PV: Được biết, PGS đã có những công trình nghiên cứu về tình hình năng lượng trên thế giới và ở nước ta. Vậy theo PGS, trong thời gian qua việc sử dụng năng lượng trên thế giới và ở nước ta đã diễn biến như thế nào?
PGS: Do sự tăng trưởng kinh tế và tăng dân số, nhất là ở các nước đang phát triển, nhu cầu sử dụng năng lượng trên thế giới tăng nhanh. Hiện nay, các nước đang phát triển với khoảng 3/4 dân số thế giới tiêu thụ khoảng 25% tổng NL toàn cầu, Bắc Mỹ tiêu thụ cao nhất, khoảng 7,8 tấn dầu quy đổi (TOE/ người/năm), thấp nhất là vùng Nam á và Châu Phi khoảng 0,5 TOE (năm 1995) NL hoá thạch chiếm đến 78%, NL nguyên tử và thuỷ năng mỗi loại chiếm gần 6%, NL tái tạo mỗi loại chiếm khoảng trên 1%. Theo dự báo của cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), NL hoá thạch vẫn đóng vai trò chủ yếu, chiếm khoảng 70% vào giữa thế kỷ này, trong khi đó NL nguyên tử tăng lên, chiếm từ 10 - 15%, NL tái tạo chiếm 15 - 20%. EU dự kiến năm 2010 NL tái tạo chiếm 11 - 12%, NL sinh học (BioFuel) chiếm gần 6%. Dầu mỏ là nguồn năng lượng quan trọng nhất (hiện tại khai thác khoảng 75 - 76 triệu thùng trên ngày) sẽ tăng lên khoảng 120 triệu thùng/ ngày vào năm 2030. Nhưng nguồn dầu mỏ lại tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển và những nơi bất ổn về chính trị. Nguồn năng lượng hoá thạch tuy có trữ lượng, nhưng cũng không phải vô tận, sẽ đến lúc cạn kiệt vào khoảng cuối thế kỷ này. Chi phí cho khai thác và chế biến trở nên đắt đỏ và còn gây ô nhiễm môi trường trong sử dụng. Các nhà máy lọc dầu đã chạy hết công suất, sản phẩm xăng dầu thiếu hụt, giá cả tăng vọt khó lường trước, đe doạ tăng trưởng kinh tế các nước. Các nhà kinh tế năng lượng thế giới đã cảnh báo: Nếu không sử dụng hiệu quả các dạng năng lượng truyền thống và không phát hiện thêm các trữ lượng mới, và nếu không nhanh chóng phát triển các dạng năng lượng thay thế, loài người sẽ lâm vào cuộc khủng hoảng NL có tính tàn phá ở cuối thế kỷ này.
ở nước ta, được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, ngành NL đã có sự phát triển mạnh trong thời gian qua: Tốc độ tăng trưởng NL so với tăng trưởng GDP trong các năm 1990 - 2002 là 1,4 lần, đã đáp ứng nhu cầu NL cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó trên 90% là NL hoá thạch. Năm 2003 tiêu thụ NL cuối cùng bình quân là: 204kg TOE/người, mới chỉ bằng 20% mức bình quân thế giới, thấp hơn các nước trong khu vực. Hiệu suất sử dụng NL ước khoảng 35%, do công nghệ và thiết bị khai thác, chế biến cũng như sử dụng còn lạc hậu. Từ nước xuất khẩu năng lượng (dầu thô, than), chúng ta sẽ thiếu hụt và phải nhập khẩu NL trước năm 2020. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế năng lượng Việt Nam: Trong quá trình hội nhập, điểm xuất phát của ngành công nghiệp NL nước ta ở trình độ thấp, nằm ở nhóm thấp nhất trong các nước đang phát triển. Nước ta đang đứng trước các bất cập để phát triển ngành NL, đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do chúng ta chậm nhận thức, chậm ban hành và thực thi chiến lược, chính sách phát triển NL quốc gia để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong nước, đẩy mạnh phát triển các nguồn NL mới và tái tạo, mà nước ta có tiềm năng hình thành thị trường. Bên cạnh đó, cũng chưa có những cơ chế, chính sách đầu tư và kinh doanh về NL.
PV: Vậy thì chúng ta cần phải làm gì để ngành NL phát triển bền vững?
PGS: Cũng theo nhận xét của cơ quan NL quốc tế, những mẫu hình cung cấp và sử dụng NL toàn cầu hiện nay là không bền vững (phát triển sử dụng NL chưa đi kèm với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên). Vì vậy, thế giới đang cố gắng hướng đến một liên minh toàn cầu mới, để giải quyết hai vấn đề cấp thiết nhất: Môi trường và phát triển. Môi trường và phát triển là mẫu số chung cho các quốc gia không phân biệt giàu nghèo, để tiếp cận với NL được sản xuất một cách bền vững. Nhiều nhà lãnh đạo của các nước đã coi đây vừa là một chính sách NL tích cực, vừa làm chính sách khí hậu, đồng thời đó cũng là chính sách hoà bình.
