Tổ chức Quốc tế về Tiêu chuẩn hóa (ISO) đã đưa ra định nghĩa sau:
“Chất lượng là khả năng tập hợp các đặc tính của một sản phẩm, hệ thống hay qúa trình để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng và các bên có liên quan".
Khái niệm chất lượng trên đây được gọi là chất lượng theo nghĩa hẹp. Rõ ràng, khi nói đến chất lượng, chúng ta không thể bỏ qua các yếu tố giá cả và dịch vụ sau bán hàng, vấn đề giao hàng đúng lúc, đúng thời hạn đó là những yếu tố mà khách hàng nào cũng quan tâm, sau khi thấy sản phẩm mà họ định mua thỏa mãn nhu cầu của họ.
Hoạt động quản lý trong lĩnh vực chất lượng được gọi là quản lý chất lượng.
Quản lý chất lượng là các hoạt động có phối hợp nhằm định hướng và kiểm soát một tổ chức về chất lượng
Việc định hướng và kiểm soát về chất lượng thường bao gồm: lập chính sách, mục tiêu, hoạch định, kiểm soát, đảm bảo và cải tiến chất lượng.
Để quản lý chất lượng, người ta thường dùng các phương pháp như: Kiểm tra chất lượng; Kiểm soát chất lượng; Kiểm soát chất lượng toàn diện; Quản lý chất lượng toàn diện ...Trong đó, Kiểm soát chất lượng toàn diện là một hệ thống có hiệu quả để nhất thể hoá các nỗ lực phát triển, duy trì và cải tiến chất lượng của các nhóm khác nhau vào trong một tổ chức, sao cho các hoạt động marketing, kỹ thuật, sản xuất và dịch vụ có thể tiến hành một cách kinh tế nhất, cho phép thoả mãn hoàn toàn mọi khách hàng.
Kiểm soát chất lượng toàn diện huy động nỗ lực của các đơn vị trong doanh nghiệp vào các quá trình có liên quan đến duy trì và cải tiến chất lượng. Điều này sẽ giúp tiết kiệm tối đa trong sản xuất, dịch vụ, đồng thời thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Còn về Quản lý chất lượng toàn diện thì, trong những năm gần đây, sự ra đời của nhiều kỹ thuật quản lý mới, góp phần nâng cao hoạt động quản lý chất lượng.
Trên đây là một số khái niệm cơ bản về chất lượng và quản lý chất lượng để chúng ta có thể phần nào tự đánh giá về chất lượng và quản lý chất lượng sản phẩm của Việt Nam.
Thực trạng quản lý chất lượng ở Việt Nam
Trong những năm qua, hệ thống quản lý chất lượng của Việt Nam đã có những tiến bộ . Hệ thống quản lý chất lượng của Việt Nam đã được tổ chức từ các những cơ quan như Tổng Cục Tiêu chuẩn -Đo lường -Chất lượng đến các chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, vấn đề quản lý chất lượng ở Việt Nam vẫn còn cả một chặng đường dài để phấn đấu.
Chỉ nói riêng lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm trong những năm qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh nhiều về chất lượng không đảm bảo yêu cầu Ngay cả những nhà chức trách cũng bị cử tri cả nước chất vấn về vấn đề chất lượng y tế và dược phẩm...Thí dụ, mặt hàng thuốc Tây khó ai mà biết có bao nhiêu loại thuốc đã hết hạn, cấm sử dụng hoặc thuốc giả được nhập về. Vì có số liệu đã công bố về tỷ lệ thuốc giả ở các nước trên giới rất cao và ở các nước châu á cũng có tỷ lệ thuốc giả đến khoảng gần 30%. Còn về thuốc Đông y, như người ta đã phản ảnh: “ Khác với thời bao cấp, kiếm đỏ mắt không ra một thang thuốc. Đông dược hiện nay ê hề trên thị trường. Chỉ cần đến đường Hải Thượng Lãn Ông (Tp Hồ Chí Minh) có thể thấy “trên trời dưới thuốc”. Thôi thì đủ mặt các vị: hoài sơn, sa sâm, quy, táo tàu...
Tại đây có hàng ngàn loại thuốc khác nhau mà chủ yếu nhập từ Trung Quốc “80%” và Hồng Công, Malaysia, Singapore... trong đó có nhiều nhãn liệu nổi tiếng nhưng cũng có không ít sản phẩm bị cấm lưu hành.
