Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26 (AEM hẹp 26) và các sự kiện liên quan đã chính thức khép lại sau 4 ngày diễn ra tại Đà Nẵng (8-11/3/2020).
Với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ 10 nước thành viên, Ban Thư ký và Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN cùng 9 quốc gia đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zeland, Hoa Kỳ, Nga và Canada), AEM hẹp 26 đã ghi đậm dấu ấn tích cực của Chủ tịch ASEAN 2020 là Việt Nam trong công tác tổ chức sự kiện cũng như đề xuất, xây dựng nội dung.
Thắt chặt công tác kiểm soát an ninh, y tế
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, hàng loạt các khâu trong công tác tổ chức AEM hẹp 26 bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các các biện pháp phòng chống dịch không chỉ tại Việt Nam, các nước ASEAN mà còn trên toàn cầu.
Tuy nhiên, với vai trò nước chủ nhà, trong một gian rất ngắn, Việt Nam đã chủ động phối hợp cùng Ban Thư ký cũng như các quốc gia thành viên ASEAN để hoàn tất công tác chuẩn bị, đảm bảo đầy đủ và kịp thời các biện pháp phòng chống dịch tại sự kiện, cũng như các biện pháp duy trì môi trường an toàn chung cho tất cả các đoàn đại biểu tham dự.
Nhờ vậy, công tác an ninh, y tế tại Hội nghị lần này luôn trong tình trạng kiểm soát nghiêm ngặt. Các phương án dự phòng cũng được lên kế hoạch chi tiết và đảm bảo sẵn sàng 24/24.
Theo đó, việc thực hiện tờ khai y tế là bắt buộc đối với tất cả các đại biểu nước ngoài đến AEM hẹp 26. Lực lượng an ninh yêu cầu xuất trình thẻ do Ban tổ chức cấp đối với mọi đại biểu, báo chí, điều phối viên khi ra vào Hội nghị.
Máy quét thân nhiệt được trang bị ngoài cổng an ninh, cùng với đó nhân viên y tế cũng túc trực để trực tiếp kiểm tra thân nhiệt đại biểu Hội nghị thêm 1 lần nữa. Bước qua cổng an ninh, các đại biểu được phát khẩu trang vải kháng khuẩn, đồng thời khuyến khích rửa tay sát khuẩn để đảm bảo an toàn y tế. Các lọ nước rửa tay sát khuẩn cũng được bố trí đầy đủ tại mọi khu vực xung quanh phòng họp, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các đại biểu tham dự Hội nghị.
Chia sẻ với báo chí, ông Maspiyono - thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC) cho biết ngay khi hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), ông đã được kiểm tra y tế, đo thân nhiệt, yêu cầu cung cấp lịch trình di chuyển chi tiết. Khi tới Đà Nẵng, ông tiếp tục được kiểm tra sức khỏe 2 lần là tại khách sạn và trước khi qua cửa an ninh vào tham dự Hội nghị.
Khẳng định điều này là cần thiết, ông Maspiyono cho rằng công tác đảm bảo an toàn cho các đại biểu dự Hội nghị lần này được kiểm soát rất nghiêm ngặt, “và tôi rất yên tâm về điều đó”.
Sáng kiến xuất phát từ thực tiễn
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN, tại Hội nghị AEM hẹp lần này, các Bộ trưởng Kinh tế 10 nước ASEAN đã chính thức thông qua 12 đề xuất về sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Với sáng kiến còn lại liên quan đến giảm cước chuyển vùng quốc tế, các Bộ trưởng cũng thông qua nhưng giao các cơ quan chuyên môn làm rõ thêm một số vấn đề kỹ thuật trước khi triển khai chính thức.
Các sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 tập trung vào các lĩnh vực như thương mại điện tử, thương mại hàng hóa, năng lượng, công nghệ thông tin, nông nghiệp, phát triển bền vững, tài chính, thống kê, đổi mới sáng tạo, v.v…
Các ưu tiên này được xây dựng theo 3 định hướng là thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực nội khối ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, đây đều là những sáng kiến với nội dung sâu rộng, phù hợp với định hướng, vai trò cũng như chiến lược phát triển thống nhất của ASEAN.
Đặc biệt, những nội dung này được phía Việt Nam, do Bộ Công Thương làm chủ trì đầu mối, chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thông qua sự phối hợp chặt chẽ kịp thời với Ban Thư ký và các nước ASEAN, để đảm bảo các sáng kiến không chỉ phản ánh đúng nhu cầu, quan điểm của Việt Nam, mà còn trở thành quan điểm chung của ASEAN, hướng đến phát triển bền vững của khu vực trong thời gian tới.
“Những sáng kiến và những nội dung tại AEM 26 đã đi đúng bản chất, góp phần giúp ASEAN đạt được 3 mục tiêu chính nêu trên, cũng như đảm bảo khả năng thích ứng, ứng phó trong bối cảnh khu vực và toàn cầu đang có nhiều diễn biến mới, nhanh ở mọi lĩnh vực thương mại, kinh tế, dịch bệnh thiên tai,…”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đây cũng là nhận định chung của đại biểu các nước tại AEM hẹp 26, khi bày tỏ sự nhất trí cao với những sáng kiến của Việt Nam trong tiếp tục thực hiện các mục tiêu xây dựng cộng đồng kinh tế chung ASEAN đến năm 2025, đặc biệt thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối, tạo nền tảng gắn kết các quốc gia thành viên, chung tay ứng phó tốt hơn với những tác động từ bên ngoài.
Đáng chú ý, ngay trong tối ngày 7/3/2020, đoàn Việt Nam đã đưa ra đề xuất ASEAN cần có hành động chung nhằm duy trì chuỗi cung ứng trong ASEAN, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến sức khoẻ con người mà còn nền kinh tế của khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Từ đó, Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng đã được đưa ra về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN để đối phó với Covid-19, khẳng định quan điểm và cam kết có trách nhiệm, thống nhất của các Bộ trưởng Kinh tế, cũng như vai trò chủ động thích ứng của Chủ tịch ASEAN 2020 Việt Nam nói riêng và 10 nước thành viên khu vực nói chung.
“Tôi đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 trong việc trong việc đưa ra các sáng kiến nhằm ứng phó với các thách thức của thời kỳ mới, ví dụ như dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp trên toàn cầu”, bà Donna Glutom - Thành viên đoàn quan chức Indonesia cho biết.
Những kết quả thu được từ AEM hẹp 26 sẽ là định hướng quan trọng giúp Cộng đồng Kinh tế ASEAN không chỉ tăng cường khả năng chủ động ứng phó trước các cơ hội và thách thức đang nổi lên từ bối cảnh khu vực và toàn cầu, mà còn góp phần khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN hướng tới củng cố khối đoàn kết khu vực, tăng cường sức mạnh nội khối trong giai đoạn trước mắt và dài hạn, từ đó tiếp tục khai thác hiệu quả hợp tác với các nền kinh tế khác trên thế giới.