Rà soát, hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi) để trình Chính phủ

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu ngay sau cuộc họp sáng 13/9, Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Điện lực (sửa đổi) khẩn trương rà soát, hoàn thiện lần cuối dự thảo Luật để có thể trình Chính phủ theo kế hoạch.

Tiếp theo cuộc họp ngày 6/9, sáng ngày 13/9 tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Cùng tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, các Thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ; đại diện Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP.

Luật Điện lực
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trên nguyên tắc quy định khung để trao quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều hơn, bảo đảm tính linh hoạt khi cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Bởi Luật có độ trễ so với thực tế, chưa kể nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, buộc chúng ta phải điều chỉnh Luật cho phù hợp với luật pháp quốc tế và những điều ước quốc tế mà chúng ta tham gia.

Bộ trưởng nêu rõ, dự thảo sửa đổi lần này đã nỗ lực tiếp thu tất cả những vướng mắc trong thi hành Luật Điện lực thời gian qua và những vấn đề mới đang đặt ra, nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng mới, việc xây dựng, hoàn thiện thị trường điện trên cả ba cấp độ hay những vấn đề quản lý vận hành hay quản lý thực thi những dự án điện chậm tiến độ, cơ chế và chế tài xử lý như thế nào... cùng những kinh nghiệm thực tiễn phong phú đều đã được đưa vào dự thảo Luật.

Tuy nhiên, vẫn còn một vài nội dung, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần tiếp tục trao đổi, thảo luận để sớm thống nhất, hoàn thiện dự thảo Luật.

Bộ trưởng
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại cuộc họp.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Tinh thần là sau cuộc họp hôm nay, chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Luật, trình Chính phủ để Chính phủ lấy ý kiến các Thành viên Chính phủ lần cuối, sau đó trình Quốc hội để đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong cuối phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp tới, mới kịp đưa ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8”.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cho biết: Cùng với việc triển khai nhiệm vụ của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 232/QĐTTg ngày 05/9/2024 về việc thành lập Tổ công tác rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện. Trong đó có nội dung quan trọng là rà soát, vướng mắc để kết cấu vào dự án Luật sửa đổi lần này.

Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại cuộc họp ngày 06/9/2024, trong thời gian qua, Cục Điều tiết điện lực đã phối hợp với các Cục, Vụ có liên quan thuộc Bộ Công Thương, EVN và PVN làm việc tập trung để rà soát các vướng mắc về pháp lý và hoàn thiện Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Trần Việt Hòa
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật Điện lực (sửa đổi) báo cáo về hoạt động rà soát, tiếp thu ý kiến góp ý dự thảo Luật.

Sau khi tập trung rà soát, thảo luận, làm việc, những nội dung đã được thống nhất bao gồm: phạm vi điều chỉnh; về áp dụng pháp luật, về giải thích từ ngữ đã soát chỉnh sửa một số thuật ngữ phù hợp với bản chất khoa học và tính thực tiễn; chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực; về Quy hoạch phát triển điện lực; đầu tư xây dựng dự án; về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, về thị trường điện; mua bán điện, giá điện và giá các dịch vụ về điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; an toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện; quản lý nhà nước về điện lực; bổ sung sửa đổi một số điều khoản chuyển tiếp…

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cùng các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã đóng góp thêm các ý kiến với dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Trong đó tập trung vào một số nội dung, vấn đề như: quy định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện lực đối với dự án đầu tư lưới điện và nguồn điện đi qua 2 tỉnh trở lên; quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư, đầu tư công; mua bán điện với nước ngoài; triển khai các dự án điện gió ngoài khơi…

thứ trưởng Hoài
Thứ trưởng Trương Thanh Hoài phát biểu tại cuộc họp

 

Đặng Hoàng An

 

tập đoàn

 

lãnh đạo

 

lãnh đạo
Đại diện Lãnh đạo Vụ, Cục thuộc Bộ và các tập đoàn tham gia ý kiến tại cuộc họp.

Ghi nhận ý kiến đóng góp và kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm và có hiệu quả của Ban soạn thảo, Tổ biên tập để hoàn thiện dự thảo Luật trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong thời gian tới.

Để hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ trưởng yêu cầu:

Thứ nhất, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cùng hai Tập đoàn EVN, PVN rà soát Dự thảo Luật lần cuối theo nguyên tắc đưa quy định khung, quy định "ống" vào dự thảo Luật; những nội dung, quy định chi tiết, cụ thể hoặc những quy định không thuộc thẩm quyền của Quốc hội đưa sang dự thảo Nghị định kèm theo cho đúng thẩm quyền ban hành của Chính phủ theo quy định, để thuận lợi trong thực hiện, linh hoạt khi điều chỉnh.

Thứ hai, đối với các vấn đề đã tiếp thu, Ban soạn thảo, Tổ biên tập phối hợp với hai tập đoàn EVN, PVN rà soát thêm về thuật ngữ, văn phong trình bày... trong dự thảo Luật.

Thứ ba, đối với các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần rà soát, hoàn thiện theo hướng quy định tại Luật về những nội dung bảo đảm tính khả thi nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia như: Quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện lực đối với dự án đầu tư lưới điện và nguồn điện đi qua 2 tỉnh trở lên; quy định xử lý các dự án chậm tiến độ, các quy định về dự án điện khí; các dự án điện gió ngoài khơi; điều khoản chuyển tiếp…

Bộ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo, Tổ biên tập khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng để kịp tiến độ trình Chính phủ và trình Quốc hội.

Cùng với việc hoàn thiện dự thảo Luật, Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định và dự thảo Thông tư để có thể ban hành văn bản hướng dẫn ngay sau khi dự án Luật Điện lực (sửa đổi) thông qua.

Việt Hằng - Ngọc Châm