Nhờ áp dụng TVP, doanh nghiệp nội góp phần giúp Piaggio đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ

Nhờ đáp dụng công cụ cải tiến TVP, sản phẩm ắc quy xe máy của Công ty xuất bán cho Piaggio Việt Nam không chỉ có giá bán cạnh trạnh, mà còn góp phần giúp Piaggio Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ khi xuất khẩu sang Ytalia, Ấn Độ được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA và AIFTA (Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ.
Phân xưởng sản xuất của Piaggio tại Vĩnh Phúc
Phân xưởng sản xuất của Piaggio tại Vĩnh Phúc

 

Năng lực nhận biết điểm nghẽn

Ngày 1 tháng 10 năm 2020, Công ty Hoa Lan nhận được công văn thông báo tăng 5% giá bán nguyên liệu giấy của các nhà cung cấp như  Việt trì, An phú, LeeMan, Corex, Phú giang, Hoàng Hà,… Công ty lập tức lập Nhóm triển khai dự án cải tiến nhằm tiết kiệm năng lượng, không tăng giá bán đến khách hàng cuối cùng.

Tương tự như vậy, khi Công ty cổ phần sản xuất và phát triển công nghiệp Việt Nhật (Indema) nhận được thông tin từ khách hàng và hãng sơn về lỗi bong rộp sơn; hay Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai (Vimico) phát hiện một lượng lớn tàn cực sử dụng dầu để đốt nóng chảy qua tinh luyện làm tăng chi phí chất phụ gia… cũng lập Nhóm triển khai dự án cải tiến.

Sau triển khai dự án cải tiến, một cái kết có hậu đã đến với cả 3 công ty này. Chi phí nhân công, vật tư, thời gian, lỗi sản phẩm, và giá thành giảm xuống, sức cạnh tranh, đơn hàng, lợi nhuận tăng lên.

Đó chưa phải phải là điểm ấn tượng nhất của 3 doanh nghiệp này, cũng như 468 mô hình điểm áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất được Bộ Công Thương hỗ trợ triển khai trong giai đoạn 2012-2020. Theo các chuyên gia năng suất, điều thực sự thuyết phục, điều thực sự tạo ra nhu cầu cải tiến từ nội tại của doanh nghiệp chính là sự tự tin. Tự tin mình có thể chủ động xử lý những vấn đề phát sinh trong bất cứ công đoạn nào, từ sản xuất cho đến kinh doanh.

Sự tự tin ấy đến từ đâu? Có thể đến từ quyết tâm tham gia vào chuỗi cung ứng; có thể nảy sinh trước sức ép cạnh tranh của các đối thủ cùng ngành hàng; có thể đến khát vọng tăng thị phần, chinh phục dỉnh cao mới… Tất cả đều đúng! Nhưng sẽ chẳng biết bắt đầu từ đầu nếu không có kỹ năng cải tiến.

Chính bởi vậy, một nhiệm vụ thuộc Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” được Bộ Công Thương hết sức chú trọng là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực nhận biết những điểm nghẽn, đề xuất phương án cải tiến thông qua các khóa đào tạo tập huấn về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng như ISO 9001, ISO 14000, ISO 50001, ISO 22000, HACCP, và công cụ cải tiến năng suất như 5S, Kaizen, Lean, KPIs, TPM, TVP…

Với nguồn kinh phí còn hạn hẹp, Tổ công tác triển khai Dự án tập trung vào 8 ngành công nghiệp chủ lực, gồm dệt may, da giày, nhựa, hóa chất, thép, năng lượng, điện tử, cơ khí; và một số ngành công nghiệp khác: khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến sữa, rượu - bia - nước giải khát, dầu thực vật…

Tự tin chủ động cải tiến

Công việc hàng đầu và thường xuyên mà Dự án hướng tới là nâng cao nhận thức, năng lực áp dụng các công cụ cải tiến và hệ thống quản lý tại doanh nghiệp, chỉ ra cho doanh nghiệp thấy được các lợi ích và hiệu quả mang lại từ các hoạt động này; đi đôi với đào tạo nâng cao năng lực cho học viên để có thể tự tổ chức các hoạt động cải tiến.

Cuộc thi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng do Bộ Công Thương tổ chức giữa 12 đội lọt vào vòng chung kết vừa qua cho thấy, các Nhóm cải tiến đã áp dụng thuần thục các công cụ cải tiến năng suất. Đó là, bám sát thực tế sản xuất, phân tích chi tiết từng công đoạn, từng khâu sản xuất để tìm ra lỗi, lập giả định và tiến hành kiểm tra nhiều tình huống có thể xảy ra trong quá trình vận hành máy thông qua các mô phỏng trên máy tính. Từ đó, tìm ra giải pháp hiệu quả, khắc phục lỗi trên từng công đoạn của toàn bộ hệ thống.

Trả lời câu hỏi của Hội đồng giám khảo, đại diện PINACO cho biết, nhờ áp dụng công cụ cải tiến TVP phân tích từng hoạt động sản xuất của dây chuyền, từ đó phát hiện nhiều thao tác sản xuất không tạo ra giá trị, nhiều điểm nút thắt cổ chai trên dây chuyền sản xuất. Trên cơ sở đó, đề ra giải pháp cải tiến tổng thể dòng chảy sản xuất như sắp xếp lại layout sản xuất, cân bằng công đoạn, cải tiến một số công cụ sản xuất, thu nhỏ bàn thao tác… giúp loại bỏ các thao tác thừa, tối ưu hoá công đoạn sản xuất.

Nhờ đó, sản phẩm ắc quy xe máy của Công ty xuất bán cho Piaggio Việt Nam không chỉ có giá bán cạnh trạnh, mà còn góp phần giúp Piaggio Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ khi xuất khẩu sang Ytalia, Ấn Độ đưởng hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA và AIFTA (Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ.

Vĩnh Linh