Nhân kỷ niệm Quốc khánh Vương quốc Malaixia Malaixia trên đường phát triển và hội nhập

Từ một nước nông nghiệp và công nghiệp chủ yếu dựa vào khai mỏ, Malaixia đã vươn lên trở thành nuớc có nền kinh tế phát triển mạnh ở châu Á và đứng trong danh sách 20 nước thương mại hàng đầu thế giới

 

Năm 2007, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Malaixia, kinh tế Malaixia đạt mức tăng trưởng 6,2%, tăng so với mức 5,8% năm 2006, chủ yếu do nhu cầu ở nước ngoài đối với các sản phẩm dầu cọ, cao su, điện tử của Malaixia tăng mạnh. Tổng kim ngạch thương mại của Malaixia đạt 1.110 tỷ ringgit (339,45 tỷ USD), tăng 3,8% so với 1.070 tỷ ringgit (327,22 tỷ USD) năm 2006. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của Malaixia đạt 605,2 tỷ ringgit (185,08 tỷ USD), tăng 2,7% so với năm 2006, trong đó, ngành cơ khí chế tạo vẫn đóng vai trò chủ đạo trong xuất khẩu, chiếm 74,8%. Kim ngạch xuất khẩu hàng cơ khí chế tạo đạt 452,5 tỷ ringgit (138,38 tỷ USD). Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 504,8 tỷ ringgit (154,37 tỷ USD), tăng 5% so với năm 2006. Thêm vào đó, năm 2007, Chính phủ Malaixia cũng thực hiện cam kết giảm mức thâm hụt xuống 3,2%, so với mức 5,5% năm 2000.

Malaixia hiện nằm trong danh sách 20 nước thương mại hàng đầu thế giới, xuất khẩu nhiều hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ với qui mô lớn, đặc biêt sản xuất và xuất khẩu lớn về dầu cọ, cao su, thiết bị điện và điện tử và đồ gỗ gia dụng. Hiện Malaixia có dự trữ ngoại tệ khoảng 120 tỷ USD, trong khi các khoản cho vay tín dụng ở mức khoảng 50 tỷ USD.

Năm 2008, theo dự báo Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaixia (MITI), ngoại thương của nước này sẽ phát triển song hành cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các sản phẩm điện và điện tử sẽ tiếp tục đóng góp lớn cho xuất khẩu. Trong số các sản phẩm điện và điện tử, xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Các thiết bị bán dẫn và vi mạch chiếm khoảng 27,8% giá trị xuất khẩu các sản phẩm điện và điện tử năm 2007. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng cơ khí chế tạo của Malaixia sẽ tiếp tục được duy trì nhờ các sản phẩm như: hóa chất, cơ khí, linh kiện, đồ trang sức, thực phẩm đã chế biến, cao su và đồ gỗ. Malaixia sẽ giữ vững vị trí là một trong những nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu dầu thực vật, với lợi nhuận từ xuất khẩu dầu cọ dự báo vẫn tiếp tục gia tăng, nhờ giá dầu cọ toàn cầu tăng mạnh.

