Nhìn thẳng vào thực tế
Thời gian qua, nhờ đòn bẩy từ các chính sách, cơ chế thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế chứng minh còn nhiều hạn chế và thách thức mà ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng, nền sản xuất công nghiệp của Việt Nam nói chung cần vượt qua.
Số liệu của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí. Trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước; 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu; và 17% tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, có thể nói khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Cụ thể, đối với ngành dệt may - da giày, 64% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 3% cung cấp cho doanh nghiệp FDI); 9% cung cấp cho xuất khẩu; và 27% cung cấp cho cả hai thị trường.
Đối với ngành cao su - nhựa - hoá chất, số doanh nghiệp cung cấp cho trường trong nước chiếm 52%; cung cấp cho xuất khẩu là 4%; 44% còn lại cung cấp cho cả hai thị trường.
Đối với ngành điện tử, có 44% doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 22% cung cấp hoàn toàn cho FDI); 16% cung cấp cho thị trường xuất khẩu; và 40% số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của ngành cung cấp cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đối với ngành cơ khí, ô tô, 83% doanh nghiệp hoàn toàn cung cấp cho thị trường nội địa; chỉ có 3% doanh nghiệp có doanh thu hoàn toàn từ xuất khẩu; và 14% doanh nghiệp có doanh thu từ cả hai thị trường.
Cũng theo Cục Công nghiệp, mặc dù nhiều hoạt động tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và nhà cung cấp nội địa đã được triển khai, nhưng sự liên kết này vẫn còn lỏng lẻo. Thực tế, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu.
Cùng với đó, quy mô chủ yếu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn là nhỏ nên đa số có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế, dẫn tới khó có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng…
Mặt khác, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cũng đang kìm hãm sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài.
“Đặc biệt, việc đánh giá tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các ngành sản xuất trong nước đã cho thấy rõ, một trong những điểm yếu lớn nhất của kinh tế Việt Nam là nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc lớn vào các chuỗi cung ứng từ nước ngoài. Sự phụ thuộc lớn vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng tạo ra trong nước của ngành công nghiệp chế biến chế tạo thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực”, lãnh đạo Cục Công nghiệp nhận định.
Nỗ lực đưa doanh nghiệp gần hơn với chuỗi cung ứng
Nhằm giải quyết những vấn đề này, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với một số doanh nghiệp đa quốc gia để tăng cường tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Sau nhiều Chương trình hợp tác trong tư vấn cải tiến tại doanh nghiệp phụ trợ, đào tạo chuyên gia tư vấn, kỹ thuật viên khuôn mẫu, tháng 2/2022, Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam đã tiếp tục ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển nhà máy thông minh giai đoạn 2022 - 2023 với mục tiêu đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam và hỗ trợ tư vấn, cải tiến 50 doanh nghiệp áp dụng mô hình nhà máy thông minh trong 2 năm nhằm nâng cao khả năng chuyên môn của đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước, cải tiến năng lực vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp.
Ở giai đoạn đầu, Dự án đã hỗ trợ tư vấn phát triển mô hình nhà máy thông minh cho 14 doanh nghiệp, bao gồm 7 doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh, 2 doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc, 3 doanh nghiệp tại Hà Nội, 1 doanh nghiệp tại tỉnh Hưng Yên và 1 doanh nghiệp tại tỉnh Hà Nam và đạt nhiều kết quả cải tiến khả quan. Các doanh nghiệp đã ghi nhận những cải tiến vượt bậc trong việc tối đa hóa hệ thống, triển khai hiệu quả việc thu thập dữ liệu theo thời gian thực, xây dựng môi trường sản xuất an toàn và năng suất hơn.
Tháng 6/2022, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô, sau thành công của hoạt động hợp tác trong năm 2020 và 2021. Trong khuôn khổ hợp tác, Bộ Công Thương và Toyota Việt Nam đã tổ chức các khóa đào tạo về nâng cao hiệu quả công việc cho 45 nhà cung cấp mới, đồng thời tổ chức các chuyến đi tham quan 2 nhà cung cấp của Toyota và các buổi tọa đàm nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc phát triển nhà cung cấp cũng như tiêu chí tuyển dụng của Toyota. Nhờ đó, các doanh nghiệp đã hiểu thêm về quy trình tuyển dụng và hỗ trợ nhà cung cấp của Toyota.
Những chương trình hợp tác này, bên cạnh việc hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước, còn là cầu nối quan trọng đưa các nhà cung cấp nội địa đến gần hơn với chuỗi cung ứng đa quốc gia.
