Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) vừa thông báo chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT - sàn HoSE).
Theo đó, PV Trans đã hoàn tất việc phát hành hơn 32 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông. Qua đó, nâng vốn điều lệ của PV Trans lên mức 3.560 tỷ đồng, tương ứng tăng 10%.
Kết thúc quý 1/2024, PV Trans ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.536 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 306 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 29% kế hoạch doanh thu và 40% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, triển vọng kinh doanh thời gian tới của PV Trans ở mức tích cực trong bối cảnh giá thuê tàu dầu duy trì ở mức cao. Các hợp đồng thuê tàu chở dầu thô và xăng dầu thành phẩm với giá thấp trong giai đoạn trước đây của PV Trans cũng chuẩn bị hết hạn, mở ra cơ hội có các hợp đồng mới với mức giá cao hơn.
Hiện Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ước tính, nhu cầu tiêu thụ dầu tại các quốc gia lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... cao hơn gấp 3,7 - 7,1 lần so với nguồn cung nội địa trong giai đoạn 2024 - 2025. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu vận chuyển xăng dầu trên toàn cầu. Trong khi đó, xung đột giữa Nga - Ukraine cũng như sự mất an toàn tại khu vực Biển Đỏ khiến quãng đường vận chuyển trở nên dài hơn.
PV Trans hiện đang sở hữu 52 tàu, bao gồm nhiều chủng loại như tàu dầu thô, tàu dầu sản phẩm, tàu dầu/hóa chất, tàu LPG và tàu hàng rời, với tổng trọng tải gần 1,5 triệu DWT.
Trong đó, khoảng 85% đội tàu của PV Trans hiện đang phục vụ thị trường quốc tế và đa số là ký hợp đồng định hạn với thời hạn từ 6 tháng - 1 năm. Theo các hợp đồng định hạn, chi phí nhiên liệu do khách thuê chịu nên biến động giá nhiên liệu sẽ không ảnh hưởng đến chi phí hoạt động của PV Trans.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, triển vọng tăng trưởng thời gian tới của PV Trans không chỉ đến từ mảng vận tải dầu thô và xăng dầu, mà còn đến từ mảng vận tải hoá chất.
Thị trường vận tải hóa chất được đánh giá là ít biến động mạnh, giá cước ổn định và có biên lợi nhuận gộp cao. Đây cũng là một thị trường tiềm năng khi nhu cầu trong khu vực ở mức cao nhưng nguồn cung còn khá ít.
PV Trans cũng đang có chiến lược xoay trục dần sang mảng vận tải hoá chất với mục tiêu sở hữu khoảng 37 tàu hoá chất vào năm 2025, tương đương khoảng 30% cơ cấu đội tàu. Riêng trong năm nay, PV Trans dự kiến chi hơn 3.100 tỷ đồng để tiếp tục mở rộng đội tàu; trong đó, dự kiến có thêm 3 - 4 tàu chở hoá chất gia nhập đội tàu.
Tuy nhiên, ông Phạm Việt Anh - Chủ tịch HĐQT PV Trans cũng cho biết tổng công ty đang đối mặt với tình trạng thiếu vốn khi công ty đang đẩy mạnh việc mở rộng và “trẻ hoá” đội tàu, cũng như chuyển dịch dần lên các phân khúc thị trường trung và cao như Mỹ và châu Âu, thay vì tập trung khai thác thị trường châu Á, Trung Đông như hiện nay.
Chủ tịch PV Trans nói: “Vấn đề lớn nhất là vốn, phải có lộ trình định hướng, phát triển, đầu tư, theo phân khúc phù hợp. Mục tiêu là tăng quy mô gấp đôi, gấp 3 so với hiện nay. Nhìn chung, phải đưa vốn của công ty lên ngang bằng với Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) hoặc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, để trở thành 3 đơn vị mũi nhọn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”.