Đi tìm bài học kinh nghiệm
Có thể nói chuyến thăm và làm việc tại Trạm biến áp (TBA) 220 kV Đông Hà, Quảng Trị là “cú” lách qua khe cửa hẹp trong lịch trình hoạt động của đoàn Công tác Bộ Công Thương.
13h15’ từ thành phố tỉnh lỵ Đông Hà đi về xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong mất hơn nửa tiếng. Thăm và làm việc tại TBA hơn nửa tiếng, quay ra Đông Hà hơn nửa tiếng nữa. Tiếp đến là cuộc làm việc với tỉnh ủy, UBND tỉnh hết sức khẩn trương để kịp chạy ra, check-in tại sân bay Phú Bài, Thừa-Thiên Huế lúc 17h45’.
Nhưng những cuộc chạy ra, chạy vô cấp tập cũng được trả công xứng đáng khi có nửa giờ làm việc tại TBA Đông Hà. Nửa giờ với biết bao câu hỏi của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dành cho đại diện TBA, để tìm ra những bài học kinh nghiệm trong bảo vệ tuyệt đối an toàn về người và cơ sở vật chất của công trình trọng điểm quốc gia – đường dây 220 kV mạch 2 chạy qua Đông Hà, Quảng Trị.
Khi hệ thống chính trị vào cuộc
Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Công Thương về số người dôi dư khi TBA ở đây được đầu tư trở thành “trạm không người”, ông Tiềm, đại diện Truyền tải điện Quảng Trị cho biết, từ 1/7/2019, khi hệ thống tự động hóa TBA đi vào hoạt động thì biên chế của Trạm từ 11 người giảm xuống còn 6 người. 5 người dôi ra, được đưa về đội đường dây để quản lý vận hành đường dây 220 kV mạch 2 Đồng Hới-Đông Hà, và Đông Hà-Huế.
5 anh em này cũng được giao tham gia thêm vào hoạt động tư vấn, giám sát đường dây 500 kV mạch 3 và đường dây 220 kV mạch kép Đông Hà-Lao Bảo cùng TBA 220 kV Lao Bảo.
Giải thích câu chuyện bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và cơ sở vật chất của công trình trọng điểm quốc gia, ông Tiềm cho rằng trước hết là do cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc quyết liệt. Hệ thống cấp tỉnh và cấp huyện đều có Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, do lãnh đạo tỉnh và huyện làm trưởng ban. Các Ban chỉ đạo các cấp đều có thành phần của bên truyền tải điện.
Vấn đề ở đây không nằm ở chỗ có “ban, bệ”, mà chính là sự hoạt động đều đặn và thiết thực. Ông Tiềm lấy ví dụ, những phần công việc “xương” nhất như giải tỏa, cắt tỉa cây cao hai bên hành lang, nếu có vướng mắc gì với nhân dân thì đội đường dây liên hệ ngay với ban chỉ đạo để xử lý.
Yếu tố con người
Nguyên nhân thứ hai, ông Tiềm nói đó là công tác tuyên truyền nhân dân ở các xã dọc hành lang tuyến. Đơn vị phối hợp với Phòng Năng lượng (Sở Công Thương) và Phòng An ninh kinh tế (Công An tỉnh) cùng các ban ngành làm việc với các huyện theo từng chuyên đề. Mùa mưa, mùa nắng nóng có những chuyên đề riêng trong khuyến cáo bảo vệ công trình.
Nhưng có lẽ thú vị nhất là hai kinh nghiệm mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh rất tâm đắc, quay sang Cục trưởng Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Hoàng Tiến Dũng, và Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh bảo, có lẽ nên vận dụng sang công tác tuyên truyền về bảo vệ an toàn hạ lưu hay quy trình xả lũ.
Kinh nghiệm thứ nhất, đơn vị làm một tài liệu chuẩn, nội dung lấy ra từ Nghị định 14 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện lực về an toàn điện.
Ví dụ như nghiêm cấm các hành vi: Thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp; lắp đặt ăng ten thu phát sóng; dây phơi; giàn giáo; biển, hộp đèn quảng cáo… tại các vị trí mà khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào công trình lưới điện cao áp; bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện; đào đất gây lún sụt công trình lưới điện cao áp, trạm điện…
Tài liệu này được đọc thu âm, lưu trong USB, gửi đến các xã nhờ phát trên loa truyền thanh theo những khung giờ nhất định.
Kinh nghiệm thứ hai, qua vận hành, biết rằng quý I hàng năm các xã đều họp về công tác bảo vệ chăm sóc rừng, đơn vị chỉ đạo các đội chủ động liên hệ với xã cho họp "ké", rồi... tranh thủ tuyên truyền luôn.
Những kinh nghiệm này không chỉ “hay” không chỉ “sinh động” trong hình thức tuyên truyền, mà quan trọng hơn là kết quả, đến nay chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra làm mất đoàn kết giữa đội bảo vệ công trình với nhân dân. Người dân cũng chưa xây dựng hoặc có những hoạt động xâm phạm an toàn hành lang lưới điện.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, TBA tự động, công nghệ mới, thiết bị hiện đại rất cần thiết trong hiện đại hóa ngành điện, nâng cao năng suất lao động và hiệu suất khai thác của thiết bị. Nhưng yếu tố quan trọng nhất, và bài học rút ra có ý nghĩa nhất tại đây vẫn là yếu tố con người.
Bộ trưởng phân tích thêm, đặt trong điều kiện tỉnh Quảng Trị còn nhiều khó khăn, tuyến hành lang bảo vệ khá dài, trên 70 km mới thấy hết yếu tố con người quan trọng thế nào trong bảo vệ công trình trọng điểm quốc gia tuyệt đối an toàn.
Yếu tố con người còn được Bộ trưởng nhắc đến khi duy trì hoạt động tuyên truyền “trúng” và “đúng” cũng như mức độ thường xuyên, liên tục đã tạo ra trong nhân dân những thói quen mới, những tập quán mới để trở thành ý thức mới - ý thức chấp hành pháp luật. "Mọi hoạt động, ý thức chấp hành pháp luật đều bắt đầu từ tuyên truyền “trúng” và “đúng” - Bộ trưởng khẳng định.
Từ đó, Bộ trưởng mở rộng ra, yếu tố con người càng phải được đề cao từ quan điểm chiến lược trong đầu tư phát triển, ví như việc đầu tư vào hạ tầng năng lượng phải đi trước một bước và có tính dự báo thì mới có thể khai thác tốt nguồn điện một cách hiệu quả.
Đối với ngành điện, phát huy yếu tố con người trong chiến lược đầu tư phát triển cũng thể hiện ở chỗ đảm bảo được sự đồng bộ hóa giữa nguồn với lưới và trạm điện.