Ông Phương Tấn Bình - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH NN MTV Phụ tùng Máy số 1: “Người lao động làm việc trong môi trường độc hại chưa được đãi ngộ thoả đáng”
Do đặc thù của ngành sản xuất cơ khí, người lao động thường xuyên phải làm việc với cường độ lao động khá nặng nhọc và môi trường độc hại, nên Công ty chúng tôi luôn đặc biệt quan tâm và chú trọng đến công tác AT-VSLĐ-PCCN. Hàng năm, chúng tôi đều dành một khoản kinh phí cho công tác an toàn vệ sinh lao động và cải tạo môi trường làm việc cho người lao động. Năm 2005, chúng tôi đã đầu tư 1,3 tỷ đồng cho công tác này và mời đơn vị chuyên môn về đánh giá tác động môi trường sản xuất trong Công ty, từ đó có định hướng tiếp tục đầu tư đảm bảo môi trường ngày càng tốt hơn. Song, qua việc thực hiện công tác AT-VSLĐ-PCCN, chúng tôi còn thấy tồn tại rất nhiều bất cập không chỉ là “trăn trở” của Công ty Phụ tùng số 1 mà còn là trăn trở của rất nhiều đơn vị sản xuất trong ngành Cơ khí hiện nay.
Thứ nhất, người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại theo quy định chung của Bộ LĐTBXH mỗi ngày được bồi dưỡng 2.000 đồng. Tuy nhiên, khoản tiền bồi dưỡng này là quá thấp so với mặt bằng giá cả hiện nay. Người lao động thường mắc các bệnh nghề nghiệp là bệnh phổi silic và điếc. Vì vậy, chúng tôi rất mong Nhà nước quan tâm và có nhiều đãi ngộ hơn nữa tới người lao động làm việc trong môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại để họ thực sự yên tâm làm việc.
Thứ hai là, màng lưới ATVSV ở ngay tại các tổ, phân xưởng sản xuất được đánh giá rất cao, tùy từng đơn vị có nơi thì trích một phần quỹ chi trả thù lao cho họ, có nơi thì không chi vì chưa có quy chế rõ ràng cho những người làm công tác này. Nên chăng, cần có quy định khen thưởng thống nhất trong toàn Ngành để khuyến khích họ làm công tác này ngày càng tốt hơn.
Ông Nguyễn Đức Cảnh: Phó Giám đốc Công ty Than Uông Bí: Những năm qua công tác An toàn – BHLĐ của Công ty có nhiều đổi mới về quản lý, nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
Công ty Than Uông Bí có gần 7.500 CBCNV, với 5 xí nghiệp khai thác than, 01 xí nghiệp sửa chữa ôtô, 01 xí nghiệp sàng tuyển và cảng, 02 công ty cổ phần Du lịch và Kinh doanh tổng hợp.
Năm 2005, Công ty Than Uông Bí khai thác được 2 triệu tấn than nguyên khai. Số người chết do tai nạn lao động giảm được 1/3 so với năm 2004 nhưng vẫn xảy ra các vụ tai nạn lao động nặng và nhẹ mà nguyên nhân chủ yếu là người lao động còn chủ quan, cắt bớt công đoạn trong thao tác và trong quy trình công nghệ. Ngoài ra, trong khai thác than cũng có nhiều vi phạm về quy trình, quy phạm trong chỉ huy và thực hiện nổ mìn, kiểm tra, xử lý hệ thống cột chống thủy lực và điều khiển đá vách…
Năm 2006 công tác an toàn và BHLĐ của Công ty sẽ tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:
- Giáo dục tác phong công nghiệp cho thợ lò và người lao động, kiên quyết loại bỏ tính tùy tiện, cắt bớt công đoạn trong thao tác công việc.
- Tổ chức huấn luyện và đào tạo để công nhân nắm chắc quy trình vận hành các thiết bị mới như cột, giàn chống thủy lực máng cào, băng tải, máy đào lò và khấu than. Tổ chức giám sát chặt chẽ người lao động, buộc họ thực hiện nghiêm túc quy trình công nghệ mới, để giảm tai nạn lao động.
- Tổ chức huấn luyện cho hệ thống giám sát an toàn viên, huấn luyện công nghệ chỉ huy, quản lý, từ cấp lò trưởng đến quản đốc phân xưởng.
- Ban hành quy chế và bộ máy quản lý mới về công tác An toàn – BHLĐ từ Công ty đến xí nghiệp.
- Tăng cường công tác giáo dục, kiểm tra về An toàn – BHLĐ.
Ông Trần Ngọc Lương – Phòng Kỹ thuật TCty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam: Trang thiết bị BHLĐ đáp ứng chưa kịp với quy mô các công trình lớn, đòi hỏi tiến độ thi công gấp rút; Sự phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình thi công còn thiếu đồng bộ.
Hàng năm, TCty đều tổ chức phát động tuần lễ an toàn, tổng kết rút kinh nghiệm và đề ra những giải pháp, biện pháp về công tác an toàn, có mạng lưới an toàn viên thường xuyên kiểm tra tại hiện trường, tích cực đôn đốc, nhắc nhở…, nhưng tai nạn lao động vẫn xảy ra, chủ yếu vì: Trước hết là do tính chất công việc, ngành nghề có đặc thù riêng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là trong việc xây lắp điện, luôn phải thi công trên địa bàn trải rộng, khó bao quát. Trong khi đó, một số công trình đòi hỏi tiến độ gấp rút, thì khâu kiểm tra, kiểm soát chưa được chu đáo, do không có điều kiện kiểm tra cuốn chiếu theo từng tổ, từng khu vực thi công. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ, hoặc người công nhân chủ quan, coi thường công tác an toàn lao động là TNLĐ có thể xảy ra. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình thi công còn chưa chặt chẽ, chẳng hạn việc cấp vật tư, thiết bị chưa được đồng bộ, thậm chí chậm trễ, hoặc việc bàn giao công trình còn chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ cũng dẫn đến nguy cơ TNLĐ. Mặc dù hàng năm TCty và các đơn vị thành viên đều tích cực mua sắm thêm nhiều vật tư, thiết bị BHLĐ, có cả những thiết bị đắt tiền (có loại dây an toàn trị giá hàng triệu đồng), nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển các công trình lớn, gấp rút. Chi phí bảo hộ lao động lại không có trong bảo hiểm phải mua, mà tính vào trong giá thành, nên cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong khi tính toán đấu thầu. Chế độ đãi ngộ với người chuyên trách về công tác ATLĐ còn chưa phù hợp, chưa được quan tâm đúng mức…
Để thực hiện tốt hơn công tác ATLĐ, chúng tôi mong muốn Bộ Công nghiệp sớm có hướng dẫn cụ thể về an toàn kỹ thuật điện cho các đơn vị xây lắp điện, chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành lưới điện với các đơn vị xây lắp điện, tăng cường sự phối hợp đồng bộ... Nhà nước cũng cần có chế độ thi đua khen thưởng đặc biệt với một số ngành nghề đặc biệt, dễ xảy ra tai nạn lao động, lưu ý xem xét các nguyên nhân và cân nhắc mức độ tai nạn để bình xét thi đua.
Ông Nguyễn Hà Nam: Chánh Văn phòng Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà: Thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, PCCN là trách nhiệm của toàn thể CBCNV.
Với tổng số 1.650 CBCNV, trong nhiều năm nay, Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà luôn thực hiện tốt các quy định về BHLĐ, không để xảy ra tai nạn lao động, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong lao động sản xuất, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người lao động, góp phần ổn định và phát triển Công ty.
Là đơn vị sản xuất thực phẩm bánh kẹo, không gây độc hại và ô nhiễm môi trường với các chỉ tiêu môi trường được Trung tâm Y tế, môi trường LĐCN, Bộ Công nghiệp đánh giá tốt, song, để làm tốt hơn nữa công tác này, Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà cần tập trung vào một số vấn đề như:
- Khắc phục tiếng ồn để đảm bảo sức khoẻ cho đội ngũ công nhân tại các phân xưởng.
- Kiện toàn và bổ sung đầy đủ các nội quy về an toàn lao động, quy trình vận hành các thiết bị còn thiếu, thiết bị mới nhập (Dây chuyền kẹo que, nồi nấu…).
- Bổ sung các bảng nội quy sử dụng và vận hành máy móc, thiết bị còn thiếu.
- Sửa chữa, lát lại nền nhà khu vực đánh bột phục vụ dây chuyền sản xuất bánh kem xốp.
- Duy trì thực hiện các công việc về bảo hộ lao động (khám sức khỏe định kỳ, tổ chức đo kiểm tra môi trường lao động…).
- Các đơn vị thành viên trực thuôc Công ty cần thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở CBCNV thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, PCCN, đặc biệt tại Xí nghiệp sản xuất bánh cần thực hiện bảo vệ an toàn 3 máy nén khí; Làm bảo hiểm cho nồi nấu kẹo, máy đóng gói tại Xí nghiệp sản xuất kẹo.
- Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin nội bộ như phát thanh, khẩu hiệu, băng rôn về công tác ATVSLĐ, PCCN.
Ông Tôn Long Ngà: Giám đốc Công ty cổ phần Chế tạo Biến thế Hà Nội: Phải tạo được ý thức tự giác cho người lao động.
Công ty đã thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về công tác AT-VSLĐ-PCCN. Cụ thể, tạo điều kiện cho người lao động có môi trường làm việc tốt, trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn lao động; khám sức khỏe định kỳ; thực hiện đầy đủ các chế độ bồi dưỡng, phụ cấp độc hại… Ngoài ra, hàng năm, Công ty còn tổ chức đi du lịch, nghỉ mát để phục hồi sức khỏe cho người lao động. Chính vì vậy, nhiều năm qua, Công ty không để xảy ra tai nạn lao động… và được các đoàn kiểm tra của Bộ Công nghiệp, Liên Đoàn Lao động Việt Nam và Hà Nội đánh giá cao về công tác AT-VSLĐ-PCCN.
Có thể nói, các chế độ của Nhà nước về công tác AT-VSLĐ-PCCN hiện nay tuy nhiều nhưng vẫn còn nhiều bất cập như thiếu tính cụ thể, các văn bản hướng dẫn ban hành chậm. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn làm tốt công tác này nếu tạo được ý thức tự giác, tự phòng ngừa tai nạn của người lao động.
Ông Ngô Thanh Nguyên: Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Thiết bị điện (THIBIDI): Nếu thực hiện tốt công tác an toàn sẽ không xảy ra tai nạn.
THIBIDI chuyên sản xuất và cung cấp sản phẩm máy biến áp các loại là một trong những công ty hàng đầu của Tổng Công ty Thiết bị kỹ thuật điện. Công nhân, viên chức có thu nhập cao, đời sống ổn định, mọi chính sách chế độ được Công ty quan tâm giải quyết thỏa đáng.
Công ty đã thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người lao động như: trang bị BHLĐ; thực hiện và kiểm tra thường xuyên công tác an toàn lao động; kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm và có kế hoạch an dưỡng tại chỗ và cho đi điều dưỡng.
THIBIDI luôn đặt quyền lợi của người lao động là mục tiêu phấn đấu và lãnh đạo Công ty có sự quan tâm đặc biệt.
Mặc dù, môi trường làm việc của Công ty có tính đặc thù, nhưng nhiều năm qua đã không xảy ra 1 tai nạn lao động hay vụ cháy nổ nào.
Có thể nói, nếu các doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách, quy định của Nhà nước về công tác AT-VSLĐ-PCCN thì sẽ hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn lao động hay cháy nổ.
Ông Nguyễn Duy Sỹ: Phó Tổng giám đốc- Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam: Thưởng phạt kịp thời mới có động lực.
Sau 5 năm triển khai công tác AT-VSLĐ-PCCN của Tổng công ty chúng tôi, bước đầu đã thu được một số kết quả đáng khích lệ.
Tổng công ty đã thường xuyên quán triệt đầy chủ trương và chỉ thị của Bộ và Ngành về công tác AT-VSLĐ-PCCN cho 36 đơn vị thành viên, với hơn 31.000 ngàn lao động, trong đó có khoảng 8.854 lao động nữ và 10.990 lao động loại 4 đến loại 5. Tổng công ty đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, xây dựng kế hoạch, củng cố kiện toàn bộ máy chuyên trách về an toàn công nghiệp, mở lớp tập huấn về bảo hộ lao động cho các đơn vị. Mặt khác, Tổng công ty luôn chú trọng công tác tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được và tìm những nguyên nhân tồn tại, có tổng kết khen thưởng kịp thời, nên đã có kết quả tốt, nhất là năm 2005 số vụ tai nạn giảm hơn so với các năm trước đó.
Từ năm 2001 – 2005, Tổng công ty không có tai nạn chết người do cháy nổ. Tổng công ty đã coi trọng đầu tư cho công tác bảo hộ lao động. Năm 2001, Tổng công ty đầu tư 44,2 tỷ đồng thì đến năm 2005 đã lên tới 53,2 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Tổng công ty rất mong được Bộ Công nghiệp và các cơ quan chức năng thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc, tạo điệu kiện giúp đỡ Tổng công ty làm tốt hơn nữa công tác an toàn BHLĐ ở một tổng công ty hoạt động trong môi trường độc hại, luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNLĐ.