1. Quy chế nội bộ trong các tổ chức NC&PT nhà nước
Quy chế nội bộ đã xuất hiện phổ biến ở các tổ chức NC&PT nhà nước. Các viện cho rằng, ý nghĩa của quy chế nội bộ là: áp dụng những quy định của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của đơn vị, bổ sung những điều mà quy định chung của Nhà nước chưa có, tạo sự thống nhất tập thể trong quản lý...
Quy chế nội bộ thường được xây dựng công phu (có khi tham khảo lẫn nhau) và có định kỳ bổ sung, sửa đổi theo hướng ngày càng hoàn thiện và phù hợp với hoàn cảnh mới (quy định mới của Nhà nước, hoạt động mới của đơn vị, nguyện vọng mới của tập thể...).
Có thể coi quy chế nội bộ ở các tổ chức NC&PT là sự thể hiện tính tự chủ của tập thể trong quản lý đơn vị.
2. Quan hệ bình đẳng giữa hợp đồng và biên chế
Lãnh đạo của nhiều viện đã khẳng định bản thân họ không có thái độ phân biệt giữa lao động hợp đồng và lao đông trong biên chế. ở khoảng 2/3 viện có sử dụng lao động hợp đồng dài hạn, người làm hợp đồng có thể làm chủ nhiệm đề tài (phụ thuộc vào khả năng của họ chứ không phụ thuộc vào tính chất hợp đồng hay biên chế). ở một số nơi, lãnh đạo viện sẵn sàng đề bạt lao động hợp đồng làm trưởng, phó phòng, ban chuyên môn.
Nhờ quan hệ bình đẳng, tại một số tổ chức NC&PT nhà nước, tâm lý phân biệt biên chế và hợp đồng không còn nặng nề trong người lao động. Hơn nữa, có nơi người làm hợp đồng cảm thấy mình có lợi thế hơn: việc tăng lương dễ hơn, ít bị ràng buộc với đơn vị hơn, có điều kiện tập trung vào làm chuyên môn hơn1,...
3. Tăng quyền của phòng, ban chuyên môn và chủ nhiệm đề taì
Đã có những trường hợp trưởng phòng, ban chuyên môn được quyền lấy người (lao động hợp đồng), đề nghị cấp phó, đề nghị cho đi học, tự trả lương cho lao động hợp đồng, thải hồi lao động hợp đồng. Về thực chất, viện chỉ làm các thủ tục mang tính hành chính. Đương nhiên, viện vẫn thể hiện quyền hạn và trách nhiệm của mình về quản lý nhân lực trong đơn vị. Đối với lao động hợp đồng, phòng, ban chuyên môn đề xuất nhân lực, viện có thể từ chối nhằm chống trường hợp lấy người về sử dụng sai mục đích - chỉ để làm chân trong chân ngoài, lợi dụng cơ sở vật chất của viện..., hoạc nhận thấy phòng, ban chuyên môn không có khả năng kinh phí. Để bảo vệ người lao động, viện can thiệp vào khâu trả lương, thậm chí quy định người lao động hợp đồng được nhận lương từ bộ phận tài vụ viện thay vì từ phòng, ban chuyên môn...
Có thể thấy ở đây sự phân biệt khá hiệu quả giữa hành chính và chuyên môn. Nguyên tắc phân biệt quản lý hành chính và chuyên môn còn được đẩy mạnh hơn nữa khi xác định rõ quyền của chủ nhiệm đề tài trước các phòng, ban trong viện. Một số lãnh đạo viện thẳng thắn cho biết tình hình ở đơn vị họ: “Quyền lấy người, hoạt động chuyên môn thực chất là do chủ nhiệm đề tài quyết định. Viện, phòng chỉ tham gia vào ở chỗ: (i) quản lý hành chính người được lấy (theo quy định chung), (ii) xem xét việc sử dụng trang thiết bị của lao động được lấy, (iii) can thiệp bảo vệ lợi ích của người lao động”; “Quản lý hành chính thì theo phòng, còn quản lý chuyên môn thì có thể theo phòng, có thể theo chủ nhiệm đề tài (theo nhóm nghiên cứu khoa học) - xuất hiện hình thức tập thể khoa học. Cơ cấu mềm này hiệu quả hơn cơ cấu cứng dựa trên phòng, ban ở chỗ: tạo điều kiện phối hợp giữa các ngành chuyên môn; cùng một lúc, một người có thể tham gia vào nhiều nhóm/tập thể nghiên cứu” ;...
