Nhà máy Nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I và II: Triển khai các dự án cần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro

Chiều ngày 13/9/2024, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với Đại sứ các nước: Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản tại Việt Nam nhằm trao đổi, thảo luận về một số dự án điện.
Nhà máy Nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I và II: Triển khai các dự án phải hài hòa về lợi ích, chia sẻ về rủi ro

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Đại sứ các nước về một số dự án điện

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, Việt Nam phải tăng gấp đôi công suất điện của toàn hệ thống so với hiện nay và chuyển dịch mạnh cơ cấu để bảo đảm năm 2050 Việt Nam đạt trung hòa carbon.

Cũng theo Quy hoạch, đến năm 2030, tổng công suất nhiệt điện khí phải đạt mức gần 37 ngàn MW, tương ứng với 25% trong tổng công suất các nguồn điện của Việt Nam, trong đó có Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I và II.

Hai Dự án nhà máy này với tổng công suất là 4.500 MW được Bộ Công Thương chấp thuận chủ trương đầu tư trong Khu công nghiệp Sơn Mỹ I, huyện Hàm Tân. Dự kiến các dự án này sẽ chính thức đưa vào vận hành năm 2027 - 2029. 

Theo Bộ trưởng, báo cáo nghiên cứu khả thi của 2 dự án này cơ bản được các nhà đầu tư hoàn thiện theo quy định của Luật PPP và Nghị định số 35 của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay các dự án này tồn tại một số vướng mắc.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I và II: Triển khai các dự án phải hài hòa về lợi ích, chia sẻ về rủi ro
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Đại sứ các nước trao đổi thẳng thắn về hai Dự án điện quan trọng

Hiện nay, Bộ Công Thương đang được Chính phủ và Lãnh đạo Cấp cao giao nhiệm vụ đề xuất sửa đổi Luật Điện lực hiện hành. Theo đó, bổ sung một số cơ chế chính sách để phát triển một số dự án điện khí theo hướng Chính phủ quy định cụ thể về cơ chế khuyến khích phát triển điện phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực và phù hợp với cấp độ phát triển thị trường điện cạnh tranh (bao gồm cơ chế cam kết sản lượng điện tối thiểu dài hạn, thời gian áp dụng, nguyên tắc tính giá điện, bảo đảm thực hiện dự án điện đầu tư và cơ chế cần thiết khác).

Do vậy, tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Đại sứ các nước Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản tại Việt Nam thẳng thắn trao đổi những vướng mắc, khó khăn và đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo phát triển các dự án nhiệt điện khí trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. 

Nhà máy Nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I và II: Triển khai các dự án phải hài hòa về lợi ích, chia sẻ về rủi ro
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki đã bày tỏ sự chia sẻ đến Chính phủ Việt Nam cũng như người dân Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 và hoàn lưu bão. Đồng thời trao đổi về những đề xuất của các nhà đầu tư đối với hai dự án điện khí Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II. 

Đại sứ Pháp tại Việt Nam nhắc lại, Pháp, Hoa Kỳ và Nhật Bản nằm trong nhóm các nước cam kết Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JEPT). Hiện nay các cơ quan năng lượng của 3 nước đang hoạt động tích cực tại Việt Nam góp phần giúp Việt Nam đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng.

Hai Dự án Nhà máy Sơn Mỹ I và Nhà máy Sơn Mỹ II là các dự án quan trọng. Vì vậy, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình xây dựng và đi đến vận hành.

Tuy nhiên, Đại sứ Pháp kiến nghị Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ Công Thương cần tháo gỡ những khó khăn hiện về giá điện khí, về đầu tư… Những khó khăn tại hai Dự án này là tương tự nhau.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I và II: Triển khai các dự án phải hài hòa về lợi ích, chia sẻ về rủi ro
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper phát biểu tại buổi làm việc

Đại sứ Hoa Kỳ khẳng định, Hoa Kỳ cam kết ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam theo đuổi mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Hoa Kỳ tin tưởng quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam. Trong đó, điện khí đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy cần đẩy nhanh quá trình tháo gỡ khó khăn, tận dụng được lợi thế từ các dự án nhà máy Sơn Mỹ I và II.