Đối với Samsung, số lượng nhà cung cấp cấp 1 nội địa đã tăng mạnh từ 4 doanh nghiệp (năm 2014) lên 51 doanh nghiệp vào cuối năm 2021, trong khi số lượng nhà cung cấp cấp 2 cũng đạt 203 doanh nghiệp Việt.
Đối với Toyota, thông qua chương trình hợp tác với Bộ Công Thương, hãng xe này đã tuyển dụng được 1 nhà cung cấp nội địa và đang trong quá trình tìm hiểu 6 nhà cung cấp tiềm năng, nâng tổng số linh kiện nội địa từ 400 lên 724. Với việc tăng cường hợp tác cùng Bộ Công Thương, Toyota Việt Nam đặt mục tiêu tăng thêm nhiều nhà cung cấp và hơn 200 linh kiện nội địa trong năm 2022.
Xác định hướng đi đúng
Dù vậy, Bộ Công Thương cho rằng, cần một hệ thống chính sách hỗ trợ đồng bộ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa từ phía Nhà nước để khắc phục các điểm yếu còn tồn tại. Các chính sách này sẽ bao gồm hỗ trợ phát triển thị trường, đổi mới và nâng cao công nghệ, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nghiên cứu và phát triển, xúc tiến thương mại, phát triển nguồn nhân lực... nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Trong đó, chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ là cần thiết để doanh nghiệp phát triển về số lượng và chất lượng, nâng cao hàm lượng kỹ thuật trong sản phẩm của mình, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như giá trị gia tăng của sản phẩm.
Chính sách hỗ trợ tín dụng đủ mạnh sẽ là trợ lực quan trọng cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn phục vụ sản xuất, giải quyết tình trạng khó khăn trong vay vốn từ các tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mặt khác, với một ngành đặc thù thâm dụng lao động kỹ thuật với trình độ nguồn nhân lực cao như công nghiệp hỗ trợ và trong bối cảnh yêu cầu của các chuỗi cung ứng ngày càng tăng lên, thì cần có các chính sách đột phá về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực công nghiệp để bảo đảm nguồn cung lao động phục vụ cho sản xuất công nghiệp.
Đặc biệt, cần thiết lập các tổ chức, thiết chế hỗ trợ như Cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghiệp, Trung tâm cải tiến năng suất công nghiệp, Quỹ tái cấu trúc doanh nghiệp công nghiệp để tạo dựng những thiết chế, công cụ trực tiếp cung cấp thông tin và giúp đỡ các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đây cũng là những nội dung được đề xuất tại Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp mà Bộ Công Thương đã xây dựng và được Chính phủ thông qua chủ trương. Dự thảo này cũng thẳng thắn cho rằng, đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam chưa có các quy định thống nhất, cụ thể về ưu đãi đầu tư đặc biệt, trong khi đó các ngành công nghiệp Việt Nam rất cần có những đột phá trong việc thu hút đầu tư - đặc biệt là đầu tư FDI để tạo nguồn động lực thúc đẩy phát triển.
“Cần có chiến lược và chính sách thu hút đầu tư đặc biệt để phục vụ phát triển các ngành công nghiệp chủ đạo”, Bộ Công Thương chỉ ra.
Theo đó, cần xây dựng cơ chế thu hút và tiếp nhận có hiệu quả các nguồn lực về tài chính, đa dạng hoá nguồn vốn và liên kết thương mại, chuyển giao công nghệ, nguồn nhân lực - đặc biệt là từ nguồn đầu tư nước ngoài phục vụ việc phát triển công nghiệp. Việc hấp thụ một lượng vốn đầu tư lớn - đặc biệt là đầu tư nước ngoài - cho sản xuất sẽ trực tiếp mở rộng các ngành công nghiệp của Việt Nam và gián tiếp giúp các doanh nghiệp trong nước liên kết lại, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, kèm theo đó là hấp thụ các thành tựu về tri thức quản lý, công nghệ...
Các chính sách dự kiến quy định tại Dự án Luật Phát triển công nghiệp đã được Chính phủ thông qua và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng Luật năm 2023. Hiện Bộ Công Thương đang tiến hành tiếp thu ý kiến thẩm tra của các cơ quan Quốc hội để báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Việc xây dựng Luật Phát triển công nghiệp sẽ tạo lập công cụ phát triển ngành đồng bộ, tạo hành lang pháp lý để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng, thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
[Quảng cáo]