Nhưng chất lượng thuốc ở đây thì chỉ có trời mới biết. Ngoài những loại thuốc bị cấm không ai hay, làm sao biết được trong hằng hà sa số những bao tải thuốc vứt lăn lóc trên lề đường hè phố cái nào mốc, mọt, biến chất? Ai biết được cái nào là thuốc chính hiệu con nai vàng? Còn cái nào được chế tạo... tại Việt Nam, là Made in Cholon, mà chất liệu là củ mài, củ mì, khoai mỡ, thậm chí là củ cải trắng phơi khô?
Đó là chưa kể đến cách chế biến và bảo quản cực kỳ mất vệ sinh với các bao tải thuốc vất lăn lóc trên vỉa hè “trơ gan cùng tuế nguyệt” với nắng gió và bụi cát. Những loại thuốc như vậy chữa không khỏi bệnh cũng còn là may. Trên thực tế, có rất nhiều người chữa trị Đông y không tìm đúng thầy đúng thuốc, bệnh chẳng những không hết còn bị tác dụng phụ, tai biến, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Đông dược ngày càng chiếm vai trò lớn trong việc bảo vệ sức khỏe con người. Vì vậy, quản lý thị trường đông dược là một vấn đề hết sức cấp bách. Và đây cũng không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành y tế”.
Một vấn đề mà gần đây dư luận xã hội cũng lên tiếng đó là chất lượng của các loại sữa được quảng cáo và bán với giá cao “trên trời”, nhưng khi kiểm tra thử thì chí ít cũng 1/3 là sữa kém chất lượng, hết hạn ở nước ngoài mà vẫn được các nhà nhập khẩu tung ra bán ở thị trường với bao bì mới...
Nhiều loại “thuốc – thực phẩm” như “VERSION” giấy phép thì là thực phẩm còn tuyên truyền và bán theo hình thức truyền tiêu đa cấp lại là thuốc chữa “bách bệnh” và giá bán cũng làm người dân lương thiện chẳng bao giờ dám mơ. Được biết, khi cấp phép thì Cơ quan quản lý của Việt Nam cũng chẳng có phương tiện gì để kiểm tra các thành phần có trong đó, mà nghe người nhập khẩu “khai” là chính. Chính vì vậy, mà vừa qua, thủ tướng Chính phủ đã có văn bản về việc đền bù cho những người sử dụng hàng hóa kém chất lượng, trong đó có dược phẩm và các loại “thuốc – thực phẩm”. Hoặc gần đây nhất, có bài phóng sự về: Flavin 7: nước ép trái cây hay "thần dược"? Theo bài báo, Phòng khám đa khoa 55 Nguyễn Du (Hà Nội) là nơi duy nhất bán thuốc - Flavin 7 “phòng ngừa và điều trị ung thư”, và giá chỉ có 2 triệu đồng/lọ. Theo các tờ rơi quảng cáo thì Flavin 7 là loại nước cốt hoa quả có tác dụng chữa bệnh, do Công ty Crystal Institute sản xuất tại Hungary. Tên đầy đủ là “Tinh thể mặt trời Flavin 7”, chiết xuất từ bảy loại hoa quả sạch. Sáu loại trong số này có ở VN gồm nho tím, anh đào đen, phúc bồn tử, mâm xôi, mận, táo, một loại quả ở VN không có là szeder đen.
Chỉ đơn giản như vậy, nhưng tác dụng của Flavin 7 theo quảng cáo lại thật... thần kỳ. Theo các tài liệu do Công ty cung cấp, tại VN nhiều bệnh nhân đã dùng Flavin 7. Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị ung thư giai đoạn 3 không cần tiêm moocphin giảm đau, ăn ngủ tốt, trọng lượng tăng đáng kể, kích cỡ u nhỏ dần. Những người bị dị ứng do chức năng gan sau khi uống 2-3 chai Flavin 7 đã khỏi bệnh, khỏe lên nhiều. Trường hợp ung thư đã di căn, tác dụng của Flavin 7 còn “kỳ diệu” hơn: làm tăng sức đề kháng của bệnh nhân, giảm đau đáng kể, hạn chế sự phát triển của u, kéo dài tuổi thọ... Do có “tác dụng đặc biệt” như vậy, Flavin 7 đang gây một cơn sốt lớn tại Hungary và... lan tràn sang các nước châu Âu và châu Mỹ. Nhưng sự thật không phải vậy, theo văn bản của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thì Flavin 7, đơn thuần chỉ là một loại... nước cốt hoa quả, xuất hiện tại VN từ tháng 10-2003. Đại diện Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm khẳng định, các quảng cáo của Công ty là sai phạm và cục sẽ yêu cầu công ty thu hồi toàn bộ. Tuy nhiên, sau đó các quảng cáo về Flavin 7 vẫn...“lộng hành”, thậm chí, tờ rơi quảng cáo còn được đem phân phát tại... Hội thảo Ung thư quốc tế vừa diễn ra tại Hà Nội.
