Thông tin trên, được các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo “Tiềm năng và cơ hội kinh doanh với thị trường các nước khu vực Trung Đông” do Tạp Chí Công Thương và Vụ thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 18/4 vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo có sự tham gia của Ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châp Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), Bà Đặng Thị Ngọc Thu, Tổng biên tập Tạp Chí Công Thương, Ông Lê Bá Ngọc, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Kuwait, Đại diện Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Liên Phương, Giám đốc Học viện Doanh nhân LP Việt Nam - Chủ tịch VChoice Dubai, cùng hơn 150 doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã và đang có nhu cầu xúc tiến thương mại thị trường Trung Đông.
Thị trường Trung Đông – Cửa ngõ của các khu vực kinh tế Đông Tây
Ông Nguyễn Liên Phương, người có nhiều năm gắn bó với thị trường Trung Đông với mô hình Trung tâm bán buôn tại Dubai rất nổi tiếng, cho rằng, Trung Đông là cửa ngõ rất quan trọng, là thị trường lớn hấp dẫn, có tiềm lực mạnh về kinh tế trên toàn cầu. Đặc biệt đây được xem là nơi giao thoa giữa phương Đông với phương Tây, là nơi mà hơn 80% số quốc gia trên thế giới đến được Dubai trong vòng 8 giờ bay, trong đó có đường bay từ Thành phố Hồ Chí Minh và 50% số quốc gia trên thế giới đến được Dubai chỉ trong 4 giờ bay.
Ông Phương nhấn mạnh, đến Trung Đông trong đó có Dubai không phải đến để kinh doanh với người Hồi giáo, mà đây chính là cửa ngõ để tiếp cận với toàn bộ khu vực Châu Phi, Trung Đông, Trung Á và Châu Âu. Đây chính là thị trường đa quốc gia, nhiều cơ hội, nhiều tiềm năng để hợp tác đầu tư. Hiện nay, nhiều sản phẩm của Việt Nam, đã xuất sang thị trường này và rất được ưa chuộng, chính vì thế hàng Việt Nam XK vào khu vực này qua cửa ngõ Dubai tăng rất nhanh. Đơn cử như năm 2003, kim ngạch XK sang thị trường này đã lên đến 4,1 tỷ USD gần như xuất siêu.
Theo ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Đông trong thời gian qua tăng mạnh. Nếu trong năm 2010, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Đông với kim ngạch khoảng 1,6 tỉ USD, thì năm 2013 hàng Việt Nam xuất sang Trung Đông đã tăng gấp 4 lần với kim ngạch gần 6,7 tỉ USD. Thêm vào đó, hiện đang có 17.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Ả Rập Xê Út và khoảng 8.000 lao động đang làm việc tại UAE. Nhu cầu lao động tại hai thị trường này tiếp tục tăng cao.
Theo ông Lê Bá Ngọc, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Kuwait, Chính phủ Kuwait vừa thông qua một số dự án hạ tầng lớn như dự án xây 50.000 biệt thự, 6 bệnh viện qui mô lớn, một thành phố quy mô 400.000 dân và đây là cơ hội rất lớn cho sản phẩm gỗ, vật liệu xây dựng và lao động của Việt Nam vào thị trường này.
Theo ông Ngọc, thời gian qua sản phẩm đồ gỗ Trung Quốc chiếm lĩnh đến 90% thị trường Kuwait. Tuy nhiên, gần đây xu hướng người dân nước này dần chuyển sang sử dụng đồ gỗ Việt Nam nhiều hơn vì chất lượng ổn định, mẫu mã đẹp. Bên cạnh tiềm năng về xuất khẩu các sản phẩm đồ gỗ, vật liệu xây dựng và lao động Việt Nam vào Kuwait trong thời gian tới, người dân Kuwait hiện rất chuộng mặt hàng tôm nhập từ Việt Nam. Ngoài ra, sức mua tại thị trường Kuwait rất lớn, tập trung các sản phẩm như thiết bị ô tô, đồ gia vị, dừa sấy (cơm dừa), bánh kẹo, rau củ quả… Trong năm 2013, Kuwait nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam với kim ngạch gần 80 triệu USD.
“Ngoài các sản phẩm, nhu cầu lao động cho những dự án hạ tầng lớn tại Kuwait rất nhiều, bình quân mỗi năm Kuwait cần từ 80.000 - 100.000 lao động và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam”, ông Ngọc cho biết. Hiện Việt Nam và Israel cũng đang trao đổi dự thảo Hiệp định hợp tác lao động. Một số lao động Việt Nam hiện đang học nghề nông nghiệp tại Israel.
Doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận các nguồn thông tin
Tại Hội thảo, nhiều câu hỏi tập trung xoay quanh về những quy định, quy chế, trong lĩnh vực XK, đặc biệt trong đó là về văn hóa, sắc tộc khi làm ăn với thị trường này.
Thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam làm ăn tại thị trường Trung Đông chủ yếu thông qua các hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa thông thường. Do vậy, theo ông Trần Quang Huy, trong thời gian tới doanh nghiệp Việt Nam nên mạnh dạn xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm, mở văn phòng đại diện, chi nhánh tại thị trường Trung Đông.
Ông Huy cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam những rủi ro khi làm ăn tại thị trường này, cần cảnh giác với những thương vụ quá hấp dẫn, đối tác không mở thư tín dụng (L/C), cần soạn thảo hợp đồng nêu chi tiết những điều khoản rõ ràng hoặc thậm chí cần nêu rõ trường hợp xảy ra tranh chấp thì xử ở đâu, xử theo luật nào và bằng ngôn ngữ phân xử tranh chấp cụ thể.
Để khắc phục các rào cản về thị trường Trung Đông, đặc biệt là rào cản về thông tin, phong tục, tập quán, văn hóa và thủ tục hành chính, các doanh nghiệp Việt Nam cần phát huy triệt để các loại kỹ thuật nghiên cứu thị trường quốc tế.
Tích cực rà soát thị trường, tìm hiểu thông tin từ mạng internet, các trang web Chính phủ, doanh nghiệp, phân tích cơ hội từ xa thông qua các kênh thông tin từ Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán các nước Trung Đông tại Việt Nam, kinh nghiệm các doanh nghiệp đi trước, đối tác nước ngoài để phát triển quan hệ với đối tác.
Đồng thời, cần chú trọng tổ chức và tham gia chủ động, tích cực các hội thảo về thị trường Trung Đông, các cuộc điều tra khảo sát thị trường, các hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm để nắm bắt cụ thể nhu cầu thị trường Trung Đông về các loại hàng hóa, dịch vụ…
Thị trường Trung Đông với 15 nước gồm Ả Rập Xê Út, Bahrain, Qatar, Kuwait, Jordan, Iran, Iraq, Israel, Lebanon, Oman, Palestin, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Syria, Yemen với dân số 322 triệu người, đa số người dân theo Hồi giáo và khu vực này cũng có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt chiếm ¾ trữ lượng thế giới.
Năm 2013 mặt hàng
điện thoại di động và linh kiện (chủ yếu của SamSung) xuất sang thị trường
Trung Đông đạt kim ngạch 4,1 tỉ USD, kế đến là các sản phẩm sợi các loại 324
triệu USD, hàng hải sản 212 triệu USD và các sản phẩm như sữa và sản phẩm sữa,
vải, hạt tiêu, dệt may, giày dép các loại, cao su, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ...