Các Chuyên gia văn hóa khuyên những điều cần kiêng kỵ trong ngày cúng ông Công ông Táo như sau:
Không làm lễ cúng ông Công ông Táo sau ngày 23 tháng Chạp
Thời gian cúng lễ Táo Công không quá nghiêm ngặt, có thể làm lễ từ ngày 21 tháng Chạp, nhưng nhất thiết không được làm lễ quá muộn. Từ 23h đêm ngày 23 tháng Chạp trở đi đã được tính sang ngày mới, nếu làm lễ cúng vào thời điểm này thì không đúng với phong tục, là điều kiêng kỵ khi cúng ông Công ông Táo không được quên.
Theo quan niệm dân gian, từ 12h trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm các Táo bay về trời. Tuy nhiên theo thời gian thì quan niệm này cũng dần thay đổi, tùy theo điều kiện gia đình mà làm lễ cúng, vẫn có gia đình làm lễ vào tối ngày 23.
Tốt nhất là gia chủ nên sắp xếp công việc để làm lễ cúng trong khoảng thời gian phù hợp, có thể làm từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12h ngày 23 tháng Chạp.
Chuẩn bị đồ cúng
Việc cúng lễ quý ở thành tâm, đồ cúng lễ 23 tháng Chạp không quá cầu kì nhưng cần sự chu đáo, tỉ mỉ để không bỏ sót điều gì. Mâm lễ cúng ông Công ông Táo có thể là lễ chay, cũng có thể là lễ mặn, tùy theo điều kiện gia đình
Việc cúng lễ trong ngày 23 tháng Chạp không nhất thiết phải quá cầu kỳ. Tùy điều kiện và hoàn cảnh mà gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ chay hoặc mặn, các món gia chủ yêu thích, dễ làm, đơn giản, nhanh gọn.
Tuy nhiên, dù thành tâm đến đâu gia chủ cũng lưu ý không nên cúng món cá rán. Lý do nhắc đến điều này là vì có nơi nhiều cúng cá rán thay vì phóng sinh. Họ cho rằng, cúng cá rán chính là một cách “gửi” phương tiện đi lại cho các vị Táo lên chầu trời.
Ngoài ra một số loại thịt tuyệt đối không đem cúng vào ngày 23 tháng Chạp như các món làm từ vịt, chim, ngỗng, trâu, bò, dê, chó…
Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta sẽ cúng các Táo một con gà luộc. Con gà này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ các Táo xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy.
Không đốt vàng mã quá nhiều
Theo quan niệm dân gian, các Táo ở đây là 2 Táo ông và 1 Táo bà, vì thế gia chủ cần chú ý chuẩn bị đủ 3 bộ mũ áo vàng mã cho 3 vị. Đồ vàng mã sẽ được hóa cho các vị thần linh sau khi lễ cúng hoàn thành. Vì vậy, không nên đốt quá nhiều vàng mã. Thông thường người dân sẽ chuẩn bị 3 con cá chép thật hoặc 3 con cá chép giấy để làm “ngựa” tiễn Táo về trời.
Sau lễ cúng, các gia đình thường tiến hành hóa vàng. Sau đó, họ rải tro xuống sông hồ kết hợp với phóng sinh cá chép đã cúng ông Táo.
Việc thờ cúng quá nhiều vàng mã sau đó hóa vàng rồi đổ ra sông, hồ cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường.
Tránh phóng sinh thành sát sinh
Cá chép loài vật tượng trưng cho thần linh. Vì vậy sau khi cúng lễ, các gia đình không nên thả từ trên cao như trên cầu, bờ xa ném cá xuống nước. Các gia chủ nên thả cá chép nhẹ nhàng và không nên xả rác gây ô nhiễm môi trường
Cũng không nên mua quá nhiều cá chép, nếu có ý định thả phóng sinh thì nên có kế hoạch từ trước để chọn nơi thả phóng sinh cho phù hợp.
Nên mua những con cá chép khỏe mạnh bơi nhanh, không tróc vảy để sống được lâu hơn ở môi trường khác.
Phóng sinh cá phải xuất phát từ lòng từ bi không nên theo phong trào, kẻo việc làm thì tốt nhưng không mang lại hiệu quả.
Khi phóng sinh cá cần tâm trạng vui vẻ, thoải mái, luôn tâm niệm phóng sinh cá là việc thiện lành, phúc đức.
Tránh việc xem ngày, xem giờ tốt xấu rồi mới thả có. Phóng sinh cần đến từ cái tâm của con người chứ không phải mê tín.
Không cúng lễ trong bếp
Nhiều người Việt cho rằng ông Công là vị thần thần cai quản đất đai của gia chủ, cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà còn ông Táo là vị thần trông coi việc bếp núc nên sẽ được cúng dưới bếp. Tuy nhiên trên thực tế việc thờ cúng như vậy là không đúng với phong tục và quy tắc truyền thống lâu đời của dân tộc.
Theo truyền thống khi cúng ông Công – ông Táo, nếu gia đình không có bàn thờ Táo quân riêng thì phải thắp hương ở bàn thờ thần linh hoặc bàn thờ gia tiên chứ không nên cúng lễ ở bếp hay bàn thờ Phật.
Hơn nữa, khu bếp là nơi đun nấu, không phải nơi để cúng lễ. Vì vậy, lễ cúng ông Công ông Táo cần thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà.
Ban thờ chính của gia đình là nơi thờ phụng các vị thần linh, đặt mâm lễ cúng ở đây mới thể hiện lòng thành kính của gia chủ với các vị thần linh.
Không cầu xin tài lộc khi cúng ông Công ông Táo
Lễ cúng 23 tháng Chạp mang ý nghĩa tiễn đưa ông Công ông Táo về chầu trời để báo cáo việc lớn việc nhỏ trong năm của gia chủ với thiên đình. Vì vậy, các gia chủ không nên cầu xin phú quý, cũng không cầu xin no đủ. Các gia đình chỉ nên khấn xin Táo báo những việc tốt đẹp trong năm vừa qua.
Làm lễ cúng ông Công ông Táo mà cầu xin tài lộc, công danh, tình duyên là không phù hợp, không nên phát tâm cầu khấn những điều này.