Kể từ khi Việt Nam có Luật Đầu tư nước ngoài năm 1988 và nay là Luật Đầu tư chung, Malaixia có 243 dự án với tổng số vốn khoảng 1,9 tỷ USD tại Việt Nam, đứng thứ 10 trong số 78 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.  Đầu tư lớn nhất của Malaixia tập trung chủ yếu là vào các ngành khai thác dầu khí, ngân hàng, du lịch, xây dựng, công nghiệp, khu chế xuất... Trong lĩnh vực công nghiệp dầu khí, nổi bật phải kể đến dự án thăm dò và khai thác dầu khí giữa PetroVietnam với Petronas Carigari của Malaixia. Tổng chi phí cho giai đoạn thăm dò và khai thác dầu khí là 74,6 triệu USD, với 3 giai đoạn thực hiện trong 5 năm; Dự án Liên doanh sản xuất ô tô Ngôi sao giữa Vietracimex của Việt Nam, Mitsubisi của Nhật Bản và Công ty National Protol của Malaixia chuyên lắp ráp ô tô, sản xuất  phụ tùng ô tô mang nhãn hiệu Mitsubisi và Protol với tổng vốn đầu tư là 50 triệu USD, trong đó, vốn pháp định là 16 triệu USD, công suất thiết kế 5000 xe/năm, phía Việt Nam góp 25% vốn, thời gian hoạt động của Liên doanh này là 20 năm. Công ty Liên doanh Golden Hope Nhà Bè là liên doanh giữa Công ty Dầu thực vật-Hương liệu-Mỹ phẩm Việt Nam và Tập đoàn sản xuất dầu thực vật của Malaixia với sản phẩm có uy tín như dầu thực vật Marvela với doanh thu xuất khẩu lớn. Về nguyên liệu dầu thực vật, trong nhiều năm qua, do Việt Nam chưa có vùng nguyên liệu chất lượng cao và ổn định để cung cấp cho sản xuất dầu thực vật, nên các doanh nghiệp sản xuất dầu thực vật Việt Nam đã phải nhập khẩu các loại dầu thô từ Malaixia, chủ yếu là dầu cọ dạng lỏng và dạng đặc, dầu đậu tương, dầu hạt cải...

Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của Malaixia sang thị trường Việt Nam đạt 2,4 tỷ USD, tăng 23,8% so với năm 2006, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam lên tới 1,3 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu sang Malaixia các mặt hàng lương thực, thực phẩm (rau quả, lạc, cà phê, hải sản, thịt gia cầm...), nguyên liệu sơ chế, dầu thô, máy móc, thiết bị, hàng tiêu dùng. Đồng thời, nhập khẩu từ Malaixia các mặt hàng thực phẩm, nguyên liệu thô và hàng tiêu dùng. Malaixia là nước nhập khẩu gạo của Việt Nam với khối lượng lớn. Trong những năm gần đây, với việc đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại và nâng cao chất lượng sản phẩm, Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu thêm một số mặt hàng công nghiệp sang Malaixia như hàng dệt may, đồ nhựa cao cấp.

Đối với hàng hoá của Việt Nam, những năm trước đây, Malaixia đã dành ưu đãi thuế theo diện AISP (chương trình ưu đãi đặc biệt về thuế quan của các nước thành viên cũ khối ASEAN nhằm hỗ trợ 4 nước thành viên mới gồm Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam hội nhập kinh tế khu vực và rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước thành viên cũ) cho 170 mặt hàng của Việt Nam. Năm 2007, Bộ Công thương Malaixia đã bổ sung thêm 67 sản phẩm vào danh mục sản phẩm Malaixia dành ưu đãi thuế AISP.  Đây là một lợi thế lớn để hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường này. Toàn bộ  67 sản phẩm được Malaixia dành ưu đãi AISP lần này đều có thuế suất AISP 0%, trong khi đó, mức thuế suất CEPT (mức thuế thực hiện Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN AFTA) là 5%, thuế suất MFN (thuế suất ưu đãi tối huệ quốc) từ 5 - 30%. Việc hưởng thuế ưu đãi AISP sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Malaixia. Như vậy, đối với hàng hoá của Việt Nam, Malaixia đã giảm hoặc cho hưởng mức thuế suất bằng 0% đối với gần 250 mặt hàng theo chương trình ưu đãi hội nhập ASEAN (gọi tắt là ASIP).

Để thâm nhập thị trường Malaixia, theo các chuyên gia thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam phải phát triển quan hệ bền vững với đối tác nhập khẩu, đảm bảo đúng thời gian giao hàng, số lượng và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Malaixia cần chú ý tuân thủ những tập quán của đạo Hồi bởi nước này có tới 53% dân số theo đạo Hồi.

  • Tags: