Bộ Công Thương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng quốc gia

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Trị mới đây, tiếp nối chuỗi làm việc tại một số tỉnh, thành phố ngay sau khi Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành, nhằm cụ thể hóa và quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị trong việc kết nối, phối hợp cùng địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đột phá trong năng lượng tái tạo mang tên Quảng Trị

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua, nhận định lợi thế đặc thù mà tỉnh có được, Quảng Trị đã chủ động tìm hướng đi đúng trong phát triển điện gió, điện mặt trời, đưa công nghiệp năng lượng trở thành một trong những trụ cột quan trọng đóng góp vào thu hút đầu tư và tăng trưởng của tỉnh.

Đến nay, Quảng Trị đã có 3 dự án điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất 149,5MWp, trong đó 2 dự án đang tạm dừng thi công do chưa có quyết định thay thế Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời.

Ngoài ra, có 19 dự án điện mặt trời chưa được bổ sung quy hoạch tổng công suất 1.603,12MWp.

Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Công Thương với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị
Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Công Thương với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị

Mặt khác, Quảng Trị hiện có 72 dự án điện gió được đề xuất với tổng quy mô công suất 3.684MW, trong đó 17 dự án đã được phê duyệt quy hoạch tổng công suất 608MW.

Có 2 dự án đã đi vào hoạt động tổng công suất 60MW; 15 dự án đã được quy hoạch đang triển khai đầu tư tổng công suất 548MW; 55 dự án chưa được bổ sung quy hoạch tổng công suất 3.176MW. 

Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, nổi bật trong các dự án này có dự án điện gió tại xã Tân Hợp do chính doanh nghiệp của tỉnh đầu tư thực hiện, hiện đang trình Bộ Công Thương phê duyệt.

Đại diện Quảng Trị hy vọng, Bộ Công Thương có thể quan tâm ưu tiên hỗ trợ cho dự án này để tạo động lực cho các doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, khai thác đầu tư hơn nữa, góp phần nâng cao vị thế cộng đồng doanh nghiệp Quảng Trị cũng như đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị chia sẻ về kết quả tích cực mà tỉnh đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt với lĩnh vực năng lượng
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị hy vọng Bộ Công Thương tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện cho phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong thời gian qua, đặc biệt năm 2019, tỉnh Quảng Trị đã đạt được mức tăng trưởng tốt, theo đúng hướng cơ cấu nền kinh tế ngày càng hiện đại hơn và đặc biệt là khai thác được những tiềm năng vốn có của tỉnh nhà.

Người đứng đầu ngành Công Thương chia sẻ, khi mà Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị vừa mới ban hành, thì chuyến đi của Bộ Công Thương đến một số tỉnh miền Trung vô cùng có ý nghĩa, tạo cơ hội lắng nghe và nắm bắt thực tiễn tại từng địa phương, từ đó xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết hiệu quả.

Một trong những nội dung mà Nghị quyết 55 hướng đến là phát triển một cách hài hòa các nguồn năng lượng nhưng đặc biệt chú trọng vào các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Việc đổi mới quản lý và hướng tới những cơ chế, chính sách có tính đột phá là một nội dung quan trọng để thực hiện được mục tiêu trên, như Quyết định 11 của Thủ tướng về điện mặt trời hay Quyết định 39 về điện gió thời gian qua.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ghi nhận các kiến nghị của tỉnh Quảng Trị, đồng thời đánh giá cao nỗ lực chủ động của tỉnh trong thời gian qua
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ghi nhận những ý kiến đóng góp và chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, đồng thời đánh giá cao nỗ lực chủ động của tỉnh trong thời gian qua

Nghị quyết 55 cũng sẽ tạo điều kiện cho việc thúc đẩy đột phá trong đầu tư hệ thống hạ tầng, cơ chế tài chính để phát triển ngành điện, theo Bộ trưởng.

“Do đó, chúng tôi đồng tình và ủng hộ quan điểm tiếp cận của các đồng chí về xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng quốc gia, đánh giá cao việc Quảng Trị coi công nghiệp năng lượng như một trụ cột quan trọng để giúp tỉnh phát triển và phát triển bền vững trong thời gian tới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, cho biết Bộ Công Thương sẽ tiếp tục quan tâm hơn trong quá trình xây dựng, tham mưu chính sách thực hiện Nghị quyết 55, hướng tới tạo thuận lợi tối đa cho địa phương.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lắng nghe chia sẻ thực tế hoạt động của doanh nghiệp tại Trạm biến áp 500kV Đông Hà
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lắng nghe chia sẻ thực tế hoạt động của doanh nghiệp tại Trạm biến áp 500kV Đông Hà

 

Bộ Công Thương “chạy” nước rút cùng địa phương

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, thời gian qua do vướng mắc ở việc thực hiện Luật Quy hoạch, không chỉ Quảng Trị mà các địa phương khác cũng đang phải đối mặt với việc dồn lại rất nhiều dự án điện gió có nguy cơ không thể tiếp cận ưu đãi theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió trước khi Quyết định này hết hiệu lực vào ngày 1/11/2021.

Do đó, việc cấp thiết trước mắt là Bộ Công Thương sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Trị rà soát, thống nhất một số dự án ưu tiên thúc đẩy tiến độ đưa vào quy hoạch để các nhà đầu tư có cơ sở triển khai hoàn thiện hồ sơ, sớm tiếp cận cơ chế ưu đãi theo Quyết định 39. Trong đó, dự án điện gió Tân Hợp của doanh nghiệp bản địa sẽ được ưu tiên trước.

Với một số dự án cần thiết có thể không chờ đến Quy hoạch Điện VIII mà bổ sung ngay vào Điện VII điều chỉnh nếu xem xét và cân đối thấy phù hợp trong tổng thể hệ thống lưới điện quốc gia.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, công tác thẩm định và phê duyệt các dự án bổ sung quy hoạch sẽ dựa trên những nguyên tắc Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã đề ra, bao gồm: (1) Đáp ứng tất cả điều kiện cơ bản nhất trong đấu nối, giải tỏa và công tác giải phóng mặt bằng; (2) Năng lực nhà đầu tư; (3) Thứ tự đăng ký bổ sung vào quy hoạch.

Việc tuân thủ triệt để, sàng lọc hợp lý nhất hướng đến tối ưu hóa lợi ích của nhà đầu tư và địa phương, “không phê duyệt vô tội vạ khiến tạo ra lãng phí lớn cho nguồn lực xã hội và ảnh hưởng đến chính sách của Chính phủ” khi các nhà đầu tư cố hoàn thiện thủ tục để hưởng ưu đãi theo Quyết định nhưng đến thời hạn lại không thể đấu nối thương mại.

Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị để giúp các nhà đầu tư kịp hưởng ưu đãi từ Quyết định 39
Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị để giúp các nhà đầu tư kịp hưởng ưu đãi từ Quyết định 39

Chia sẻ với những trăn trở của nhiều địa phương thời gian này, Bộ Công Thương cho biết sẽ nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và có thể báo cáo tham mưu Chính phủ kéo dài thời hạn hiệu lực của Quyết định 39 đến năm 2022 hay 2023 nếu phù hợp, bù lại thời gian trễ do vướng mắc của Luật Quy hoạch, giúp nhiều hơn các dự án điện gió tiếp cận cơ chế ưu đãi.

Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, dù cho thời gian hiệu lực của Quyết định 39 có được điều chỉnh hay không, thì bên cạnh các dự án nguồn điện vẫn cần cập nhật và bổ sung ngay trong quy hoạch điện lực các dự án hạ tầng, bao gồm cả trạm biến áp và hệ thống đường dây, để đảm bảo giải tỏa công suất đủ cho hàng loạt dự án điện sắp đi vào hoạt động.

Bởi theo tính toán, hệ thống truyền tải của Quảng Trị hiện nay chỉ có thể đáp ứng giải tỏa thêm không quá 450MW điện gió, tương ứng với tổng công suất điện gió tỉnh này là 1.128MW.

Trong khi đó, chỉ riêng các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đang trình thẩm định đã lên tới khoảng 2.500MW, chủ yếu nằm tại huyện Lao Bảo.

Đoàn công tác Bộ Công Thương cùng đại diện EVN tại Trạm biến áp 500kV Đông Hà
Đoàn công tác Bộ Công Thương cùng đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và tỉnh Quảng Trị tại Trạm biến áp 500kV Đông Hà

Trên cơ sở ý kiến của đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cùng EVN, Bộ trưởng Bộ Công Thương giao cho Cục phối hợp với Tập đoàn và làm việc với Quảng Trị, rà soát lại từng dự án cụ thể đặt trong tổng thể, cũng như yêu cầu của những dự án này về giải tỏa công suất, để đánh giá thực tiễn hiện nay khả năng giải tỏa đến đâu, cần tập trung vào khu vực nào và giải pháp kỹ thuật nào có thể thực hiện để nâng công suất giải tỏa.

"Với các công trình cần thiết có thể đưa luôn vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, để đến thời điểm có nhiều dự án nguồn điện hơn được phê duyệt đầu tư thì việc giải tỏa công suất đã sẵn sàng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, Quảng Trị hoàn toàn có thể tham khảo mô hình dự án tại Ninh Thuận hiện đã được Chính phủ cho phép thí điểm, theo đó thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân có đủ tiềm năng, đủ năng lực vào đầu tư các trạm biến áp, đường dây 500kV để đấu nối transit hay đấu nối thu gom các dự án năng lượng tái tạo theo đúng quy định của pháp luật, góp phần giải tỏa công suất lớn hơn cho hệ thống nguồn điện của tỉnh.

“Mục tiêu chúng tôi hướng đến là làm đồng bộ tất cả những giải pháp đó thì mới đảm bảo đưa Quảng Trị thật sự trở thành trung tâm năng lượng và khai thác hết tiềm năng tỉnh nhà đang có”, người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các nghiên cứu thực tiễn và phương án tháo gỡ tối đa những vướng mắc mà địa phương còn đang gặp phải, dự kiến báo cáo lại lãnh đạo Bộ vào đầu tháng 3 tới đây.

Thy Thảo