Nhựa Tiền Phong (NTP) chuẩn bị chốt chia cổ tức, tăng vốn điều lệ lên hơn 1.400 tỷ đồng

Sau khi hoàn tất việc chia cổ tức đợt tới, vốn điều lệ của của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã cổ phiếu NTP) sẽ tăng thêm 10%, vượt mức 1.400 tỷ đồng.
Nhựa Tiền Phong
Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong dự báo triển vọng kinh doanh trong thời gian tới vấn đối mặt nhiều thách thức.

Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong, mã cổ phiếu NTP - sàn HNX) vừa cho biết, sẽ chốt quyền nhận cổ tức năm 2023 vào ngày 9/7 tới đây.

Theo đó, Nhựa Tiền Phong dự kiến chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 100:10, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 10 cổ phiếu mới.

Nếu đợt phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ của Nhựa Tiền Phong sẽ được nâng lên mức 1.425 tỷ đồng, tương ứng tăng 10%.

Trước đó, vào ngày 14/6, Nhựa Tiền Phong đã hoàn tất việc chia cổ tức năm 2023 đợt 2 bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ được nhận 1.000 đồng cổ tức.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý 1/2024, Nhựa Tiền Phong ghi nhận doanh thu thuần đạt 949 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 130,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 27% và 3% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 17,6% kế hoạch doanh thu và 23,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Đánh giá về triển vọng kinh doanh năm nay, ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong cho biết, nhu cầu tiêu thụ trong thời gian tới có thể chưa khởi sắc do nhu cầu xây dựng khó sớm phục hồi.

Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra cuối tháng 4/2024, ông Trần Ngọc Bảo - Phó Tổng giám đốc tài chính Nhựa Tiền Phong cho biết, hiện giá bán các nguyên vật liệu chính như bột PVC, hạt HDPE, hạt PPR đang neo ở mức thấp và khó có thể tăng cao như giai đoạn cuối năm 2021. Do đó, khả năng tăng doanh thu nhờ tăng giá bán sẽ rất thấp.

Nếu giá nguyên vật liệu chính tiếp tục duy trì như hiện tại, công ty có thể phải hạ giá bán trong thời gian tới để thích nghi với thị trường, ông Trần Ngọc Bảo nói.

Giá cổ phiếu NTP Nhựa Tiền Phong
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu NTP của Nhựa Tiền Phong trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Cổ đông Nhà nước sẽ thoái toàn bộ vốn tại Nhựa Tiền Phong (NTP) và Tập đoàn FPT (FPT)" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Về vấn đề giá bán, ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa Tiền Phong cho biết thêm, giá bán sản phẩm của công ty luôn thấp hơn từ 15 - 17% so với các đối thủ trên thị trường, khiến biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp. Vì thế, mặc dù là doanh nghiệp có doanh số tiêu thụ lớn nhất thị trường nhưng lợi nhuận luôn xếp sau một số đối thủ.

Lý giải về vấn đề trên, Chủ tịch Nhựa Tiền Phong chia sẻ: “Công ty giữ mức giá thấp nhằm thực hiện trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp có vốn cổ phần của nhà nước, chia sẻ khó khăn với đối tác, với các đại lý phân phối, với người tiêu dùng... khi nền kinh tế còn nhiều áp lực”.

Cũng tại Đại hội, ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong tiết lộ, công ty dự kiến sẽ tiếp tục hoàn tất các thủ tục cần thiết để thực hiện dự án Tổ hợp giáo dục Tiền Phong với vốn đầu tư hơn 623 tỷ đồng, dự kiến triển khai từ năm 2024 - 2026. Theo ước tính của Nhựa Tiền Phong, sau khi đi vào hoạt động, dự án có thể đem lại 180 - 200 tỷ đồng doanh thu/năm và thu hồi vốn trong 8 - 10 năm.

Duy Quang