì thế làm tới đâu, ký hợp đồng tới đó!” Tất nhiên là để tạo uy tín với khách hàng, bên cạnh tiến độ và chất lượng sản phẩm, Nhà máy đặc biệt quan tâm để được cấp chứng chỉ quốc tế. Chẳng hạn khi xuất khẩu sang Irắc, Auxtrâylia, Anh... thì làm đăng kiểm của Pháp, xuất khẩu đi Singapore làm đăng kiểm của Nhật, sang Hà Lan làm đăng kiểm của Anh... Hôm đến Nhà máy, tình cờ tôi gặp ông Trương Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn, Cục Hàng hải Việt Nam, một khách hàng quen thuộc của Nhà máy. Ông Hùng nhận xét: Từ con tàu cứu nạn đầu tiên 2701, NMĐTSC đã đóng 6 tàu cứu nạn cho Hà Lan, đến hôm nay, con tàu cuối cùng (SAR 413) đang được hoàn thiện để xuất xưởng. Với kết quả này, Nhà máy trở thành nơi sản xuất “tàu tinh” có uy tín trong nước. Với hệ thống thiết bị, kinh nghiệm quản lý cùng đội ngũ CBCN có tay nghề cao và giầu tâm huyết, nếu có một mặt bằng mới thuận tiện hơn, chắc chắn Nhà máy sẽ trở thành doanh nghiệp đóng tàu lớn trong khu vực, có thể sánh vai với thế giới”.
Về hướng phát triển của Nhà máy trong những năm tới, Giám đốc Nguyễn Duy Biên cho biết: Nhà máy được thành phố Hải Phòng cấp 55 ha đất tại khu vực phía sau cầu Bính, đang làm thủ tục đền bù để giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở mới với số vốn ước tính 250-300 tỉ đồng. Từ một cơ ngơi 6 ha tiến tới một Nhà máy quy mô lớn 55 ha, lại ở vị trí thuận tiện hơn, cùng với các sản phẩm tinh, chắc chắn Sông Cấm sẽ vươn tới đóng thành công những con tàu xuất khẩu có trọng tải lớn. Khó khăn hiện nay là để triển khai dự án, Nhà máy phải đi vay thương mại, vì thế rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ phía Nhà nước về nguồn vốn ưu đãi. Riêng với Thành phố, Nhà máy mong được chính quyền có các cơ chế, thủ tục đền bù nhanh, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông để doanh nghiệp triển khai nhanh dự án, góp phần vào bước phát triển của ngành Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và làm giầu đẹp thành phố Cảng./.