Điển hình là vụ tai nạn ngày 12-8 tại huyện Tân Phú, tỉnh An Giang. Một số người dân dựng lại cột ăng ten bị đổ vào đường dây hạ thế, 03 người bị điện giật chết ngay tại chỗ; Ngày 14-6, có 04 người dân huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre dựng cột điện dưới đường dây 22 kV bị phóng điện, gây tử vong 01 người và 03 người khác bị thương nặng; Tại huyện Phước Long, (tỉnh Bình Phước), một số người dân địa phương dựng cột ăng ten chạm đường điện 22 kV gây tử vong 01 người và 02 người khác bị thương nặng... Đấy là chưa kể số nạn nhân chết và bị thương do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp như vụ trèo lên cột điện bắt chim ở tỉnh An Giang ngày 14-3 làm 01 người chết; vụ xây nhà vi phạm hành lang an toàn lưới điện tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bị phóng điện ngày 3-9 khiến một người dân thiệt mạng...
Tai nạn điện trong dân cũng rất đa dạng, không chỉ do dựng cột ăng ten hay vi phạm an toàn hành lang lưới điện, mà ở một số tỉnh như Hải Dương, An Giang... vẫn còn tình trạng dùng điện đánh bắt cá, bẫy chuột gây chết người. Có vụ do dùng dây dẫn điện sau công tơ chắp vá, lắp đặt tuỳ tiện, mối nối của dây hở chạm vào mái tôn, truyền điện sang hàng rào và dây phơi, giật chết một phụ nữ phơi quần áo, hai người khác đến cứu cũng bị điện giật và hậu quả là thêm một người chết, một bị thương nặng phải vào bệnh viện cấp cứu. Đặc biệt, ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, những địa bàn dân cư phân tán, do chưa có điều kiện đưa điện lưới quốc gia về các địa phương, nên người dân tự đầu tư xây dựng thuỷ điện nhỏ, thuỷ điện mi ni, công suất đến 1000 kW/tổ máy để phát điện cho hộ gia đình. Đa số người dân ở vùng này thiếu những kiến thức phổ thông về an toàn điện; sử dụng dây dẫn cách điện không tốt, tiết diện dây lại quá nhỏ, không đạt các tiêu chuẩn tối thiểu; có hộ gia đình còn sử dụng cả dây trần, dây điện thoại và khi nối dây, các mối nối không bọc cách điện; sử dụng các cột điện rất bừa bãi, có khi chỉ là cây sào, tre tươi, cột gỗ mục và chắp nối… Bà con ở nhiều địa phương còn “tiết kiệm” tận dụng cả hàng rào, rặng tre ven đường để mắc dây dẫn điện, đơn giản như việc lắp đặt cầu dao cắt nguồn điện cũng không được chú ý, thậm chí chủ sở hữu thủy điện cực nhỏ cũng ít khi kiểm tra phát hiện xem đường dây dẫn điện bị hở, bị tưa đứt chỗ nào để sửa chữa, thay thế, dẫn đến tình trạng điện không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều người mà còn làm chết cả trâu, bò và gia súc, gây thiệt hại không nhỏ.
Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn trên đây chủ yếu vẫn là do người dân thiếu hiểu biết về an toàn điện, chủ quan, làm bừa, làm ẩu, và hiện tượng vi phạm an toàn hành lang lưới điện còn khá phổ biến. Trong đó một phần do thiếu sự kiểm tra, nhắc nhở của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, thôn, bản ở khu vực vùng cao, vùng xa, chưa thực sự quan tâm đến công tác phát triển thuỷ điện nhỏ và cực nhỏ; không tổ chức, quy hoạch, dẫn đến thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý và không có bộ phận hướng dẫn người dân lắp đặt thiết bị, dây, cột và vận hành sử dụng điện, nên các hộ dân cứ tuỳ tiện, “mạnh ai nấy làm”; việc xây dựng các tổ máy thuỷ điện nhỏ không chỉ gây tai nạn cho người, gia súc, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy của hệ thống giao thông, thuỷ lợi tại các địa phương. Có xã khi xảy ra mất an toàn về điện nhưng địa phương lại sợ mất thành tích không báo cáo kịp thời để giải quyết hậu quả.
Để khắc phục tình trạng gây mất an toàn về điện trong nhân dân, trước hết cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về an toàn điện, đồng thời với việc xử lý nghiêm các vụ vi phạm về an toàn điện, đặc là những trường hợp dùng điện đánh bắt cá, bẫy chuột... Các cơ quan chức năng và địa phương phải có biện pháp bắt buộc người dân khi lắp điện sau công tơ phải thực hiện các quy định về kỹ thuật an toàn, có quy định đối với bên bán điện là vị trí lắp đặt hộp công tơ về hộ dân không được quá dài. Riêng khu vực các tỉnh miền tây Nam Bộ, địa phương cần có giải pháp thích hợp để quy định người dân không lắp dựng ăng ten quá cao, khi có gió bão đổ vào đường dây gây tai nạn. Đặc biệt, đối với các hộ dân xây dựng nhà vi phạm an toàn hành lang lưới điện thì các đơn vị quản lý vận hành lưới điện phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện và phối hợp với các cơ quan liên ngành nhắc nhở, xử lý nghiêm túc các hộ vi phạm. Những nơi dùng điện từ thuỷ điện nhỏ thì khu vực lắp máy phát điện phải có biện pháp phòng tránh cho người và gia súc; đường dây dẫn điện vào gia đình phải có cột đỡ chắc chắn; độ cao dây dẫn phải đảm bảo không gây nguy hiểm cho người, cản trở phương tiện giao thông; tiết diện dây dẫn phải đảm bảo cách điện tốt và phù hợp với công suất máy phát và công suất sử dụng... Một điều hết sức quan trọng là, các cơ quan chức năng và chuyên ngành như sở công nghiệp, điện lực, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, bồi huấn nghiệp vụ cho người dân những kiến thức về quản lý, lắp đặt, sử dụng thiết bị điện, nhằm đảm bảo đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dùng điện.