Chỉ số giá hàng tiêu dùng công nghiệp tăng trở lại
Tân Hoa xã dẫn nguồn tin Cục Thống kê Quốc gia (NBS) của Trung Quốc ngày 9/8 cho biết, trong tháng 7/2023 giá thực phẩm tại nước này giảm 1% nhưng giá của các mặt hàng phi thực phẩm tăng 0,5%.
Trong số các mặt hàng phi thực phẩm, giá dịch vụ tăng 0,8%, tương ứng tăng 0,7 điểm phần trăm so với tháng trước.
"Giá dịch vụ chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tăng giá của các dịch vụ du lịch sau sự gia tăng đáng kể các chuyến du lịch vào mùa hè. Giá vé máy bay, du lịch và chỗ ở khách sạn tăng lần lượt là 26%, 10,1% và 6,5%", Dong Lijuan, chuyên gia thống kê của NBS cho biết.
Chỉ số giá hàng tiêu dùng công nghiệp tăng 0,3% so với tháng trước, trái ngược với mức giảm 0,4% trong tháng trước.
Nếu trừ giá lương thực và năng lượng, chỉ số CPI cơ bản tháng 7/2023 tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, với tốc độ tăng thêm 0,4 điểm phần trăm so với tháng 6/2023.
So với tháng 7/2022, CPI của Trung Quốc tháng 7/2023 giảm 0,3%, nguyên nhân được cho do mức tăng CPI cao trong giai đoạn cùng kỳ của năm trước và theo nhận định của chuyên gia NBS, việc CPI giảm so với cùng kỳ năm trước nhiều khả năng chỉ là hiện tượng ngắn hạn.
CPI bình quân từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Với sự phục hồi kinh tế bền vững, nhu cầu thị trường mở rộng ổn định, cung cầu liên tục được cải thiện và giảm dần tác động của mức CPI cao trong cùng kỳ năm ngoái, CPI của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng dần.
Thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục tăng nhanh bất chấp những thách thức trong và ngoài nước, nước này cũng đang mở rộng các biện pháp hỗ trợ để củng cố niềm tin, đảm bảo phục hồi bền vững và thúc đẩy phát triển chất lượng cao.
Quý II/2023, GDP của Trung Quốc tăng 6,3%, tăng mạnh từ mức 4,5% trong quý I/2023; tính chung nửa đầu năm nay chỉ số này đã tăng 5,5%, cao hơn mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc là khoảng 5% trong cả năm 2023.
Một loạt các cam kết chính sách nhắm vào các lĩnh vực cụ thể, từ tiêu dùng, kinh tế tư nhân và thị trường bất động sản đến thị trường vốn và thị trường ngoại hối đã được công khai sau một cuộc họp quan trọng của các nhà lãnh đạo cao nhất.
Đặc biệt, để khuyến khích tiêu dùng – lĩnh vực được Chính phủ Trung Quốc cho rằng đóng vai trò cơ bản trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của nước này mới đây đã công bố kế hoạch 20 điểm thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả phương tiện năng lượng mới, nhà ở, thiết bị, điện tử, ăn uống và du lịch.