Nước ta có tiềm năng về năng lượng tái tạo. Năng lượng mặt trời có khoảng 43,9 tỷ TOE/năm. NL gió khoảng 800 - 1.400 kWh/ m3/năm tại các hải đảo, 500 - 1000 kWh/ m3/năm tại vùng duyên hải và Tây Nguyên. NL sinh khối vào khoảng 46 triệu TOE/năm. Các nguồn năng lượng tái tạo này không bao giờ cạn kiệt, song đến giờ vẫn chưa khai thác và sử dụng chúng được bao nhiêu. Sở dĩ NL tái tạo chưa phát triển được do chi phí đầu tư lớn làm cho giá thành cao. Chúng ta hy vọng với công nghệ mới, giá thành sẽ cạnh tranh được với các dạng NL truyền thống.
Để đảm bảo an ninh NL và phát triển bền vững, Nhà nước cần sớm phê duyệt chính sách NL Quốc gia; tổ chức các chương trình kỹ thuật - Kinh tế có mục tiêu về NL như chương trình tiết kiệm NL, để đến năm 2015 - 2020 nâng hiệu quả sử dụng NL từ 33 - 35% hiện nay lên 45% - 50%; chương trình đổi mới công nghệ và thiết bị để khai thác và sử dụng hiệu quả NL truyền thống; chương trình phát triển NL mới và taí tạo để tăng tỷ lệ sử dụng NL tái tạo từ mức không đáng kể lên 2%, 10% và 30% vào các năm 2010, 2020 và 2050.
PV: Theo PGS, trong các dạng năng lượng tái tạo, dạng nào phù hợp nhất để ưu tiên phát triển trong điều kiện của nước ta hiện nay?
PGS: Chúng ta cần đồng thời phát triển các dạng NL mặt trời, gió, sinh học với quy mô kinh tế phù hợp với từng vùng. Đây là dạng NL tái tạo mà nước ta có tiềm năng và có đội ngũ cán bộ. Để xây dựng và phát triển được dạng NL cụ thể, các nước trong khu vực phải thực hiện từ 10 - 15 năm. Chúng ta đi sau có điều kiện học tập kinh nghiệm, chắc thời gian đó sẽ ngắn hơn. Tuy nhiên, cần phải có các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Trong các dạng năng lượng trên, theo tôi trong tình hình hiện nay, năng lượng sinh học mà trước mắt là xăng pha Ethanol dùng cho ngành GTVT có tính khả thi hơn, vì các lí do sau: giá thành cạnh tranh được với xăng dầu (khoảng dưới 20% Ethanol không phải hoán cải động cơ). Đây là loại nhiên liệu thay phế sử dụng lẫn được với xăng dầu mỏ, ít gây ô nhiễm, thích hợp sử dụng cho các cho các đô thị đông dân cư. Nguyên liệu sản xuất cồn Ethanol là các sinh khối, các phế thải trong công nghiệp chế biến nông - lâm sản, nông sản như: sắn, ngô… giảm được ngoại tệ nhập xăng dầu, cải thiện đời sống nông dân.
Vừa qua, chúng tôi đã trình Chính Phủ và các bộ ngành “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học”. Mục tiêu của đề án là từng bước phát triển ngành công nghiệp pha chế nhiên liệu sinh học ở nước ta. Phấn đấu đến năm 2020 - 2022 pha chế được trên 2 triệu tấn xăng sạch, chiếm tỉ trọng 10% lượng xăng dầu sử dụng trong ngành GTVT. Trước mắt (2005 - 2010) pha chế thử nghiệm và sử dụng ở một vài đô thị lớn ở quy mô 150.000 đến 200.000 tấn. Dự án trên đã được văn phòng chính phủ cho ý kiến. Đến nay, đã có các cơ quan: Bộ KH & CN, Bộ Công nghiệp, Bộ KH & ĐT, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng chính sách KH - CN Quốc gia, Viện KHCN Việt Nam, Tổng công ty dầu khí, Tổng công ty hoá chất và một số nhà khoa học cho ý kiến. Hầu hết các bộ ngành đều tán thành phát triển năng lượng sinh học và góp nhiều ý kiến về cách thức tổ chức thực hiện. Chúng tôi hy vọng đề án này sẽ được Chính phủ, các bộ ngành quan tâm chỉ đạo và sớm được thực hiện.
PV: Xin cảm ơn PGS!
Nhà nước cần sớm phê duyệt chính sách năng lượng quốc gia
TCCT
LTS: Năng lượng (NL) hiện đang là vấn đề thời sự trên toàn cầu. Vì vậy, các quốc gia đang hướng tới một liên minh toàn cầu mới, nhằm giải quyết vấn đề an ninh NL, đi đôi với phát triển bền vững. Trong