Kết thúc phiên họp thường kỳ kéo dài hai ngày trong ngày 18/1, Hội đồng chính sách của BOJ đã nâng dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của Nhật Bản trong năm tài khoá 2022 (kết thúc vào tháng 3/2023) thêm 0,1 điểm phần trăm lên 3%. Chỉ số CPI cơ bản của Nhật Bản không bao gồm biến động giá của thực phẩm tươi sống.
Dữ liệu gần nhất cho thấy CPI cơ bản của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong tháng 11/2022 đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1981 và xác lập tháng thứ 8 liên tiếp, chỉ số này vượt trên mức mục tiêu 2% của BOJ.
Tuy nhiên, BOJ vẫn quyết định giữ nguyên mức lãi suất điều hành ngắn hạn ở mức -0,1% và lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%. Đáng chú ý, quyết định này được đưa ra trong bối cảnh lạm phát ở Nhật Bản đã tăng cao hơn nhiều so với mức mục tiêu.
Giới phân tích nhận định BOJ vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng có thể do cơ quan này cho rằng lạm phát do chi phí đẩy sẽ không kéo dài lâu. Cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine và sự trượt giá lịch sử của đồng Yên Nhật xuống dưới ngưỡng 150 Yên Nhật đổi 1 USD vào tháng 10/2022 (lần đầu tiên kể từ năm 1990) đã đẩy giá hàng loạt mặt hàng tại Nhật Bản tăng lên thời gian qua.
BOJ hiện dự báo CPI cơ bản của Nhật Bản trong năm tài khoá 2023 sẽ chỉ ở mức 1,6%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với mức mục tiêu lạm phát. Một số chuyên gia phân tích kinh tế Nhật Bản nhận định áp lực lạm phát tại nước này có thể hạ nhiệt rõ rệt trong năm nay khi giá các loại hàng hoá giảm xuống và đồng Yên tăng giá trở lại do các ngân hàng trung ương lớn khác giảm quy mô tăng lãi suất.
Ông Hideki Matsumura, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu Nhật Bản, cho biết “Lạm phát tại Nhật Bản có thể đạt đỉnh trong tháng 12/2022 hoặc tháng 1/2023. Tôi cho rằng áp lực lạm phát sẽ bắt đầu giảm khá nhanh sau đó. Không giống như những gì đang xảy ra tại Hoa Kỳ hay châu Âu, các yếu tố chính đẩy giá cả ở Nhật Bản là giá năng lượng và thực phẩm nhập khẩu. Vì vậy, một khi các mặt hàng này hạ nhiệt, lạm phát cũng sẽ giảm theo.”
Cuối tháng 12/2022, BOJ đã bất ngờ tăng gấp đôi biên độ dao động của lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm lên mức +/- 0,5%. Động thái này được giới đầu tư nhận định không khác gì việc BOJ tăng lãi suất.
BOJ đã duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng với mức lãi suất điều hành dưới mức 0% trong nhiều năm qua nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản chật vật ứng phó với vấn đề giảm phát kéo dài trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.