Đối với những khó khăn vướng mắc của hai Dự án này, Đại sứ Hoa Kỳ cho rằng, việc tháo gỡ những cơ chế chính sách liên quan là vô cùng cần thiết vì đây là hai dự án tiên phong, sẽ gửi đi tín hiệu về những cam kết của Việt Nam trong nỗ lực đảm bảo thực hiện các mục tiêu về an ninh năng lượng.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I và II: Triển khai các dự án phải hài hòa về lợi ích, chia sẻ về rủi ro
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki phát biểu tại buổi làm việc

Đồng quan điểm, Đại sứ Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của hai Dự án nhiệt điện Sơn Mỹ I và Nhiệt điện Sơn Mỹ II trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng, điện của Việt Nam và đảm bảo thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hoàn thành mục tiêu khi tham gia JEPT và đảm bảo mục tiêu “Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0” do Nhật Bản sáng lập.

Đại sứ Nhật Bản kiến nghị Việt Nam sớm hoàn thành việc sửa đổi Luật Điện lực và Luật Đầu tư công để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư cũng như đảm bảo những cơ chế trong việc xây dựng, vận hành

Nhà máy Nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I và II: Triển khai các dự án phải hài hòa về lợi ích, chia sẻ về rủi ro
Về việc triển khai các dự án nhà máy điện khí, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, cần thực hiện nghiêm túc theo quy định pháp luật

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi lời cảm ơn chân thành trước những lời chia buồn sâu sắc của Đại sứ các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp tại Việt Nam về những thiệt hại do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra.

Đồng tình với quan điểm của các Đại sứ về việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để triển khai các dự án điện khí, đặc biệt là đối với hai dự án Sơn Mỹ I, II để vừa đảm bảo thực hiện Quy hoạch Điện VIII, vừa đảm bảo nhu cầu điện năng cho cả nước, đồng thời từng bước thực hiện mục tiêu trung hòa các bon vào 2050, Bộ trưởng cho rằng, đó cũng là những mục tiêu mà Việt Nam đang hướng tới.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I và II: Triển khai các dự án phải hài hòa về lợi ích, chia sẻ về rủi ro
Pháp, Hoa Kỳ và Nhật Bản đều là những đối tác chiến lược của Việt Nam

“Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Việt Nam đều là những đối tác chiến lược của nhau, cùng là đối tác JEPT để thực hiện mục tiêu trung hòa các bon. Do vậy trên tinh thần vừa là đối tác chiến lược của nhau, vừa là đối tác JEPT, các bên sẽ cùng bắt tay để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại các dự án này để tiến về phía trước”- Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, các dự án điện Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II đang được các nhà đầu tư đề xuất thực hiện với các ưu đãi, đảm bảo đầu tư (tương tự như các dự án điện BOT đã thực hiện trước đây).

Tuy nhiên, những đề xuất này không có trong quy định pháp luật hiện hành và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các điều kiện ưu đãi, đảm bảo đầu tư để thực hiện dự án như yêu cầu của nhà đầu tư sẽ không đảm bảo tính hài hoà lợi ích của doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam, chuyển những rủi ro tài chính cho Chính phủ Việt Nam.

Việc triển khai thực hiện các dự án phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I và II: Triển khai các dự án phải hài hòa về lợi ích, chia sẻ về rủi ro
Hoa Kỳ cam kết ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam theo đuổi mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050

Cũng trong buổi làm việc, liên quan đến việc sửa đổi Luật Điện lực, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, Bộ Công Thương đã và đang gấp rút hoàn thiện để gửi lên Chính phủ. Bản thảo lần cuối của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được trình Chính phủ vào ngày 14/9. Sau khi được ban hành, đây sẽ là động lực lớn cho các nhà đầu tư.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, hiện nay Bộ Công Thương vừa được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng Dự thảo phát triển năng lượng mới, năng lượng hạt nhân, vì vậy rất cần các đối tác, tổ chức có kinh nghiệm để chia sẻ, học hỏi, do đó, trong khả năng, các Đại sứ có thể giới thiệu những đối tác liên quan với Việt Nam.

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Đại sứ các nước quan tâm, tạo điều hơn nữa cho các Trường đại học của Việt Nam thuộc Bộ Công Thương có thêm những xuất học bổng danh giá, để vừa thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, vừa tăng cường hợp tác giữa hai bên.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I và II: Triển khai các dự án phải hài hòa về lợi ích, chia sẻ về rủi ro
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chụp ảnh lưu niệm với Đại sứ các nước Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản tại Việt Nam
Ngọc Châm