Họ còn tuyền truyền sẽ phối hợp với Bệnh viện K TW để thí nghiệm 10 bệnh nhân, nhưng trả lời báo giới chính thức (sáng 17-8), đại diện Bệnh viện K T.¦ khẳng định đã từ chối đề nghị hợp tác này.
Trong khi đó, Hội Bảo vệ người tiêu dùng VN cũng cho biết, đã nhận được rất nhiều khiếu nại của người tiêu dùng bị lừa do tin tưởng vào các quảng cáo thực phẩm bổ dưỡng. Để bán được hàng, hầu hết quảng cáo thái quá đều đánh vào tâm lý những người mắc bệnh nan y.
Mặc dù có quá nhiều sai phạm trong kinh doanh thực phẩm bổ dưỡng, nhưng hiện nay, việc quản lý kinh doanh lại thuộc lĩnh vực do Bộ Thương mại quản lý. Năm 2003 Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Thương mại không cho phép các doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm theo kiểu truyền tiêu đa cấp, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.
Khi đi tìm hiểu về vấn đề quản lý chất lượng hiện nay, được các chuyên gia đưa ra nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có lẽ những nguyên nhân sau đây chúng ta có thể tham khảo:
1 – Hệ thống QLCL nhà nước được tổ chức xem ra rất chặt chẽ, nhưng thực tế họat động không hiệu quả. Mặc dù, cấp QLCL cao nhất Nhà nước giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Bộ KH&CN có Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và các cơ quan đầu mối ở Trung ương thuộc các Bộ quản lý chuyên ngành. Các địa phương thì có các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện việc quản lý đối với các hàng hoá, trừ các hàng hoá đặc thù thuộc phạm vi quản lý của các Bộ quản lý chuyên ngành. Nhưng thực tế, việc phối hợp giữa các cơ quan trên rất yếu và không có sự thông tin, phối hợp với nhau.
2 – Vấn đề hài hòa (phù hợp) tiêu chuẩn Việt Nam với tiêu chuẩn quốc tế hiện nay là vấn đề còn nhiều khó khăn chưa khắc phục được. Đây cũng là một trong những rào cản cho hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
3 – Thống kê trong công tác QLCL rất kém. Có chuyên gia về lĩnh vực QLCL đã phải nói, nếu hỏi Bộ tôi có bao nhiêu doanh nghiệp đã có chứng chỉ ISO 9000, chắc chắn không ai trả lời được.
4 – Hệ thống văn bản pháp lý của Việt Nam còn thiếu đồng bộ và tổ chức thực hiện yếu. Ví dụ, Năm 2000, Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá, nhưng đến nay là vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn thực hiện. Được biết, đến nay, Bộ KH&CN đang biên sọan để trình Chính phủ.
5 – Dụng cụ, phương tiện, thiết bị kiểm tra của phòng kiểm định hay phòng thí nghiệm của Việt Nam vẫn còn lạc hậu và trình độ của cán bộ vẫn còn yếu. Tuy Chính phủ đã cố gắng chi ra gần nghìn tỷ đồng để đầu tư cho các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, nhưng số lượng các phòng thí nghiệm loại này vẫn là con số quá nhỏ. Chỉ có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm trong cả nước và chủ yếu tập trung ở các bộ và hầu hết nằm ở Hà Nội (duy nhất có Phòng thí nghiệm trọng điểm Điều khiển số và Công nghệ hệ thống thuộc Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh).
Có thể nói, quản lý chất lượng hàng hóa của Việt Nam hiện nay mới đang ở thời kỳ ban đầu. Để Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa phát huy hiệu quả thì, trước hết phải xây dựng các khung pháp lý chặt chẽ, đồng bộ, thứ nữa là phải đầu tư đào tạo nguồn nhân lực mới và đầu tư thiết bị, dụng cụ đo lường, kiểm tra, phân tích...tương ứng với yêu cầu./.