Thông tin chung đề tài:
Lĩnh vực: Công nghiệp Tiêu dùng
Tác giả: Phạm Đức Huy, Phạm Văn Hưng và cộng sự
Đơn vị: Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy
Nội dung chính của giải pháp/nghiên cứu:
Nuôi cấy khởi động: Chồi mẫu sau khi cắt (chiều dài từ 3-4cm, có từ 2-3 mắt ngủ) được rửa bằng nước sạch từ 3-4 lần, ngâm mẫu trong nước xà phòng loãng 5-7 phút, rửa lại bằng nước sạch 3-4 lần, rửa bằng nước cất 2-3 lần. Mẫu được đưa vào cốc đong đã được tiệt trùng, đưa vào tủ cấy vô trùng để tiến hành khử trùng mẫu. Mẫu được khử trùng bằng cồn 750 trong thời gian 10-15 giây, sau đó khử trùng bằng chất khử trùng ở các thời gian khác nhau. Dùng kéo cắt thành những đoạn chồi có chiều dài từ 1,5cm-2,0cm chứa 1-2 mắt ngủ và cấy vào môi trường tạo chồi trong ống nghiệm, mỗi ống nghiệm cấy 1 chồi. Duy trì mẫu trong phòng nuôi cấy dưới ánh sáng giàn đèn.
Nhân nhanh chồi invitro: Các chồi ở giai đoạn tái sinh chồi được cắt thành những đoạn có chiều dài 1,0 - 1,5cm và cấy vào môi trường nhân nhanh chồi (cấy nằm ngang). Bình cây giai đoạn tái sinh chồi và nhân nhanh chồi được nuôi cấy dưới giàn đèn led, đánh giá sau 4 tuần nuôi cấy qua số chồi tái sinh, số chồi/cụm chồi, chồi hữu hiệu (chồi cao ≥ 2,0cm).
Tạo rễ invitro: Dùng kéo cắt những chồi hữu hiệu thành những đoạn chồi kích thước khoảng 2,0 cm. Cấy vào môi trường tạo cây con hoàn chỉnh (môi trường ½ MS cải tiến) có bổ sung chất điều hòa sinh trưởng, nuôi cấy dưới ánh sáng giàn đèn, đánh giá sau 2 tuần nuôi cấy qua tỷ lệ chồi ra rễ, số rễ/chồi, chiều dài rễ.
Mục tiêu giải pháp/nghiên cứu
Xây dựng được Quy trình nuôi cấy mô giống Bạch đàn PNCTIV đạt hệ số nhân chồi đạt 5,2 lần; tỷ lệ chồi hữu hiệu đạt 41,1%; tỷ lệ chồi ra rễ đạt 94,4%, chiều dài rễ đạt 2,5cm và số rễ bình quân đạt 2,3 rễ/cây. Cây con cấy vào bầu đất cho tỷ lệ sống đạt 92,3% sau 4 tuần.
Với giống Bạch đàn PNCT3, quy trình đạt hệ số nhân chồi 5,4 lần; tỷ lệ chồi hữu hiệu đạt 42,0%; tỷ lệ chồi ra rễ đạt 86,3% và số rễ bình quân đạt 2,2 rễ/cây. Cây con cấy vào bầu đất cho tỷ lệ sống đạt 91,8% sau 4 tuần.
Kết quả nghiên cứu/giải pháp
Nuôi cấy khởi động: Sau 4 tuần nuôi cấy, cả 2 dòng nghiên cứu tỷ lệ mẫu sạch và các công thức thí nghiệm có sự sai khác nhau rất lớn giữa các công thức. Với Bạch đàn PNCT3, công thức cho tỷ lệ mẫu sạch và nảy chồi cao nhất là công thức HgCl2 0,1 % trong thời gian 9 phút đạt 28,9%.
Với Bạch đàn PCNTIV, công thức cho tỷ lệ mẫu sạch và nảy chồi cao nhất là HgCl2 0,1 % trong thời gian 10 phút, đạt 30,0%.
Nhân nhanh chồi: Sau 4 tuần nuôi cấy, với giống Bạch đàn PNCTIV, công thức cho hiệu quả nhân chồi cao nhất là công thức có bổ sung 1,2 mg/l BAP và 0,6 mg/l NAA, hệ số nhân chồi đạt 5,4 lần, tỷ lệ chồi hữu hiệu 42,0%. Chồi sinh trưởng phát triển tốt, sau 4 tuần nuôi cấy hầu hết các chồi đều cho chiều cao trên 1,0 cm, lá xanh, thân cân khỏe, cứng cáp.
Giống Bạch đàn PNCT3, công thức cho hiệu quả nhân chồi cao nhất là bổ sung 1,5 mg/l BAP và 0,6 mg/l NAA, hệ số nhân chồi đạt 5,1 lần và tỷ lệ chồi hữu hiệu 42,8%. Hai chỉ tiêu này đều cao nhất trong số các công thức thí nghiệm. Ở công thức này, chồi sinh trưởng phát triển tốt. Sau 4 tuần nuôi cấy chồi có lá xanh, thân cân khỏe, cứng cáp, phiến lá phát triển bình thường.
Tạo rễ invitro:Với giống PNCT3 khi môi trường có bổ sung IBA nồng độ 2,5mg/l và ABT1 nồng độ 2,0 mg/l cho tỷ lệ ra rễ tốt nhất (tỷ lệ ra rễ đạt 86,3%; chiều dài rễ bình quân đạt 2,2cm và số rễ trung bình đạt được là 2,5 rễ/cây).
Giống Bạch đàn PNCTIV, công thức cho tỷ lệ ra rễ cao nhất là công thức R19 với môi trường nuôi cấy có bổ sung IBA nồng độ 2,5mg/l và ABT1 nồng độ 2,0 mg/l (tỷ lệ ra rễ bình quân đạt được là 83,3%; chiều dài rễ bình quân đạt 2,5cm và số rễ trung bình đạt được là 2,3 rễ/cây).
Huấn luyện và ra ngôi: Các bình cây invitro thích hợp nhất với thời gian huấn luyện từ 7-10 ngày, cây mầm cấy ra vườn ươm sau 4 tuần đạt tỷ lệ số ≥ 91,8%. Cao hơn rõ rệt với các giống bạch đàn khác được cấy tại Viện là ≥ 85,0%.
Giá trị ứng dụng
Nuôi cấy mô giống Bạch đàn PNCT3 và PNCTIV lần đầu tiên được nghiên cứu và đưa ra quy trình sản xuất ở Việt Nam. Quy trình đã được ứng dụng vào sản xuất tại Viện, trong 3 năm gần đây, mỗi năm tạo được hơn 1 triệu cây giống đối với 2 giống bạch đàn này. Quy trình đã được chuyển giao cho 2 đơn vị trong nước (Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Bắc Giang và Trường Đại học Tân Trào), có triển vọng trong chuyển giao công nghệ và mở rộng sản xuất tại các đơn vị trong nước.