Trung tâm hiện có 11 cán bộ, trong đó biên chế chính thức 5 người, còn lại là hợp đồng lao động. Trung tâm có 2 phòng chức năng là: phòng Tổ chức hành chính - Kế toán và phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, với cơ sở vật chất và các phương tiện cần thiết, như máy vi tính, máy photocopy, xe ôtô con... Địa điểm làm việc của Trung tâm nằm tại khu nhà làm việc của Sở Công nghiệp Nghệ An.
1. Thực hiện tốt kế hoạch khuyến công năm 2006
Quỹ khuyến công Nghệ An có từ năm 2002, với 2 tỷ đồng mỗi năm (được trích 0,5-1% tổng thu ngân sách địa phương). Đến năm 2006, Tỉnh đã trích ngân sách 3 tỷ đồng cho các hoạt động khuyến công. Với nguồn kinh phí này, Sở Công nghiệp đã chủ trì, phối hợp với các phòng, ban liên quan tổ chức xét và đề nghị hỗ trợ cho 97 đề án, gồm: Đào tạo nghề cho 35 địa phương, đơn vị; Hỗ trợ xây dựng đề án phát triển CN, TTCN, làng nghề với 29 đề án, như: Lập quy hoạch K,CNN tại 5 huyện; khôi phục, phát triển nghề truyền thống và du nhập nghề mới; xây dựng đề phát triển TTCN, làng nghề tại 19 huyện, thị xã và thành phố Vinh; Hỗ trợ tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm, tham gia các hội chợ, như: Hội chợ Công nghiệp nông thôn các tỉnh bắc Trung Bộ ở Vĩnh Phúc và Hội chợ Triển lãm tôn vinh sản phẩm hàng đầu Công nghiệp Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh; Tổ chức một đoàn gồm cán bộ phòng Công nghiệp - Dịch vụ huyện, cán bộ các xã và làng nghề đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh phía Bắc.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý doanh nghiệp cho hơn 120 cán bộ là giám đốc, trưởng phòng kế toán, phòng kinh doanh thuộc các doanh nghiệp và cán bộ phụ trách công nghiệp trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn và huyện Quỳ Hợp; Phối hợp với Hội Nông dân và Tỉnh đoàn tổ chức các lớp tập huấn về công tác khuyến công cho cán bộ của Hội, của Đoàn thanh niên. Năm 2006, Nghệ An còn thực hiện được 12 chương trình truyền hình công nghiệp trên Đài Truyền hình Nghệ An, xuất bản được 4 số Bản tin Công nghiệp Nghệ An. Ngoài ra, Trung tâm còn làm đầu mối tổ chức đoàn công tác liên ngành: Công nghiệp, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư khảo sát, đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án khuyến công được hỗ trợ từ năm 2002-2005, để rút kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ, tổ chức thực hiện, kiểm tra, quản lý dự án, đồng thời kịp thời tham mưu cho UBND Tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp hơn, để khuyến khích công nghiệp địa phương phát triển.
Cùng với Quỹ KC địa phương, trong năm 2006, Nghệ An được Quỹ KC quốc gia hỗ trợ 180 triệu đồng thực hiện đề án đào tạo nghề chế biến nguyên liệu và sản xuất mây tre đan xuất khẩu, tại huyện Thanh Chương. Đến nay, Sở Công nghiệp đã chỉ đạo Trung tâm phối hợp với UBND huyện Thanh Chương tổ chức các lớp đào tạo nghề diễn ra từ ngày 18/7/2006 đến ngày 28/11/2006. Kết quả đào tạo đều được đánh giá tốt, góp phần tích cực trong việc nâng cao tay nghề và đem lại hiệu quả kinh tế trong chế biến và sản xuất mây tre đan xuất khẩu ở địa phương.
Nhìn lại sau gần 3 năm hoạt động và đặc biệt là năm 2006, có thể nhận thấy, công tác quản lý, sử dụng Quỹ khuyến công ở Nghệ An đã từng bước đi vào nề nếp, đúng quy định về quản lý tài chính; Hoạt động khuyến công đã tập trung cho cơ sở, bước đầu đã thu được kết quả đáng ghi nhận và có tính xã hội hóa ngày càng cao, gắn trách nhiệm của các cấp trong quá trình thực hiện dự án. Với sự tăng cường hỗ trợ của UBND Tỉnh cho Quỹ khuyến công tỉnh, trong năm 2006, Trung tâm đã tổ chức được nhiều hoạt động phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, đặc biệt là công tác đào tạo nghề, khôi phục và phát triển làng nghề, lập đề án phát triển TTCN, làng nghề, quy hoạch các CNN ở các huyện. Từ những chính sách về khuyến công, đã khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất CN, TTCN, xây dựng làng nghề; tạo điều kiện cho chính quyền địa phương phát huy chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và nâng cao trách nhiệm cho các doanh nghiệp sản xuất C-TTCN trên địa bàn …
Bên cạnh đó, các chương trình phối hợp giữa Sở Công nghiệp và các cơ quan hữu quan như: Liên minh HTX, Tỉnh đoàn Nghệ An và đặc biệt là Hội Nông dân, đều đạt được kết quả tốt. Đó là các chương trình xây dựng và triển khai dự án làng có nghề chế biến hải sản Diễn Ngọc, Diễn Châu (kinh phí 150 triệu đồng, và tại TX. Cửa Lò (tổng kinh phí 300 triệu đồng); Xây dựng đề án phát triển nghề dệt thổ cẩm ở huyện Quỳ Hợp, mây tre đan ở Quỳnh Lưu... với tổng số vốn hỗ trợ từ Quỹ khuyến công năm 2005 là 90 triệu đồng; Tổ chức các lớp đào tạo nghề mộc dân dụng, mây tre đan, dệt thổ cẩm, chế biến hải sản... tại các huyện như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu... và mở lớp đào tạo tập huấn cho hơn 100 cán bộ chuyên trách công tác hội về kinh nghiệm khuyến công và một số văn bản pháp quy về chính sách tác khuyến công.
Nhìn chung, kết quả thực hiện chương trình phối hợp đã có tác động tích cực đến phát triển TTCN, làng nghề, góp phần tăng trưởng kinh tế trong nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là vùng miền núi, ven biển, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển TTCN và xây dựng làng nghề ở địa phương. Theo dự kiến, các chương trình phối hợp sẽ được tiếp tục trong năm 2007 và những năm tiếp theo.