“Siêu thị Công đoàn” - tiện ích cho người lao động
Sau 9 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bên cạnh các mô hình cung ứng sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của công nhân lao động như: các điểm bán hàng cố định, các chuyến hàng lưu động theo định kỳ tại khu vực các Khu công nghiệp, Khu chế xuất thì còn có sự xuất hiện của một số mô hình cung ứng hàng hóa mới, mang tính sáng tạo, năng động của các doanh nghiệp Việt Nam.
Đó là những mô hình được gắn với Chương trình phúc lợi cho công đoàn viên do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động như: mô hình siêu thị Công đoàn, mô hình cung ứng theo hình thức phát Voucher, đưa đón công nhân đến mua sắm trực tiếp tại các cơ sở cung ứng, mô hình Hợp tác xã phúc lợi, mô hình Gạo sạch cho công nhân...
Mô hình "Siêu thị Công đoàn" đã hỗ trợ tích cực người công nhân cải thiện cuộc sống, giúp họ chuyên tâm hơn trong lao động, công tác, nâng cao thu nhậpĐánh giá về tiện ích của những mô hình cung ứng sáng tạo trên, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, mô hình cung ứng mới đã hỗ trợ tích cực người công nhân cải thiện cuộc sống, giúp họ chuyên tâm hơn trong lao động, công tác, nâng cao thu nhập. Mặt khác, những mô hình này còn giúp cho doanh nghiệp có thêm lựa chọn về phân khúc thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó có kế hoạch đổi mới và xây dựng chiến lược lâu dài trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, nâng cao doanh thu, lợi nhuận và đóng góp tích cực vào chương trình chung về bình ổn thị trường.
Đáng chú ý, mô hình “Siêu thị Công đoàn” đang được nhiều doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ và rộng rãi trên cả nước bởi những tiện ích cho công nhân, người lao động. Đặc biệt, các mặt hàng trong “Siêu thị Công đoàn” đều được bán rẻ hơn so với bên ngoài thị trường. Đây là mô hình có nhiều hứa hẹn về chăm lo đời sống cho hàng triệu lao động tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất - ông Trần Duy Đông chia sẻ.
Được thành lập từ tháng 8/2013, mô hình “Siêu thị Công đoàn” của Công ty cổ phần Sao Việt vẫn đang hoạt động tích cực, thu hút hàng trăm lượt người mua sắm mỗi ngày. Tại đây, Công ty Sao Việt cung cấp hơn 800 mặt hàng với đủ các sản phẩm như gạo, rau, thịt, dầu ăn... phục vụ cho hơn 4.300 công nhân lao động. Chia sẻ với phóng viên, đại diện Công đoàn Công ty cho biết, hàng hóa được bày bán tại siêu thị hầu hết đã cắt giảm các chi phí nên sản phẩm, hàng hóa ở đây được bán với giá gốc cho công nhân, chất lượng sản phẩm được công đoàn giám sát.
Hàng hóa được bày bán ở các "Siêu thị Công đoàn" có giá thấp hơn so với thị trường từ 10 -15%Đặc biệt, ở “Siêu thị Công đoàn” Sao Việt, đoàn viên không có tiền vẫn có thể mua được hàng hóa vì hiện nay Công đoàn công ty phát hành các loại thẻ có mệnh giá 50.000, 100.000 đồng, đoàn viên đăng ký nhận thẻ của công đoàn rồi dùng thẻ đó mua hàng, đến kỳ lương thì trả, nhận lại thẻ, mang về cho công đoàn. Nhờ có “Siêu thị Công đoàn”, công nhân lao động Công ty được sử dụng các thực phẩm sạch, giá thấp hơn thị trường.
Tương tự, mô hình “Siêu thị công đoàn” của Công ty Pung Kook Sài Gòn 2 tại Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Bình Dương. Thành lập cách đây 6 năm, hơn 6.000 công nhân đang làm việc tại Công ty đã an tâm khi mua sắm tại siêu thị do Công đoàn Công ty mở ra với đầy đủ các mặt hàng, không thua kém gì các siêu thị trong khu vực.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pung Kook Sài Gòn 2 cho biết, mục tiêu đặt ra của siêu thị là cung cấp nguồn hàng chất lượng, sạch, giá rẻ hơn thị trường cho công nhân nên “Siêu thị Công đoàn” của Pung Kook Sài Gòn 2 là siêu thị “không lợi nhuận”. Để đạt được mục tiêu đó, Công đoàn Công ty đã chủ động tìm kiếm các nhà cung cấp cấp 1 để có được giá tốt nhất, giữ giá bình ổn. Từ khi siêu thị ra đời, đa số công nhân bỏ hẳn thói quen mua sắm ở các tiệm tạp hóa, chợ tự phát, họ hoàn toàn yên tâm vì hàng hóa tại siêu thị đảm bảo chất lượng, giá rẻ và có nguồn gốc rõ ràng.