4. Quản lý đề tài cơ sở
Trong các nhiệm vụ KH&CN hiện nay, đề tài nghiên cứu cấp cơ sở thường bị coi nhẹ và mang ý nghĩa khá thứ yếu. Nói đến đề tài cấp cơ sở, dường như nhiều người hình dung ngay đến mức kinh phí ít và thất thường, quản lý tuỳ tiện, chất lượng nghiên cứu thấp... Tuy nhiên, trên thực tế, không ít viện nghiên cứu, loại đề tài này đã và đang thể hiện những vai trò rất quan trọng. Thậm chí, với một chừng mực nào đó, đề tài cơ sở là “cơ sở” cho hoạt động nghiên cứu của nhà khoa học và tổ chức NC&PT.
Có thể ghi nhận các tác dụng nổi bật của đề tài cơ sở đã được thể hiện ở các viện nghiên cứu như:
- Đề tài cơ sở tạo cơ hội cho các cán bộ nghiên cứu có điều kiện tập trung vào một hướng chuyên môn trong một thời gian dài. Nếu như đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ luôn thay đổi chủ đề theo từng hoàn cảnh, thì người ta vẫn có thể xây dựng các đề tài cơ sở ổn định theo lĩnh vực nghiên cứu hẹp, giúp nhà khoa học tích luỹ kĩ năng và có bề dầy kinh nghiệm chuyên sâu. Đây chính là cách thức để các viện nghiên cứu hình thành đội ngũ chuyên gia và là điều kiện giúp cán bộ nghiên cứu khẳng định mình là ai trong giới khoa học vốn có nhiều chuyên ngành khác nhau.
- Trong khi đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ giải quyết các vấn đề cấp bách đặt ra theo đòi hỏi của thực tiễn, chủ đề của đề tài cơ sở hoàn toàn có thể hướng vào những vấn đề lý luận, phương pháp luận cơ bản. Tại nhiều viện nghiên cứu, người ta thấy rõ đề tài cơ sở là công trình nghiên cứu cơ bản để lại giá trị lâu dài, vượt qua thời gian và không gian2.
- ở đề tài cơ sở, dấu ấn cá nhân của nhà khoa học thể hiện rõ hơn đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ. Trong nhiều trường hợp, nhất là bối cảnh các viện nghiên cứu nước ta chưa thoát khỏi cơ chế quản lý hành chính hiện nay, được tự do, độc lập làm việc và phải tự chịu trách nhiệm về kết quả nghiên cứu sẽ kích thích đáng kể các cán bộ nghiên cứu tạo ra sản phẩm có chất lượng khoa học.
- Đề tài cơ sở có sức thu hút mạnh mẽ nguồn nhân lực và nguồn tài chính trong viện nghiên cứu cho hoạt động khoa học. Phần lớn cán bộ nghiên cứu không có cơ hội tham gia vào đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, nhưng vẫn được lôi cuốn vào hoạt động nghiên cứu của đơn vị nhờ có đề tài cơ sở. Hơn nữa, do được tìm hiểu vấn đề mình đề xuất và tâm đắc, niềm say mê làm việc ở đề tài cơ sở thường rõ hơn ở đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ. Về tài chính, loại hình đề tài cơ sở dựa trên kinh phí tự có của đơn vị đang trở nên phổ biến.
- Trong khi quản lý đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ đang phải chịu những ràng buộc nhất định từ cơ chế cũ (hiện tượng tất yếu do đổi mới cơ chế quản lý KH&CN đang diễn ra và chưa kết thúc), các đề tài gắn liền với tự chủ của viện nghiên cứu đã thể hiện nhiều cách thức quản lý mới, sáng tạo và hiệu quả.
- Chất lượng của nhiều đề tài cơ sở khá cao. Tại một số viện nghiên cứu, hàm lượng khoa học của đề tài cơ sở được đánh giá không thua kém, thậm chí cao hơn đề tài cấp Bộ, mặc dù sự tập trung kinh phí và lực lượng vào đề tài cấp Bộ gấp nhiều lần đề tài cơ sở. Minh chứng rõ về chất lượng đề tài cơ sở là những sản phẩm xuất bản thành sách chuyên khảo phát hành rộng rãi như: Triết học pháp quyền của Hêghen (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2002), Khoa học công nghệ với nhận thức biến đổi thế giới và con người - Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội - 2003), Luật hình sự Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội - 2000), Đại cương triết học phật giáo Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội - 2002), Người Hoa trong xã hội Việt Nam (Thời Pháp thuộc và dưới chế độ Sài Gòn) (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội -2002), Từ điển chữ nôm - tầy (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội - 2003), Xí nghiệp hương trấn ở nông thôn Trung Quốc - Quá trình hình thành và phát triển (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội - 1994),Thế giới - Những sự kiện lịch sử thế kỷ XX (Nhà xuất bản Giáo dục)3,... Một minh chứng khác là kết quả của đề tài cơ sở tạo ra những sản phẩm công nghệ đưa vào được thị trường như vật liệu chịu lửa dùng trong các buồng đốt của các lò hơi trong nhà máy điện, nhà máy giấy, vật liệu bôi khuôn trong công nghệ đúc...