Chị Trần Thị Lan (quê Ninh Bình, công nhân Công ty Pung Kook Sài Gòn 2) cho biết, lợi ích lớn nhất của “Siêu thị Công đoàn” là sau giờ tan ca công nhân có thể mua hàng ngay trong Công ty. Trước đây, khi ra ca tôi thường ghé vào chợ chiều để mua thực phẩm về nấu bữa cơm tối. Có khi tăng ca phải làm đến 19 giờ, lúc tới chợ người ta còn bán gì thì mua nấy, không có sự lựa chọn. Giờ có siêu thị với nhiều mặt phong phú, đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng giá lại rẻ hơn thị trường từ 10-15%. Quan trọng nhất là tránh được giao thông khi mua sắm vào giờ tan ca ở các chợ tự phát.
Giúp công nhân “né” thực phẩm bẩn
Thời gian gần đây, hàng chục ngàn công nhân lao động đang làm việc và thuê trọ tại khu lưu trú công nhân trên đường Lê Trọng Trấn, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh không còn phải ngược xuôi đi chợ chiều mỗi khi tan ca bởi tại đây, mô hình siêu thị trong khu lưu trú cũng đã được thành lập, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của công nhân mỗi giờ tan ca.
Theo đại diện Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh, đây là chương trình “Chăm lo nhu cầu mua sắm của thanh niên công nhân các khu lưu trú văn hóa” của đơn vị này. Theo đó, gần 20 khu lưu trú ở các quận 6, 7, 12, Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú sẽ được gắn bảng thông tin về hàng hóa do các siêu thị Co.op Mart và Co.op Food cung cấp nhằm hỗ trợ công nhân trong việc mua sắm, phục vụ cuộc sống. Tại đây, niêm yết 200-300 mặt hàng bán với giá bình ổn thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hàng hóa tại các mô hình cung ứng mới đều có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùngĐặc biệt, với hình thức cung ứng mới này, người công nhân có thể tiết kiệm được thời gian mua sắm bằng cách, buổi sáng, trước khi vào giờ làm, công nhân lao động ghi thông tin các loại thực phẩm cần mua vào phiếu đăng ký, sau đó đội ngũ phục vụ sẽ đến tận nơi nhận phiếu đăng ký, giao hàng giúp công nhân. Tại một số điểm, công nhân có thể đặt hàng qua điện thoại và được giao hàng sau giờ tăng ca.
Hay mới đây, Công ty TNHH Long Rich đã thực hiện Chương trình “Gạo sạch cho công nhân” với mong muốn giúp người công nhân tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn, bảo đảm vệ sinh với giá cả hợp lý. Đây là Chương trình mở đầu cho các chương trình đưa thực phẩm sạch, an toàn, giá rẻ đến tận tay công nhân của Công đoàn các Khu công nghiệp, Khu chế xuất.
Theo đó, sản phẩm gạo được Công ty nhập từ Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Kim Sáng, một doanh nghiệp chuyên cung cấp gạo sạch. Theo Chương trình, công nhân sẽ được mua gạo với giá giảm 15% so với giá thị trường và ổn định giá cho đến khi hết thời hạn ký kết và không tăng dù bất cứ lý do gì. Công nhân đăng ký mua gạo sẽ được Công ty giao tận nơi và trả tiền vào kỳ lương hàng tháng. Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ tham gia giám sát chất lượng đầu vào, thời hạn sử dụng, cũng như nắm bắt phản ánh của công nhân về chất lượng gạo.
Bên cạnh đó, mô hình “Hợp tác xã phúc lợi” cũng đang được Công đoàn nhiều Công ty thành lập nhằm mục tiêu cung cấp thực phẩm sạch, chất lượng, giá rẻ cho công nhân với các mặt hàng dành cho bữa sáng như bánh mì, sữa... thực phẩm tươi sống như thịt heo, bò, gà, rau, củ quả và các nhu yếu phẩm khác.
Đánh giá một lần nữa về những mô hình cung ứng hàng hóa mới, sáng tạo, ông Trần Duy Đông nhận định, những mô hình cung ứng hàng hóa như vậy đã tạo điều kiện cho người công nhân đang làm việc tại các Khu công nghiệp có thể tiết kiệm thời gian, từ đó có thể làm tăng ca, cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.
“Với thu nhập, thời gian làm việc của công nhân hiện nay, việc lựa chọn thực phẩm sạch càng khó khăn hơn. Công nhân lao động có thói quen mua sắm ở các chợ tự phát, thực phẩm không được bảo quản dễ dẫn đến ôi, thiu, nhiễm khuẩn, với hệ thống mô hình cung ứng sản phẩm hàng hóa mới, sáng tạo, hi vọng, công nhân lao động tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng”- Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước kỳ vọng.